Hai chuỗi Điện Máy Xanh và Trần Anh sáp nhập có thể nói là thương vụ có tác động trực tiếp đến cơ cấu cạnh tranh ở thị trường điện máy, sau thương vụ Power Buy của Central Group mua chuỗi Nguyễn Kim từ 2015. Các thương vụ này đang đưa thị trường vào thế cạnh tranh mạnh mẽ và năng động hơn.
Đọc E-paper
Một phần trong ngân sách 2.500 tỷ đồng dành cho việc M&A mà đại hội đồng cổ đông Công ty CP Thế Giới Di Động đã thông qua là để mua 25% vốn điều lệ của Công ty Thế giới số Trần Anh. Năm 2016, hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động công bố nắm 16% thị phần điện máy cả nước, Trần Anh công bố nắm 17% thị trường miền Bắc.
Trong mục tiêu chiếm lĩnh 25% thị phần điện máy năm 2017 và 30% vào năm 2018 thì M&A là bước nhanh nhất giúp Điện Máy Xanh hiện thực hóa chiến lược kinh doanh. Sự kết hợp này trước mắt sẽ là nhân tố làm biến đổi thị trường theo thị phần, khi Điện Máy Xanh nằm trong top 3 cả nước và Trần Anh thuộc top 3 nhà cung cấp phía Bắc.
Thay đổi thị phần
Theo số liệu của Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam, 6 tháng đầu 2017, quy mô thị trường điện tử, điện máy hơn 103.000 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2016, riêng mảng điện máy tăng 8 - 11% tùy ngành hàng. Vài năm qua, các doanh nghiệp trong ngành đã đưa quy mô chuỗi cửa hàng điện máy bình quân tăng hơn 5 lần so với năm 2015.
Trong 6 tháng đầu 2017, Điện Máy Xanh đạt doanh thu 13.381 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, Trần Anh dự kiến doanh thu 5.127 tỷ và lợi nhuận trước thuế 49 tỷ đồng. Cuối tháng 8, Điện Máy Xanh đã mở 481 điểm bán với quy mô vài trăm m2 mỗi điểm theo chiến lược chia nhỏ và phân bổ sâu thị trường. Trong 5 năm gần đây, Trần Anh từ vài trung tâm tăng lên 39 ở miền Trung và miền Bắc, sẽ là kênh giúp Điện Máy Xanh đẩy nhanh quy mô và độ phủ ở hai thị trường này. Đặc biệt sự am hiểu thị trường của Trần Anh giúp Điện Máy Xanh "Bắc tiến" dễ dàng hơn.
Những tên tuổi khác như Điện máy Chợ Lớn, MediaMart, Pico, Vinpro, Thiên Hòa, HC cùng hàng trăm nhà kinh doanh nhỏ cũng có những thay đổi nhanh chóng đã làm cho thị trường điện máy sôi động hơn. Nếu thị trường điện máy phía Nam phân chia tương đối rõ ràng tốp 3 gồm Nguyễn Kim, Chợ Lớn và Điện Máy Xanh thì phía Bắc là sự "kèn cựa" của nhiều nhà cung cấp hơn với sự nổi bật của hai chuỗi MediaMart và Trần Anh, nhưng sự cách biệt chưa lớn.
Báo cáo thị trường của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá Điện Máy Xanh sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Thế Giới Di Động giai đoạn 2017 - 2018. Cạnh tranh thị trường điện máy còn được kỳ vọng ở khoảng 50% thị phần đang được các nhà kinh doanh địa phương nắm giữ.
"Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) nhắm đến 30% thị phần năm 2018, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, họ có thể hoàn thành mục tiêu này, tuy nhiên giai đoạn sau 2018 tăng trưởng sẽ bắt đầu chậm lại do thị phần của nhóm cửa hàng truyền thống đã thu hẹp dần, thị trường điện máy sẽ vào giai đoạn giống với thị trường bán lẻ di động hiện nay" - HSC phân tích.
>>Ngành bán lẻ điện máy: Thay đổi hay phá sản?
Cạnh tranh khốc liệt hơn
Là một trong những nhà kinh doanh lớn, chuỗi siêu thị Điện máy - Nội thất Chợ Lớn hiện có 51 trung tâm từ Đà Nẵng trở vào. Theo ông Liên An Thạch - Giám đốc kinh doanh chuỗi siêu thị này, sẽ mở thêm trung tâm nhưng không ồ ạt, nhắm vào những khu vực có mật độ trên 150.000 người cho mỗi điểm bán.
"Chúng tôi tập trung từ miền Trung trở vào, phủ rộng ở miền Tây và làm tốt nhất những gì đang có” - ông Thạch cho biết và thừa nhận thị trường điện máy đang cạnh tranh khốc liệt, chỉ những đơn vị đầu tư cho thương hiệu, tổ chức khuyến mãi và chăm sóc khách hàng tốt nhất mới trụ vững được.
Theo ông Thạch, khi mức độ cạnh tranh khốc liệt thì thâu tóm hay hợp tác là bình thường. Kinh doanh điện máy có đặc thù hàng hóa cồng kềnh nên gặp nhiều khó khăn vì cần mặt bằng lớn (một trung tâm tối thiểu phải 800m2 sàn) để đảm bảo số lượng mẫu đa dạng cho người dùng trải nghiệm. Kho bãi rộng và nhân sự nhiều khiến chi phí ngành hàng điện máy cao hơn so với các chuỗi cửa hàng điện thoại di động.
Nguyễn Kim với hơn 50 điểm bán phân bổ từ Bắc vào Nam với đủ loại mô hình lớn, vừa và nhỏ cùng các cửa hàng shop-in-shop tại các trung tâm thương mại Big C, bên cạnh lợi thế về bề dày thị trường còn có sự hậu thuẫn của Central Group - một nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam hiện nay.
Nếu như thị trường miền Bắc với sự nổi lên của MediaMart (61 siêu thị với 1/3 tập trung tại Hà Nội) và Trần Anh thì so kè nhau còn có Pico với 22 trung tâm tiên phong trong mô hình sàn điện máy rộng hướng đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng, HC với 15 trung tâm. Tốp 3 thị trường miền Nam tạo được khoảng cách khá xa so với các nhà cung cấp còn lại như Thiên Hòa, Phan Khang, Gia Thành.
Các nhà kinh doanh cho biết khung lợi nhuận của hàng điện máy không cao và vòng đời sản phẩm chậm thay đổi (trung bình 5 - 10 năm) là một thách thức lớn, trong khi hàng hóa cồng kềnh khiến chi phí logistics cao và diện tích mặt bằng lớn nên đòi hỏi phải tối ưu hóa chuỗi cung ứng và năng lực vận hành hệ thống. Bên cạnh đó còn đòi hỏi năng lực ứng dụng công nghệ quản trị và sự hỗ trợ của kênh thương mại điện tử.
Việc đa dạng hóa kênh và các mô hình tương hỗ cũng khiến thị trường cạnh tranh khó lường hơn. Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động hay Vinpro cho thấy sự phát triển song song các kênh điện máy với siêu thị bách hóa hay dược phẩm, mô hình shop-in-shop. Mô hình Media Mart hay Chợ Lớn cho thấy theo đuổi đặc thù sàn kinh doanh điện máy và mở rộng sang lĩnh vực nội thất vốn phù hợp với các trung tâm quy mô lớn và hiện đại.
Theo các doanh nghiệp, để tiếp tục mở rộng, ngành điện máy sẽ tìm động lực tăng trưởng chủ yếu ở các thành phố cấp 2 và giành thị phần từ các nhà cung cấp địa phương để tiến tới định vị tốp 3 nhà cung cấp lớn nhất thị trường, tương tự với cách thức thị trường điện thoại di động đã vận hành từ chục năm trước. Các cửa hàng nhỏ lẻ sẽ dần thu hẹp và tổ chức lại thị trường ngách đặc thù và linh hoạt hơn.