Larry Ellison, nhà sáng lập tập đoàn phần mềm Oracle, nổi tiếng là người ưa thích sự thái quá. Nắm trong tay khối tài sản ước tính 46 tỉ USD (xếp thứ 7 danh sách người giàu thế giới), Ellison đã xây dựng một ngôi nhà phong cách Nhật đồ sộ tại Thung lũng Silicon, mua những miếng đất lớn mà ai cũng thèm muốn tại Malibu và gần đây tài trợ cho đội vô địch giải America’s Cup năm ngoái. Cách đây 2 năm, ông đã bỏ tiền mua cả một hòn đảo ở Hawaii.
Nếu không tìm thấy chùm chìa khóa, bạn chỉ cần bật điện thoại lên và hỏi: “Chìa khóa ở đâu?” |
Việc ông chỉ định không chỉ một mà là hai người ngồi vào vị trí của ông tại Oracle vào ngày 18/9 vừa qua là một ví dụ khác cho thấy sở thích “thái quá” này của ông. Hai người được cất nhắc là hai vị đồng Chủ tịch Mark Hurd, cựu Tổng Giám đốc (CEO) của HP gia nhập Oracle vào năm 2010 và bà Safra Catz, Giám đốc Tài chính lâu năm của Oracle.
Sức ép của Ellison
Ellison đồng sáng lập Oracle vào năm 1977 và là vị CEO duy nhất của Oracle trong suốt 37 năm qua. Ông đã dẫn dắt Oracle qua nhiều thăng trầm để leo lên vị trí là công ty phần mềm cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới và là một trong những nhà sản xuất lớn nhất về phần mềm doanh nghiệp.
Thế nhưng, trong vài năm gần đây, Ellison bắt đầu sơ sẩy. Các nhà đầu tư đã chỉ trích thương vụ thâu tóm Sun Microsystems năm 2010 với giá 7,4 tỉ USD của ông sau khi doanh số bán các máy chủ Sun và các thiết bị khác bị giảm mạnh sau thương vụ.
Ellison cũng từng đoán hụt xu hướng thị trường. Năm 2008, ông lên tiếng dè bỉu điện toán đám mây. Thế nhưng, trái với dự đoán của ông, điện toán đám mây đã nhanh chóng trở thành một xu hướng trong phần mềm doanh nghiệp. Và chính Oracle đã phải lật đật xây dựng các sản phẩm đám mây để bắt kịp với các đối thủ nhỏ hơn. Năm nay, Ellison đã “đổi tông” khi gọi Amazon.com và Salesforce.com là mối đe dọa ngay trước mắt của Công ty.
Sức ép của Ellison thể hiện rõ qua các con số tài chính. Doanh thu hằng năm của Oracle đã tăng 4,2% hoặc thấp hơn mức này trong 3 năm tài chính vừa qua. Dù doanh thu phần mềm đám mây đã tăng 31% trong quý tài chính kết thúc vào ngày 31/8/2014, nhưng lại chiếm chưa tới 6% tổng doanh thu. Lợi nhuận hoạt động của Oracle trong quý này cũng giảm. Điều khiến nhà đầu tư thất vọng là trong 8 quý vừa qua, có đến 6 quý Oracle đã không đạt được mức dự báo của giới phân tích.
Trong bối cảnh này, Ellison lại quyết định thử cấu trúc đồng CEO, vốn đã được chứng minh trong lịch sử rằng đó “không phải là mô hình lý tưởng”. Giá cổ phiếu Oracle đã giảm 2% xuống còn 40,70 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi Công ty tuyên bố sự thay đổi trong dàn lãnh đạo cấp cao và lợi nhuận thấp hơn dự đoán của Phố Wall.
Dấu hỏi về cấu trúc “đồng CEO”
Trong 25 năm qua, chỉ có 21 công ty trong Fortune 500 áp dụng cấu trúc điều hành đồng CEO. Oracle sẽ là công ty thứ 22 thử mô hình này. Cấu trúc đồng CEO hiếm khi được sử dụng là có lý do. Theo Lindred Greer, Giáo sư Trường Kinh doanh Stanford, cấu trúc đồng CEO tạo ra mâu thuẫn, mang đến kết quả tiêu cực của các nhóm làm việc và khiến cho 2 vị lãnh đạo của doanh nghiệp có lối suy nghĩ thù địch. “Một khi nắm giữ quyền lực trong tay, bạn có xu hướng nhạy cảm với các mối đe dọa có thể làm bạn mất vị trí đó”, Greer nói.
Không phải tất cả các cuộc chia sẻ quyền lực giữa 2 CEO đều trở thành ác mộng nhưng nhiều trong số đó đã thất bại thảm hại. Khi Marth Stewart Living Omnimedia đưa Wenda Millard và Robin Marino cùng giữ chức CEO vào tháng 7.2008, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Charles Koppleman đã giải thích lý do cho chiến lược này là “1+1=3”. Nhưng chưa đầy 1 năm sau đó, chiến lược “1+1=3” đã thất bại. Millard đã ra đi sau khi Công ty lỗ 15,7 triệu USD vào năm 2008.
Một trường hợp khác là đồng CEO Sandy Weill và John Reed tại Citigroup trong giai đoạn 1998-2000. Theo Lawrence Hrebiniak, Giáo sư Trường Kinh doanh Wharton, 2 vị CEO này đã xảy ra xung đột vì đều là người có cá tính và thể hiện quan điểm cá nhân mạnh mẽ khi đụng đến chuyện quyết định đường hướng Công ty.
Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp các CEO lại làm việc tương đối ăn ý với nhau. Whole Foods là một ví dụ. Trong 4 năm qua, 2 CEO John Mackey và Walter Robb đã điều hành Whole Foods một cách khá thành công.
Mackey đồng sáng lập Whole Foods vào năm 1980 và Robb gia nhập vào năm 1991, một năm trước khi Công ty lên sàn. Robb được đưa lên vị trí đồng CEO bên cạnh Mackey vào năm 2010. Kể từ đó, Whole Foods đã thúc đẩy cuộc bành trướng thần tốc của mình và chứng kiến giá cổ phiếu tăng nhanh từ mức 13,73 USD lên mức 39 USD hiện nay.
Một trường hợp khác là KKR. Henry Kravis và George Roberts, 2 trong số 3 nhà sáng lập nên KKR, có quan hệ anh em họ và đã cùng điều hành tập đoàn đầu tư nổi tiếng thế giới này trong hàng thập kỷ qua.
Một đặc điểm chung trong các trường hợp thành công này là 1 hoặc cả 2 CEO là người sáng lập công ty. Nhà sáng lập đó đóng vai trò là người đưa ra tầm nhìn và một vị đồng CEO phụ trách khâu điều hành như tại Whole Foods.
“Thông thường, khi có nhiều hơn 1 người điều hành doanh nghiệp thì họ phải có kỹ năng hoặc tài sản gì có thể bổ trợ cho nhau. Họ phải sẵn lòng làm việc cùng nhau, thừa nhận chuyên môn, thế mạnh của người kia và chịu “nghe lời” người đó dựa trên thế mạnh ấy”, Hrebiniak nói.
Vậy Catz và Hurd thuộc trường hợp nào? Theo Hrebiniak, mặc dù Catz và Hurd không có quan hệ đồng sáng lập nhưng cả hai đã làm việc khá hài hòa trong những năm qua. Cartz tập trung vào khâu tài chính, sản xuất cũng như vấn đề pháp lý, trong khi Hurd lo chạy ngoài như bán hàng và dịch vụ. Catz và Hurd đều báo cáo lên Ellison.
Dẫu vậy, một số ý kiến cho rằng dù Catz và Hurd có làm việc ăn ý thì chưa hẳn đã là điều tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp của Oracle, có một điểm đáng chú ý, đó là thực ra có tới 3 người đang điều hành Oracle, chứ không phải là hai, theo Hrebiniak.
Theo cơ chế mới, Ellison sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị thay cho Jeff Henley và ông tiếp tục giữ vị trí Giám đốc Công nghệ. Mảng sản xuất, tài chính và pháp lý tại Oracle vẫn sẽ do Catz điều hành trong khi các bộ phận dịch vụ và bán hàng vẫn do Hurd phụ trách. Như vậy, thay vì báo cáo cho Ellison, Catz và Hurd giờ sẽ báo cáo cho một hội đồng quản trị do chính Ellison làm Chủ tịch, người vẫn tiếp tục giám sát các kỹ sư phần mềm và phần cứng của Tập đoàn.
Cơ chế mới này cho thấy 2 điều: hoặc là Ellison muốn xoa dịu các cổ đông đang phàn nàn về việc lợi nhuận của Oracle không đạt mong đợi của Phố Wall trong khi vẫn giữ được vị trí cầm cương, hoặc là ông muốn tìm xem ai trong số 2 tướng dưới trướng này của ông sẽ hội đủ tiêu chuẩn để dẫn dắt Oracle, hoặc là vì cả hai lý do trên.
Những loạng choạng của Oracle và thời điểm tuyên bố chỉ định Catz và Hurd làm đồng CEO sau khi Oracle không đạt được mức mong đợi về lợi nhuận, tất cả cho thấy Ellison đang gặp sức ép lớn từ Hội đồng Quản trị. Mặc dù Ellison sở hữu 25% cổ phần nhưng ông vẫn phải trả lời trước những chủ sở hữu khác.
Nếu dưới thời “tam hùng” này, Oracles vẫn tiếp tục loạng choạng, một ứng viên mới có thể sẽ nhảy vào. Điều đó đã từng xảy ra ở Groupon.
“Đồng CEO hiếm khi nào là một ý tưởng hay. Có thể trong ngắn hạn sẽ không có gì thay đổi, nhưng trong dài hạn hơn, luôn tồn tại một dấu hỏi về cách tiếp cận này. Trong khoảng thời gian 5 năm, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Safra và Mark vẫn còn giữ chức CEO”, ông Rick Summer, chuyên gia phân tích cổ phiếu tại Morningstar, dự đoán.
>Ái nữ tài năng của tỷ phú Larry Ellison
>Larry Ellison, tỷ phú vượt lên số phận
>10 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới