Cách đây 5 năm, ông Võ Mậu Quốc Triển - Chủ tịch Rita Võ chia sẻ: "Ngoài mảng kinh doanh thiết bị nhà tắm, vật liệu xây dựng, có hai lĩnh vực tôi tâm huyết phát triển trong 10 năm tới là chế biến nông sản và thời trang". Thế nhưng, chỉ ba năm sau, cà phê thương hiệu Rita đã ra đời và mới đây, trung tâm thời trang cao cấp Rita Võ cũng vừa khánh thành gần Takashimaya Q.1, TP.HCM, cho thấy quyết tâm của Chủ tịch Rita Võ: "Đã nói là làm, đã làm là phải nhất".
12 năm ấp ủ để có được thương hiệu cà phê Rita ra đời, dù hành trình còn dài và còn nhiều thứ phải làm nhưng niềm vui đầu tiên của Chủ tịch Rita Võ là chia sẻ bớt thiệt thòi cho người nông dân, góp phần nâng giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê "made in Vietnam".
Ông Võ Mậu Quốc Triển - Chủ tịch Rita Võ. |
Là người đem nhiều nhãn thời trang cao cấp như Tombolini và La Perla, Gaudì... đến Việt Nam, Chủ tịch Rita Võ cũng chia sẻ niềm tự hào vì đã làm cho thị trường thời trang Việt thêm sôi động, góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam mua sắm. Ông nói: "Trước nay, triết lý kinh doanh của Rita Võ là trung thực và chất lượng. Chính điều đó đã tạo ra thương hiệu Rita Võ hàng chục năm qua. Song chất lượng phải đi song song với giá cả và trung tâm thời trang Rita Võ sẽ đem đến giá trị thực cho người tiêu dùng".
* Cụ thể, giá trị đó như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, người tiêu dùng ở Việt Nam có xu hướng chi tiêu mạnh tay đối với các sản phẩm thương hiệu nước ngoài. Một khảo sát của hãng Nielsen cho biết, có tới 56% người Việt Nam sẵn sàng chi bội tiền cho hàng hiệu. Theo kết quả này thì số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc với 74% và Ấn Độ là 59%. Thực tế đó cho thấy, nhu cầu sử dụng hàng hiệu của người Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng và đây là cơ hội rất lớn để Rita Võ phát triển mạnh thị trường này.
Tuy nhiên, điểm khác biệt của Rita Võ là độc quyền các sản phẩm hàng hiệu chất lượng cao nhưng giá bán lại cực tốt, vì vậy, người tiêu dùng được mua sản phẩm đúng với giá trị đồng tiền họ bỏ ra, được sở hữu những sản phẩm cao cấp từ châu Âu nhưng giá lại phù hợp. Đơn cử, một bộ sofa Ý bán tại trung tâm nội thất của Rita Võ sẽ có giá thấp hơn so với sản phẩm tương tự bán tại các trung tâm thương mại. Và, đây chính là giá trị tôi muốn mang lại cho người dùng Việt Nam.
Với hơn 20 thương hiệu lớn trong lĩnh thiết bị nhà tắm, vật liệu xây dựng như Kohler, Miele... và hàng chục thương hiệu thời trang cao cấp, Rita Võ luôn giữ mức tăng trưởng tốt, giá trị thương hiệu và uy tín ngày càng nâng cao là nhờ đi theo tiêu chí chất lượng cao cấp, giá hợp lý.
Link bài viết
* Bài toán "giá" được ông cân bằng thế nào khi có ý kiến cho rằng, sở dĩ hàng hiệu có giá bán cao là do chi phí thuế tại Việt Nam cao hơn các nước, nhất là thời trang?
- Kinh doanh thời trang cao cấp chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, thuế chưa phải nguyên nhân khiến hàng hiệu "bị" tăng giá cao mà do giá thuê mặt bằng. Đã là hàng hiệu thì địa điểm trưng bày cũng phải nằm ở các vị trí đắc địa mới thể hiện được đẳng cấp, nhưng giá thuê cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn hoặc vị trí trung tâm quá cao.
Đã vậy, người thuê còn luôn thường trực "nỗi lo" làm tốt sẽ có nguy cơ bị lấy lại mặt bằng, hoặc bị tăng giá, dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu bị phá sản, người tiêu dùng không mua được sản phẩm, mà nếu mua được thì số tiền bỏ ra cũng bị nhân lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của nó.
Để giải quyết bài toán giá, con đường duy nhất mà tôi chọn là tự xây dựng hệ thống phân phối thông qua việc đầu tư xây dựng các trung tâm thời trang lớn, đẳng cấp. Vì khi được kinh doanh trong chính trong ngôi nhà của mình, mọi dịch vụ, trưng bày, giá cả mới được chủ động. Khách hàng đến đây không chỉ mua sản phẩm với giá hợp lý, chất lượng chính hãng mà còn được tôn trọng, được trải nghiệm trong một không gian mua sắm đẳng cấp theo phong cách riêng của Rita Võ.
* Ông trăn trở nhiều với ngành thời trang Việt Nam nhưng nếu chỉ nhập hàng hiệu phân phối, làm thế nào ông giải tỏa được sự trăn trở này, thưa ông?
- Một thống kê gần đây cho thấy, một năm, cả nước chỉ xuất khẩu đâu đó khoảng 27 tỷ USD nhưng tất cả chỉ là gia công, giá trị mang lại rất thấp. Đơn cử, một chiếc áo sơ mi hàng hiệu có giá bán từ 200-1.000 USD nhưng giá gia công của mình chỉ có 2-3 USD là một thiệt thòi lớn cho ngành thời trang và người lao động.
Kinh doanh là hành trình dài và phải xây cả đời để bảo toàn uy tín thương hiệu. Vì vậy, chọn đối tác đi đường dài với mình cũng phải cân nhắc. |
Theo lộ trình, bước đầu Rita Võ sẽ liên kết với các hãng thời trang có thương hiệu uy tín tại châu Âu để mang sản phẩm về, sau khi có hệ thống phân phối và thị trường nội địa, đặc biệt là mối quan hệ đối trọng với các tập đoàn thời trang quốc tế, sẽ tính đến việc mua lại các nhà máy may mặc trong nước để đi sâu vào chuỗi giá trị của ngành thời trang. Khi đó, Rita Võ là nhà sản xuất, các hãng thời trang sẽ thiết kế mẫu mã và thành phẩm sẽ xuất ngược lại cho họ.
Theo tôi, việc liên kết này có nhiều cái lợi. Trước hết là hạ giá thành sản phẩm, kiểm soát được chất lượng. Thứ hai là nâng giá trị gia tăng cho ngành thời trang cũng như công sức của người lao động Việt Nam được trả giá cao hơn. Cuối cùng là lợi thế thị trường, bởi đa số các thương hiệu nổi tiếng lâu đời đều có thị trường và khách hàng "ruột" của họ ở khắp các quốc gia trên thế giới.
* Đó cũng là lý do khi chọn thương hiệu phân phối, ông cũng rất thận trọng?
- Kinh doanh là hành trình dài và phải xây cả đời để bảo toàn uy tín thương hiệu. Vì vậy, chọn đối tác đi đường dài với mình cũng phải cân nhắc. Tính cách của tôi vốn thẳng thắn, rõ ràng và hơi... ngang nên không bao giờ chấp nhận đồng hành với một đối tác làm ăn không có uy tín, sản phẩm chỉ ở mức trên trung bình. Bởi đã làm người bán hàng, phân phối sản phẩm cho thương hiệu nào đó thì sản phẩm của họ chính là "đứa con" của mình, đôi khi người dùng không biết ông chủ thương hiệu đó là ai nhưng khisản phẩm "có lỗi", họ sẽ tìm đến nhà phân phối.
Đó là lý do tất cả sản phẩm Rita Võ đều là thương hiệu cao cấp và có thâm niên cả trăm năm. Hiện tại, 10 đối tác độc quyền của Rita Võ đều là những tập đoàn lớn, bề dày thương hiệu cả trăm năm như Kohler 147 năm, Miele 121 năm, doanh số bán lẻ của họ một năm hơn 50 tỷ USD.
* Nghe nói, ngày xưa Rita Võ đi thuyết phục đối tác, bây giờ đối tác đi thuyết phục lại Rita Võ...
- Nhiều năm qua, trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và thiết bị nhà bếp thì trên thế giới có 8-10 tập đoàn lớn đã đến Việt Nam nhưng không phát triển được vì họ không có đối tác tốt. Đơn cử như thương hiệu Simmons của Mỹ từng phân phối ở Việt Nam không thành công nhưng khi hợp tác với Rita Võ thì doanh thu vượt sức mong đợi. Vì vậy, khi chúng tôi làm tốt thì "hữu xạ tự nhiên hương", các đối tác tìm đến thuyết phục hợp tác ngày càng nhiều và Rita Võ trở thành người chọn đối tác và cũng không ít lần từ chối hợp tác vì không phù hợp.
Với 8 trung tâm nội thất lớn trên khắp cả nước và tiếp tục mở thêm 8 trung tâm mới, tiêu chí chọn đối tác của Rita Võ cũng khó và kỹ hơn. Ngoài chất lượng sản phẩm, họ phải chứng minh đạo đức nghề nghiệp, tính nhân văn, bền vững của công ty cũng như sản phẩm.
Link bài viết
Có một điều thú vị là trước đây tôi học hỏi kinh nghiệm đối tác nước ngoài, nhưng giờ đây họ lại học mô hình của tôi áp dụng cho các đối tác tại các nước. Cụ thể như Tập đoàn Kohler, họ lấy mô hình của Rita Võ nhân rộng vì cho rằng, tôi là người địa phương, hiểu văn hóa, hiểu nhu cầu người tiêu dùng cần gì nên mô hình của tôi khác biệt và hiệu quả, cách thiết kế, trưng bày showroom của Kohler cũng đẹp nhất.
* Sẽ có không ít câu hỏi: "Rita Võ làm thế nào tạo được uy tín và thành công", bí quyết của ông là...
- Chẳng có bí quyết hay công thức chung nào cho sự thành công vì xây dựng uy tín là cả một hành trình dài, phải đầu tư nghiêm túc, có được, có mất, có lợi, có thiệt... và tôi cứ đi từng bước, mỗi ngày hoàn thiện một chút, không nóng vội và nóng lòng với những gì phải bỏ ra mà chưa thu lợi.
Đơn cử, chỉ riêng việc xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng cũng cần đầu tư không ít chi phí, công sức chăm chúthuấn luyện từng hành vi nhỏ. Như thế, mới có đội ngũ bán hàng tốt, dịch vụ hậu mãi xuất sắc. Khi khách hàng trải nghiệm sản phẩm, giá cả, chất lượng phục vụ hài lòng, cứ một người truyền tai đến một người, tự khắc uy tín của mình sẽ được nhân lên.
* Còn "bí quyết" giữ nhân viên?
- Nhiều người nói Rita Võ giữ được nhiều nhân viên giỏi nhưng tôi chưa bao giờ có khái niệm giữ nhân viên mà ngược lại, nhân viên phải khao khát muốn được cống hiến, làm việc trong môi trường của công ty và họ tự hào về điều đó. Ở Rita Võ có hàng nghìn nhân viên và chúng tôi có cả một quá trình dài đầu tư đào tạo, xây dựng đội ngũ kế thừa. Hiện lãnh đạo cao cấp của công ty trên 50 người còn rất trẻ, họ được đào tạo trên 10 năm và có thâm niên gắn bó cả chục năm với Rita Võ.
Có rất nhiều yếu tố giúp tôi có nhiều nhân viên gắn bó, đầu tiên là sự tôn trọng của họ đối với tôi, nhưng muốn họ tôn trọng thì cách ứng xử và nhân cách của người lãnh đạo cũng không thể thiếu sót. Bản thân tôi cũng có nhiều cái để nhân viên "học được" mà không ở công ty nào họ có được. Bên cạnh đó, nhân viên cũng phải được đảm bảo đời sống và thu nhập. Mấy chục năm qua, dù công ty khó khăn thế nào cũng chưa bao giờ một ngày trễ lương và thu nhập cũng trên mặt bằng bình quân của xã hội, nhiều nhân viên có đóng góp xứng đáng còn được công ty tài trợ học bổng cho con em.
* Để là tấm gương cho nhân viên học hỏi, tôn trọng, ông có áp lực?
- Sống tử tế, thẳng thắn, sòng phẳng... là những tố chất vốn có nên tôi cứ đem nó ra mà sống thật với chính mình và với mọi người. Tôi là một người lãnh đạo khó tính và rất khó chịu, tôi có thể lớn tiếng với nhân viên, thậm chí nổi nóng lúc 2 giờ sáng vì muốn mọi việc hoàn hảo, không vì một vài thành phần thiếu trách nhiệm mà làm cả tập thể bị chậm tiến. Song triết lý dùng người của tôi là phải vị tha. Muốn có người tài thì phải có quá trình dài đào tạo, dạy dỗ và cho họ sự kiêu hãnh.
Có nhiều nhân viên khi làm việc với đối tác nước ngoài thường ngại ngùng, mặc cảm nhưng nhân viên Rita Võ luôn tự tin và làm việc sòng phẳng. Như vậy, phải cho nhân viên cọ xát, đối đầu và quan trọng là cho họ quyền tự quyết và phải giỏi. Tiêu chí của người lãnh đạo tại Rita Võ là phải chịu được áp lực cao, không làm việc tà tà, phải có đầu óc quan sát, chi tiết, chịu học hỏi và phải biết trăn trở, mất ăn, mất ngủ với công việc đang làm.
* Có vẻ ông ít quan tâm đến việc đánh bóng tên tuổi, nhân hiệu cho mình?
- Thành công của tôi hôm nay là sự cộng hưởng của cả tập thể và sự tin yêu của người dùng, cho dù cá nhân tôi có giỏi đến đâu mà không có sự cộng hưởng đó thì cũng chẳng làm nên điều gì lớn lao. Tôi quan niệm, ngày mai ông Triển sẽ mất đi nhưng thương hiệu Rita Võ thì phải còn mãi.
Vậy nên, tôi thích nói ít, làm nhiều và thành quả để cho thị trường đánh giá, không cần xây dựng thương hiệu cá nhân. Ngày xưa slogan tôi chỉ là "chất lượng và trung thực" nhưng bây giờ mở rộng thêm: "niềm tin, sự yêu thương của khách hàng và xã hội tin tưởng".
* Hành trình nông sản Việt của ông đã thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?
- Còn rất nhiều khó khăn vì chúng tôi đi theo hướng cà phê sạch, 100% cà phê tinh khiết còn người Việt mình hiện nay lại thích uống cà phê trộn đậu nành, caramel, bắp... Tuy nhiên, đã chọn ngành chế biến nông sản sạch thì không được vội vì chỉ sai một tí là trả giá rất lớn, bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng . Vì vậy, tuy chậm nhưng tôi vẫn đang từng bước chinh phục thị trường Việt Nam, doanh số năm sau đều hơn doanh số năm trước.
* Đến hiện tại, điều ông thỏa mãn nhất là gì?
- May mắn lớn nhất là tôi được sinh ra trên đất nước này và sinh ra sau chiến tranh nên được thỏa mãn làm việc và có nhiều hơn công việc để làm. Xung quanh bạn bè tôi cũng đều nỗ lực, hễ ai có chí làm việc thì đều thành công, có thể rực rỡ hoặc không như kỳ vọng nhưng vẫn có những thành tựu. Riêng tôi cũng đóng góp cho xã hội cả nghìn lao động và nộp thuế đàng hoàng. Những năm gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường hay quan tâm, động viên doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đây là sự an ủi lớn nhất để chúng tôi có niềm tin và cảm nhận được sự trân trọng để làm tốt hơn công việc của mình.
* Nói vậy, nhưng tại sao ông lại chia sẻ: "Còn nhiều tham vọng lớn nhưng đôi khi nhụt chí"?
- Mặc dù được Chính phủ quan tâm, động viên nhưng thực tế vẫn có nhiều hòn đá nhỏ là những cá nhân và bộ phận cấp dưới cản đường. Ngày hôm nay, mình vừa nhận giải thưởng, vừa được tôn vinh đóng góp cho xã hội, được trình bày kế hoạch kinh doanh với Thủ tướng, nhưng khi bước ra ngoài để thực hiện kế hoạch thì trên đường lại bị vô số người rải đinh, khiến tôi nhụt chí.
Mấy chục năm qua, dù đã có nhiều thành quả nhưng hành trình kinh doanh của tôi thì vẫn chỉ nửa đường. Đất nước đang phát triển, còn rất nhiều công việc phải làm. Cơ hội có, sức lực còn, tâm huyết lớn... lẽ nào lại để thị trường của mình, đất nước của mình cho các công ty nước ngoài vào làm để cuối cùng, nguồn ngoại tệ lại đổ về nước họ?
Bản thân Rita Võ đã và đang được nhiều công ty tài chính, tập đoàn nước ngoài ngỏ ý mua lại cổ phần với giá rất cao, có công ty còn kiên trì "ve vãn" để mua lại Rita Võ với bất kỳ giá nào nhưng tôi nhất quyết không bán. Vì Rita Võ là của tập thể. Chúng tôi chỉ đi mua công ty khác để mở rộng kinh doanh chứ không bán công ty và quan trọng là khi bán Rita Võ, họ sẽ không thể làm tốt hơn mình.
* Theo ông, giá trị lớn nhất doanh nhân mang lại cho xã hội là gì?
- Đó là giá trị thương hiệu quốc gia mà họ xây dựng được. Bên cạnh đó là tạo ra công ăn việc làm, nộp ngân sách cho Nhà nước và làm từ thiện. Nhưng từ thiện là cho đi, là trách nhiệm của người làm kinh doanh, cho nhỏ cũng được, cho lớn thì càng tốt, mà đã là "cho đi", là trách nhiệm thì không khoe khoang, không làm từ thiện để tạo thương hiệu.
Ví dụ, mình làm tốt công tác tiền lương, bảo hiểm cũng là trách nhiệm, là làm việc nghĩa. Tết vừa rồi, có một nhân viên đến gặp tôi cám ơn. Tôi hỏi: "Cám ơn tôi vì cái gì?", chị ta nói: "Vì tôi làm ở đây 11 năm, nhờ tiền thưởng của công ty mà tôi dư tiền cho con đi học". Một chị khác bị bệnh hiểm nghèo cũng đến cám ơn vì có được tiền bảo hiểm để chữa bệnh. Như thế là tôi đã làm tròn trách nhiệm xã hội và trách nhiệm của người lãnh đạo. Và niềm vui của tôi chỉ có thế.
* Xin cảm ơn ông và năm mới đang đến, chúc Rita Võ giữ mãi niềm tin với khách hàng.