* 7 năm trong lĩnh vực TMĐT Việt Nam đầy thách thức, ông cảm nhận thế nào về chặng đường đã đi qua?
- Còn nhớ, vào cuối năm 2011 khi Sendo ra đời, TMĐT bắt đầu hiện diện với nhiều tiềm năng và triển vọng. Song, người dùng vẫn còn thói quen mua hàng theo phương thức truyền thống nên chưa tiếp nhận mô hình kinh doanh mới mẻ này. Trong khi mấu chốt của mua hàng online là để người mua, người bán “gặp nhau” - tạo được sự tín nhiệm trong việc mua bán thông qua kiểm định thực tế về mặt sản phẩm thì chưa đủ thuyết phục nên những đơn vị tiên phong về TMĐT như Sendo gặp rất nhiều trở ngại.
Chúng tôi nhận thấy người dùng ngoài khu vực thành phố lớn lại khó tiếp cận các hình thức mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, để gặp và thuyết phục một đối tác giao hàng cho Sendo rất khó khăn vì lúc đó không một công ty nào có khái niệm hoặc từng tham gia mô hình TMĐT. Sendo phải kết nối với nhiều đối tác vận chuyển để lập ra hệ thống giao nhận đặc thù nhằm giải quyết bài toán trước mắt - một mô hình mà tôi đánh giá chưa một đơn vị nào thực hiện trước đó.
Nhìn lại chặng đường 7 năm qua, đặc biệt là giai đoạn khởi đầu đầy gian nan, thách thức, tôi thấy con đường mình đi không đơn thuần kinh doanh mà là cuộc dấn thân đầy tham vọng trong thị trường đầy cạnh tranh để khẳng định tầm nhìn cũng như khả năng công nghệ của Việt Nam trong xu hướng chung của thế giới, nhất là khi chúng tôi đã có đủ quyết tâm và một trái tim công nghệ nhân văn.
* Hiện tại, mua hàng online đã trở thành hành vi mua sắm phổ biến, ông có thể chia sẻ một vài cột mốc đáng nhớ mà Sendo đã đạt được trên hành trình theo đuổi tham vọng của mình?
- Sendo hiện có khách hàng ở 63 tỉnh thành trên khắp cả nước. So với giai đoạn đầu, người bán có được 20-30 đơn hàng/ngày đã thấy mừng thì hiện nay, bán hàng ngàn đơn/ngày lại là chuyện hết sức bình thường vào mùa cao điểm. Đây là sự thay đổi về chất mà tôi không thể tưởng tượng được khi bắt đầu xây dựng công ty. Bản thân Sendo cũng rất tự hào là một trong những công ty hàng đầu trong sự phát triển 7 năm qua của TMĐT tại Việt Nam.
Liên tục nắm bắt tâm lý người dùng, Sendo không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo giải pháp vận chuyển tối ưu, đồng thời triển khai các chiến dịch truyền thông, bán hàng hiệu quả. Sendo đã có một năm 2018 bứt phá thành công với 6 triệu sản phẩm bán ra dịp Tết, 5 triệu sản phẩm được tiêu thụ dịp Black Friday, đứng đầu về xếp hạng ứng dụng trên Apple App Store và Google Play Store, đứng đầu về xu hướng tìm kiếm mua sắm trên Google...
* Trong số những thành quả đạt được, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?
- Tôi cho rằng, sự thành công của một DN - nhất là những đơn vị muốn đi xa và bền vững, không thể tách rời yếu tố con người. Vì thế để nói về thành công tâm đắc nhất, chắc chắn phải là những gì chúng tôi đã làm để xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự.
Sendo bắt đầu từ một nhóm 40 người, trong đó hơn 1/2 nhân sự làm về lập trình. Có rất nhiều thứ mà đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi chưa có kinh nghiệm và phải đi tìm hiểu từ đầu. Chúng tôi phải tự học, tự sáng tạo và hoàn thiện hướng đi cho mình.
Từ những ngày đầu chập chững, đến nay Sendo đã có một hệ thống công nghệ thông tin rất lớn, có thể đứng ngang hàng với các công ty TMĐT hàng đầu trong khu vực với lực lượng gần 1.000 người, trong đó gần 1/2 là các lập trình viên xây dựng được hệ thống có thể xử lý cả hàng trăm triệu USD giao dịch. Đây được xem là một thành tích lớn mà Sendo đã làm được trong gần 7 năm phát triển. Nếu nói Sendo là một sàn TMĐT thuần “made in Việt Nam” là không sai khi các sản phẩm mà Sendo áp dụng cho hệ thống hoàn toàn do đội ngũ chuyên gia công nghệ và chuyên gia TMĐT người Việt đảm nhiệm.
* Như vậy, có thể hiểu khó khăn ban đầu lại là tiền đề tốt cho việc phát triển của Sendo?
- Tôi quan niệm, cuộc sống không bao giờ chỉ có thuận lợi, cái mình cần xây dựng trước mọi tình huống là tinh thần “vượt lên chính mình”. Tại thời điểm Sendo xây dựng sàn TMĐT, tất cả các website bán hàng đều báo lỗ vì chính sách thu hút, hỗ trợ người bán online bằng cách người bán chỉ cần mang hàng lên mạng và không cần trả phí giao dịch.
Viễn tưởng chuyển hóa TMĐT thành “một chợ có kèm quảng cáo” không khả thi, nhưng chúng tôi đã may mắn phát hiện giải pháp mới khi tiếp cận mô hình ở các trang diễn đàn (forum) mua bán bấy giờ.
Thời điểm cuối năm 2011, trào lưu người dùng mạng tham gia vào các forum kinh doanh khá phổ biến. Hình thức đẩy bài “up” đăng lên đầu trang là yếu tố để forum tính phí. Sendo nhận thấy lượng người bán đầu tiên trên sàn của mình đều đã quen cách đăng như vậy, do đó hệ thống sẽ có khái niệm up và hình thức này lập tức tạo được sự gần gũi với các nhà bán hàng vì dễ hiểu, dễ làm.
Mô hình Amazon mà các sàn TMĐT khác thường theo đuổi sẽ áp dụng chính sách thu phí người dùng từ 5-10%. Tuy nhiên, mô hình này không phù hợp với đặc thù TMĐT ở Việt Nam do tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn. Và khác biệt ở Sendo là người bán hàng trả 500 đồng nhưng khi bán được nhiều thì trả nhiều hơn. Đã từng có nhiều DN TMĐT thành công trong khu vực thừa nhận tính thực tiễn của mô hình tiên phong này của Sendo. Điều đó góp phần giúp doanh thu trên tổng giá trị giao dịch của Sendo hiện đứng hàng đầu Đông Nam Á.
* Hướng tới cung ứng hàng hóa không chỉ cho thành phố lớn mà còn cả các khu vực nông thôn, Sendo nhìn thấy tiềm năng gì ở chiến lược này?
- Theo một số khảo sát gần đây, Việt Nam tuy đứng thứ ba về dân số nhưng có mức độ sử dụng Internet đứng thứ hai Đông Nam Á. Do đó, dùng TMĐT như một kênh phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng trên khắp cả nước là cách Sendo nhắm đến và tạo ra giá trị.
DN muốn tồn tại bền vững thì phải tạo được giá trị cho thị trường. Nếu bạn không tạo được giá trị đó thì chỉ có cách cạnh tranh bằng giá, mà đó là cuộc đua “đẫm máu”. Từ những thách thức của thị trường, nhu cầu ngày càng nâng cao của người mua hàng, Sendo luôn tìm cách để tạo giá trị cho xã hội, đem lại những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, nơi người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn cũng như khả năng tiếp cận hàng hóa đa dạng như ở các thành phố lớn.
Sau 2-3 năm, Sendo đã giải quyết được một phần bài toán lớn của xã hội, phát huy khả năng kinh tế của khu vực nông thôn.
* Vậy cơ sở nào để Sendo triển khai định hướng này, thưa ông?
- Về sức mua, hầu hết các trang TMĐT lớn có 60-70% khách hàng nằm ở các thành phố lớn. Người tiêu dùng ở các đô thị này có mức tiêu dùng cao, có sẵn rất nhiều lựa chọn mua hàng như trung tâm thương mại, siêu thị... Trong khi đó, một bộ phận khách hàng tiềm năng tại tỉnh lẻ vẫn chưa có cơ hội tiếp cận đến đa dạng hàng hóa, nói cách khác là ngay cả khi “có tiền cũng không có chỗ để tiêu”.
Thay vì chỉ tập trung bán hàng phân khúc giá cao, chất lượng tốt, dịch vụ nhanh, hiệu quả để cạnh tranh và thu hút khách hàng cho các đối tượng ở thành phố lớn; Sendo còn quan tâm đến nhu cầu của người dân các tỉnh thành khác. Cái họ cần là chi phí rẻ, dịch vụ tốt, hàng hóa phải đảm bảo được tính đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá thành cạnh tranh. Đây cũng là điểm chính hình thành mô hình phát triển của sàn TMĐT C2C.
Sendo tận dụng thế mạnh về công nghệ và am hiểu nhu cầu mặt hàng của địa phương, theo đuổi mô hình C2C và giải quyết chính xác nhu cầu của số đông người tiêu dùng Việt ở nhiều khu vực ngoài đô thị trung tâm. Điều này đã giúp Sendo thành công, tồn tại và phát triển đến hôm nay.
* Ông có thể giải thích câu nói “Một trái tim công nghệ nhân văn”?
- Lợi thế của Sendo là công nghệ và lấy công nghệ để tập trung phục vụ khách hàng và thị trường Việt Nam. Đó chính là trái tim “nhân văn” của những người biết làm công nghệ.
Chúng tôi hiểu sâu sắc khách hàng Việt cần gì, không chủ trương chạy theo trào lưu mà xa rời nhu cầu thực tế. Sendo tập trung quảng bá hình ảnh hay triển khai các chương trình mua sắm lớn nhất trong năm là vào dịp Tết - dịp lễ lớn dành cho người Việt, thay vì chỉ tập trung vào những ngày lễ của nước ngoài .
Yếu tố này giúp Sendo chọn lựa những sản phẩm hàng hóa, các loại dịch vụ phù hợp hơn nhu cầu người Việt. Thay vì bán những sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy tính, thì sản phẩm kinh doanh chủ lực của Sendo là các mặt hàng hằng ngày, giá thành cạnh tranh, dễ mua dễ dùng. Có lúc tôi đã từng chia sẻ trong nội bộ “Sendo phải tập trung vào cái mà người Việt Nam cần chứ không phải theo xu hướng chung”. Cho đến nay, đây vẫn là một định hướng cho thấy những thành công nhất định.
* Ông dự đoán thế nào về xu hướng phát triển thị trường TMĐT nói chung trong vài năm tới?
- Nhớ cách đây 3-4 năm, khi Jack Ma được hỏi về tương lai của TMĐT, ông có nói rằng trong tương lai sẽ không có TMĐT nữa, chỉ có thương mại thôi, bởi vì TMĐT lúc ấy chính là thương mại.
Tôi nghĩ xu hướng ấy chắc chắn đúng ở Việt Nam, nghĩa là việc mọi người sử dụng TMĐT đến giờ là một xu thế khó tránh khỏi. Một khi chúng ta đã quen với việc ngồi nhà và có hàng hóa giao tận tay cách 5, 10 hay thậm chí 1.000km... sẽ khó quay trở lại thói quen mua hàng truyền thống.
TMĐT rồi sẽ trở thành lối sống của người hiện đại. Để cạnh tranh, các sàn TMĐT phải trở nên thông minh hơn, làm sao đoán biết chính xác nhu cầu người sử dụng và tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu ấy một cách tốt nhất. Còn nếu bạn hỏi bao giờ mua hàng bằng giọng nói, bao giờ mua hàng qua TV thì bản thân Sendo đã có nghiên cứu và theo dõi một cách rất thận trọng những xu hướng thông minh đó. Sendo luôn ý thức rằng có những xu hướng khi đến sẽ đến rất nhanh song cũng có những xu hướng không bao giờ đến cả, do vậy việc chọn lọc và nghiên cứu là cần thiết.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên.