Chiến lược Glocalization là một trong những nhân tố quan trọng giúp DKSH phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam |
* Với một người nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, ông đánh giá tác động suy thoái toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đối với thị trường Việt Nam?
- Những biến động của kinh tế thế giới tác động rất lớn đến Việt Nam. Trong năm qua, suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao… đã khiến một loạt chi phí như nhân công, mặt bằng, xăng dầu, logistics… tại Việt Nam tăng cao. Ngành hàng tiêu dùng trong nước chỉ phát triển dưới 5%.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực vẫn có nhiều cơ hội cho DN. Đó là GDP tăng trưởng tốt (năm 2022 GDP đạt 8% và dự báo năm 2023 đạt 6,5%), thu nhập người dân đang lên, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng... Đây là giai đoạn để các DN tìm kiếm cơ hội nếu xác định được đâu là điểm cần đầu tư và có thể thu được hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là với ngành hàng tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, DN nào tối ưu được mô hình vận hành sẽ có được lợi thế cạnh tranh.
* Dự báo được những thách thức, hẳn ông và DKSH Việt Nam đã có chiến lược để duy trì vị thế dẫn đầu?
- Những công ty FDI như DKSH thấy được tầm quan trọng của việc đầu tư để tạo ra giá trị gia tăng. Với các thị trường có sự khác biệt rõ rệt theo vùng miền (Bắc - Trung - Nam), việc địa phương hóa cần được thực hiện một cách chuyên sâu. Tại mỗi khu vực, chúng tôi có những nhân lực địa phương để đáp ứng những yêu cầu khác nhau của khách hàng và người tiêu dùng. Cũng nhờ sự thấu hiểu thị trường địa phương sâu sắc, chúng tôi thâm nhập thị trường tốt và tăng trưởng đáng kể ngay cả trong những điều kiện không mấy thuận lợi như hai năm qua. Hơn nữa, chúng tôi vận dụng kinh nghiệm gần 160 năm trên toàn cầu để mang đến danh mục dịch vụ phù hợp cho các DN đối tác. Điều này phần lớn nhờ mô hình kinh doanh vững chắc cho phép công ty hoạt động linh hoạt đồng thời giảm thiểu rủi ro, cùng với đó là đầu tư liên tục vào chuyển đổi số.
Có thể nói, chiến lược kết hợp toàn cầu hóa và địa phương hóa (Glocalization) là chìa khóa thành công của chúng tôi. Đồng nhất với chiến lược của tập đoàn, chúng tôi vận dụng chuyên môn của mình để kết hợp tiêu chuẩn quốc tế với sự am hiểu địa phương, tạo nên định hướng phát triển phù hợp cho từng đối tác, tại từng thị trường khác nhau. Chiến lược Glocalization đã giúp DKSH mang lại giá trị cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của các DN cũng như thị trường và cộng đồng địa phương.
Hiện DKSH Việt Nam cung cấp dịch vụ phát triển thị trường của nhiều DN trên 4 lĩnh vực gồm, chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng, nguyên liệu hóa chất và kỹ thuật công nghệ. Bằng những lợi thế cạnh tranh và kinh nghiệm vận hành tại 37 thị trường trên toàn cầu, DKSH tập trung vào việc phát triển và củng cố năng lực một cách đáng tin cậy và có trách nhiệm. Mô hình kinh doanh này cho phép chúng tôi tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô, đồng thời sở hữu danh mục sản phẩm và dịch vụ đa dạng, góp phần cân bằng rủi ro và tận dụng cơ hội tốt hơn.
Tại DKSH, chúng tôi liên tục trao đổi kinh nghiệm ở các thị trường trong phạm vi tập đoàn để có thể mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Nhưng DKSH Việt Nam cũng tự hào trở thành nguồn cung cấp các giải pháp cho các nước khác. Ví dụ như câu chuyện thành công của Sanofi mà DKSH đã hỗ trợ phát triển một ngành hàng tăng 20 lần doanh số trong vòng 10 năm.
Ông Kim Lê Huy - Phó chủ tịch ngành hàng tiêu dùng DKSH Việt Nam |
* Và DKSH cũng đã có các chương trình hấp dẫn để thu hút đối tác?
- Công ty có độ phủ rộng khắp trên 63 tỉnh, thành và chỉ riêng với kênh phân phối truyền thống (nhà phân phối, đại lý, chợ đầu mối, cửa hàng tạp hóa), chúng tôi đã tiếp cận đến 120.000-130.000 điểm bán. Ở kênh hiện đại, hàng hóa của đối tác của chúng tôi đều có mặt tại tất cả các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước.
Như đã nói, tại Việt Nam, cơ hội vẫn còn rất lớn cho các DN ngành hàng tiêu dùng, và chúng tôi vẫn đang tiếp tục nâng cao dịch vụ của DKSH để có thể phục vụ cho nhiều khách hàng hơn nữa. Tùy theo khách hàng sẽ có những định hướng phù hợp với nhu cầu phát triển của DN. Chúng tôi có đội ngũ nhân sự đa dạng với nhiều độ tuổi, giàu kinh nghiệm chuyên môn khác nhau có thể đồng hành cùng cho khách hàng.
Chiến lược Glocalization vẫn là chiến lược xuyên suốt để đảm bảo duy trì được mức độ am hiểu, nắm bắt được điểm tốt nhất trên toàn cầu nhưng ngay lập tức có thể áp dụng tại Việt Nam. Đồng thời, với những chiến lược đang có với các đối tác Việt Nam, chúng tôi tự tin khẳng định là nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất cho đối tác.
* Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông có lời khuyên nào với các đối tác?
- Muốn thành công, DN phải có những đối tác đồng hành phù hợp nhất với quy mô, tầm vóc của DN. Thú thật là thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều đề nghị từ đối tác. Tuy nhiên, chúng tôi phải xem xét năng lực đang có và giá trị mang lại cho đối tác như thế nào trước khi hợp tác. Đây là sự tương hỗ cần có ở cả hai phía nếu muốn thành công.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty, DN ngày càng yêu cầu cao hơn về mức độ am hiểu thị trường. Đây là điều mà khá nhiều công ty đa quốc gia gặp khó khăn. Trên góc độ của một thương hiệu toàn cầu, các DN muốn áp dụng một mô hình chung nhưng ở thị trường Việt Nam thì con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam có những điều khác biệt, vì vậy phải tìm cách dung hòa cả hai yếu tố (quốc tế và địa phương) để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Đây là hai yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công. Tương tự, DN có sản phẩm tốt, phù hợp nhưng phải làm sao để ở bất cứ nơi nào, người tiêu dùng cần mua đều có cơ hội tiếp xúc với sản phẩm đó của DN.
* Xin cảm ơn ông!