VAMA kiến nghị giảm thuế và phí

ANH HÀO| 28/05/2012 05:14

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến doanh số bán xe lao đà giảm mạnh trong bốn tháng đầu năm 2012 không phải do tình hình kinh tế khó khăn, mà vì chính sách thuế và phí bất ổn.

VAMA kiến nghị giảm thuế và phí

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến doanh số bán xe lao đà giảm mạnh trong bốn tháng đầu năm 2012 không phải do tình hình kinh tế khó khăn, mà vì chính sách thuế và phí bất ổn.

Đọc E-paper

Ngay cả hãng xe sang Mercedes cũng phải vận dụng mức giá "cực sốc" cho một vài mẫu xe để giải phóng hàng tồn kho. Chiếc CL500 được giảm giá tới 1,35 tỷ đồng

Cuộc họp của các thành viên VAMA diễn ra hôm 17/5 vừa qua chưa cho thấy bất cứ tín hiệu khả quan nào về thị trường ôtô trong nước trong thời gian tới.

Báo động: Doanh số thụt lùi năm năm!

Theo thống kê của VAMA, trong tháng 4/2012, tổng số xe được bán ra trên thị trường chỉ đạt 6.982 chiếc, giảm 24% so với tháng trước và giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức suy giảm này tương đối đồng đều ở các chủng loại xe, chẳng hạn so với tháng trước, xe con và xe tải giảm lần lượt 26% và 22%, trong khi xe lắp ráp trong nước giảm 24% và xe nhập khẩu giảm 23%.

Qua bốn tháng đầu năm, tổng lượng bán hàng của toàn thị trường giảm 21.331 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 42%), trong đó xe con giảm 49% và xe tải giảm 36%.

Hồi đầu năm nay, VAMA dự đoán rằng mức tiêu thụ xe trong cả năm 2012 sẽ đạt mức 130-140 ngàn chiếc. Tuy nhiên, kết quả bán hàng thấp của tháng 4 và đà suy giảm vẫn tiếp diễn dẫn đến dự báo mới là tổng lượng xe bán ra trong năm nay (được tính toán dựa trên hệ số điều chỉnh theo mùa - SAAR) sẽ chỉ đạt khoảng 81 ngàn chiếc.

Như vậy, thị trường sẽ quay trở lại mức doanh số của năm 2007, tức là thụt lùi năm năm!

Doanh số suy giảm nghiêm trọng dẫn đến nhiều hậu quả khác. Lượng tồn kho của các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô và của các đại lý đang ở mức rất cao.

Mặc dù không công bố con số tồn kho cụ thể, nhưng theo sự nhìn nhận của ông Laurent Charpentier - Tổng giám đốc Ford Việt Nam kiêm Chủ tịch VAMA và ông Gaurav Gupta - Tổng giám đốc GM Việt Nam thì lượng tồn kho hiện nay của các nhà sản xuất đang cao gấp hai, ba lần mức thông thường. Hệ thống các đại lý cũng gặp khó khăn về vốn do lượng hàng tồn khá lớn.

Ông Gaurav Gupta cho biết rằng các nhà sản xuất phải lên kế hoạch sản xuất dựa trên các dự báo nhu cầu trong năm sau và thường đặt mua linh kiện trước từ ba đến sáu tháng. Do doanh số bán hàng trong bốn tháng đầu năm giảm tới 42% so với cùng kỳ năm 2011 và lùi khá sâu so với dự báo được đưa ra hồi đầu năm nên lượng hàng tồn kho hiện nay (cả xe đã lắp ráp lẫn các bộ linh kiện) rất lớn.

Ngân sách thất thu hàng ngàn tỉ đồng

Theo tính toán của VAMA, nếu lấy mức giá trung bình của một chiếc xe mới là 500 triệu đồng thì mức suy giảm doanh số 42% trong bốn tháng đầu năm sẽ khiến nguồn thu thuế về cho ngân sách nhà nước bị thất thu khoảng 6.000 tỷ đồng (tương đương 290 triệu USD).

Các dự báo trước đây cho rằng đến năm 2020, mức tiêu thụ xe hơi trên thị trường Việt Nam sẽ đạt 400 ngàn chiếc. Tuy nhiên, nếu các mức lệ phí và thuế tiếp tục được áp dụng như hiện nay và phí hạn chế phương tiện cá nhân được ban hành với mức từ 20-50 triệu đồng/xe/năm và tăng thêm 20% sau mỗi năm thì có lẽ mức dự báo nói trên chỉ còn 179 ngàn chiếc.

Toyota Fortuner đưa thêm phiên bản mới trong năm 2012 với kỳ vọng bán được 560 xe mỗi tháng, nhưng dù giữ danh hiệu Xe bán chạy nhất tháng 4/2012, chỉ có 383 chiếc Fortuner đến tay khách hàng

Như vậy, có khả năng tổng lượng thất thu ngân sách từ lĩnh vực xe hơi trong tám năm tới sẽ đạt khoảng 12 tỷ USD.

Chưa hết, tới năm 2018, khi các cam kết với AFTA có hiệu lực, mức thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm xuống còn 0% thì hậu quả đáng buồn có thể thấy trước là thị trường sẽ chỉ còn lại các nhà nhập khẩu! Từ đó có thể suy diễn tiếp là trong thời gian tiếp theo, mỗi năm Việt Nam sẽ phải chi khoảng 12 tỷ USD để nhập khẩu xe về đáp ứng cho nhu cầu trong nước.

Khách hàng bỏ ý định sắm xe vì bất ổn về thuế và phí

Trong báo cáo của mình, VAMA khẳng định sức mua ôtô giảm mạnh trong bốn tháng qua không phải vì kinh tế khó khăn, mà do người tiêu dùng đang e ngại chính sách bất ổn về thuế và phí. Đầu năm 2012, lệ phí trước bạ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã lần lượt tăng lên ở mức 15 và 20%.

Lệ phí cấp biển số tại Hà Nội lên tới 20 triệu đồng/xe. Tiếp đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông với mức cao và sẽ tăng 20% sau từng năm khiến nhiều khách hàng phải từ bỏ ý định mua xe. Ngoài ra, lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng quá cao (dao động từ 18 đến 20%), chưa kể điều kiện cho vay lại rất chặt chẽ càng khiến nhiều khách hàng chùn lòng.

Ông Gaurav Gupta điểm lại thực tế từ đầu năm 2012 để thấy các chính sách và đề xuất liên quan đến ngành ôtô tại Việt Nam đã thay đổi liên tục, bắt đầu từ việc tăng lệ phí trước bạ, phí cấp biển số tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến đề xuất phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, rồi Hà Nội xóa bỏ hàng trăm điểm trông giữ xe công cộng.

Đó là chưa kể đến các đề xuất như “5x5” (cấm ôtô đi vào nội đô năm giờ mỗi ngày và thực hiện năm ngày trong tuần). Tất cả những động thái đó đã tác động không tốt đến thị trường ôtô trong nước.

Nếu người tiêu dùng không biết rõ những mức thuế và phí nào đang chờ đợi họ ở phía trước thì chắc chắn họ sẽ bỏ quyết định mua xe. Với doanh số thấp kéo dài như vậy, các nhà sản xuất ôtô khó có thể duy trì hoạt động, bởi họ sẽ không thể tiếp tục giảm giá và giảm sản lượng như hiện nay.

Vào thời điểm này, các nhà sản xuất đã bắt đầu buộc phải thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm sản lượng vì hàng tồn kho quá nhiều và không có dấu hiệu cải thiện về doanh số.

Ông Laurent Charpentier khẳng định rằng các thành viên VAMA đều mong muốn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chứ không muốn chỉ lắp ráp đơn thuần, nhưng để làm được điều đó thì chính sách phải ổn định để các nhà sản xuất dựa vào đó mà xây dựng các kế hoạch dài hạn. VAMA cho biết đã gửi đến các cơ quan chức năng bản đề xuất gồm ba điểm:

1. Hủy bỏ đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân (tốt nhất là không bao giờ áp dụng).

2. Chỉ áp dụng một mức phí trước bạ thống nhất là 5% đối với xe con trên toàn quốc.

3. Giảm thuế giá trị gia tăng.

Ông Laurent Charpentier cho rằng chỉ cần thực hiện được hai đề xuất đầu tiên thì thị trường ôtô sẽ nhanh chóng tìm lại được sức tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VAMA kiến nghị giảm thuế và phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO