Ô tô điện tại Việt Nam, bao giờ?

NGUYỄN HÙNG| 28/07/2017 06:38

Sự kiện hai chiếc SUV 7 chỗ chạy điện nhanh nhất thế giới Tesla Model X, có giá khoảng 12 tỷ đồng mỗi chiếc (giá xuất xưởng tại Mỹ khoảng 140.000USD) lần đầu tiên thử sức đường dài tại Việt Nam.

Ô tô điện tại Việt Nam, bao giờ?

Sự kiện hai chiếc SUV 7 chỗ chạy điện nhanh nhất thế giới Tesla Model X, có giá khoảng 12 tỷ đồng mỗi chiếc (giá xuất xưởng tại Mỹ khoảng 140.000USD) lần đầu tiên thử sức đường dài từ Sài Gòn đi Nha Trang có thể là bước khởi đầu cho xu hướng ô tô điện tại Việt Nam. 

Đọc e-paper

Một điểm tiếp điện cho Autolibs - Ảnh: InnovToday

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô đang chuyển dịch theo hướng phát triển xanh. Đó là loại ô tô điện chạy êm, không khí thải để dần dần thay thế ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sự phát triển vũ bảo của khoa học - công nghệ sẽ đem lại tiện ích cho loại ô tô điện, trong đó có thời gian nạp điện ngắn, giá sẽ không còn đắt đỏ mà tương đương ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Đón đầu xu hướng này, hầu hết các hãng xe lớn như Audi, Mercedes-Benz, Toyota, Hyundai, Nissan đều có kế hoạch hoặc đã ra mắt những mẫu xe chạy điện hoàn toàn hoặc vừa chạy điện, vừa chạy xăng, dầu.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông - Vận tải), tính đến nay đã có khoảng 1.300 ô tô điện được nhập vào Việt Nam. Số lượng này sẽ gia tăng trong thời gian tới, vì có thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở Hà Nội và TP.HCM là sẽ nhập khẩu ô tô điện Tesla Model 3 với giá khoảng  2 tỷ đồng (đã trừ thuế). Tesla Model 3 cùng phân khúc với những mẫu xe sang như BMW 3 Series hoặc Mercedes C-Class, nhưng có kích cỡ nhỏ hơn và ít tính năng hơn. Tesla Model 3 có ưu thế nổi trội vì mức giá khá rẻ: giá khởi điểm tại Mỹ là 35.000USD.

Trước đó, Mitsubishi đã giới thiệu một số model ô tô điện tại Triển lãm Ô tô Việt Nam nhằm thăm dò thị trường. Có không ít người tiêu dùng quan tâm nhưng vẫn còn e ngại vì ô tô điện chưa thật sự tiện dụng ở Việt Nam do chưa có trạm nạp điện chuyên dụng nên phải sạc từ nguồn điện sinh hoạt gia đình, điểm sửa ô tô điện cũng chưa có.

Thế nhưng bất chấp những hạn chế khách quan, nhiều nhà sản xuất ô tô điện vẫn chọn Việt Nam để kinh doanh. Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư Thanh Hóa, Tập đoàn DiMora Enterprises. LLC (Mỹ) và UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại Khu kinh tế Nghi Sơn với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, chủ yếu sản xuất các dòng xe chạy điện từ 5 đến 7 chỗ ngồi. Khi đi vào hoạt động, nhà máy có công suất ban đầu khoảng 10.000 xe/năm, giai đoạn tiếp theo có thể tăng lên 50.000 xe/năm.

Công ty CP IMG Innovations cũng có kế hoạch kinh doanh ô tô điện Tesla ở Việt Nam. Theo đại diện của IMG Innovations, dòng xe này vận hành hoàn toàn bằng điện với mức tiêu thụ điện năng thấp, có thể đi xa. Để nhanh chóng tiếp cận người dùng, IMG Innovations đã gửi công văn đề nghị các cơ quan liên quan xem xét giảm thuế nhập khẩu ô tô điện Tesla xuống 0% trong khoảng thời gian thử nghiệm từ 3 đến 5 năm, đề nghị xem xét giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng ô tô điện này (hiện ở mức 15%), nhằm giảm giá thành hiện còn quá cao so với giá trị thực tế. Ví dụ, chiếc Tesla Model X tại thị trường Mỹ vào khoảng 140.000 USD, tương đương 3,2 tỷ đồng, nhưng về tới Việt Nam, giá sau thuế của hai chiếc Tesla Model X vừa có mặt tại Hà Nội và TP.HCM vào khoảng 12 tỷ đồng/chiếc.

Tính đến cuối năm 2016, trên thế giới có khoảng 1 triệu chiếc ô tô điện - một con số khiêm tốn nhưng ưu thế vượt trội so với xe chạy xăng, dầu, nhất là tiết kiệm chi phí và không khí thải, không tiếng ồn. Riêng với người Mỹ, nếu sử dụng xe điện, trung bình mỗi người mỗi năm tiết kiệm được khoảng 2.000 - 4.000 USD tiền xăng hoặc dầu. So với chi phí xăng, dầu hiện tại thì chi phí trả cho điện năng rẻ hơn nhiều. Về tính năng an toàn thì động cơ xe điện vượt hẳn bởi thiết kế đơn giản, ngay cả khi xảy ra va chạm, khả năng cháy nổ cũng hạn chế. Theo công bố của Công ty Tesla Motors, Inc - doanh nghiệp sản xuất Tesla Model X có thể di chuyển quãng đường hơn 400km mới phải sạc điện và sẽ mất 1 giờ 19 phút để sạc pin cho quãng đường 64km, nghĩa là khoảng 8 tiếng đồng hồ để sạc đầy pin. 

Tuy nhiên, việc phát triển ô tô điện được các chuyên gia kinh tế đặt ra rất nhiều vấn đề. Trong đó, có những cảnh báo như nguồn pin cho ô tô điện phải thay thế sau vài năm sử dụng cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn, buộc nhà sản xuất phải đầu tư công nghệ cao, chi phí vì thế cũng tăng, kéo theo giá xe tăng cao. Tất niên là phải đầu tư xây dựng các điểm sạc điện (tương tự cây xăng) và mật độ trạm sạc phải tương đương  trạm xăng hiện nay thì mới đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Bởi vậy, có thể lý giải vì sao ô tô điện vẫn chưa phổ biến trên thế giới khi chủ yếu sử dụng để đi lại trong thành phố hơn là đi đường dài.

>>Pháp: Chiến lược bài bản với ô tô điện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ô tô điện tại Việt Nam, bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO