Ngành công nghiệp ô tô: Trông chờ vào doanh nghiệp nội

HỒNG NGA - Ảnh: T.LINH| 13/06/2018 06:17

Đã hơn 20 năm xây dựng nhưng đến nay, ngành công nghiệp ô tô chỉ còn hai doanh nghiệp (DN) là Thaco và Vinfast đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ngành công nghiệp ô tô: Trông chờ vào doanh nghiệp nội
Ngành công nghiệp ô tô hiện nay chỉ còn trông chờ vào doanh nghiệp nội

Ngành công nghiệp ô tô hiện nay chỉ còn trông chờ vào doanh nghiệp nội

Không như kỳ vọng

Trong định hướng phát triển công nghiệp, ô tô là ngành tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vì thế, hàng loạt liên doanh ra đời với mong muốn tạo tiền đề để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Mục tiêu đầu tiên này đã đạt được một số kết quả.

Năm 1995 được xem là năm khởi đầu tốt đẹp của ngành công nghiệp ô tô với hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành ô tô thế giới đến Việt Nam. Các liên doanh lắp ráp ô tô liên tiếp ra đời như Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam, Honda Việt Nam... Cùng với đó, các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô cũng đã được tính toán, đầu tư.

Thế nhưng đến nay, sau hơn 20 năm xây dựng, thị trường ô tô vẫn còn rất nhỏ, trong khi Thái Lan có khoảng 2 triệu xe được sản xuất mỗi năm (trong đó khoảng 800.000 xe cho thị trường nội địa) thì Việt Nam chỉ đạt trên dưới 300.000 xe. Điều đáng nói là hầu như các DN có vốn đầu tư nước ngoài đều đã chuyển hướng sang kinh doanh xe nhập khẩu. Nhìn vào tỷ lệ xe nhập khẩu và lắp ráp của Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam... có thể thấy rõ điều này.

Trong 11 mẫu xe của Công ty Toyota Việt Nam có đến 7 mẫu nhập khẩu là Yaris, Fortuner, Hiace, Hilux, Land Cruiser, Land Cruiser Prado, Alphard. Công ty Honda có 5 mẫu xe thì đến 4 mẫu (CR-V, Civic, Accord, Jazz) nhập khẩu từ Thái Lan.

Chia sẻ tại Hội thảo Công nghiệp hỗ trợ trong cách mạng công nghiệp 4.0 tổ chức tại TP.HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương cho rằng, sau 20 năm ngành ô tô được bảo hộ để nâng cao tỷ lệ nội địa linh kiện nhưng không đạt số lượng và doanh số như kỳ vọng.

cong-nghiep-o-to-492-3-4991-1528779203.j

Mục tiêu đề ra của quy hoạch là phải đạt tỷ lệ nội địa 40% vào năm 2005, năm 2010 là 60% đối với loại xe thông dụng, nhưng đến nay tỷ lệ còn rất nhỏ. Ngay như Toyota Việt Nam, DN được xem là có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất nhưng cũng chỉ đạt từ 19% - 37%, tùy dòng xe.

Không chỉ vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp ô tô cũng rất yếu kém. Việt Nam có 20 DN lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 84 DN cung cấp linh kiện cấp 1 và 145 DN là nhà cung cấp cấp 2, 3. Vì thị trường nhỏ, sản lượng sản xuất, lắp ráp không nhiều nên việc đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô không hấp dẫn do khó mang lại hiệu quả. Đặc biệt, gần đây, các chính sách liên quan đến nhập khẩu ô tô đã tác động rất lớn đến việc lắp ráp ô tô.

Trông chờ vào doanh nghiệp nội

Trong nước hiện chỉ có hai DN đầu tư cho ngành này là Trường Hải (Thaco) và Vinfast của Vingroup. Trong đó, Thaco đầu tư phát triển KCN Ô tô Chu Lai - Trường Hải như là trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô theo hướng hiện đại. Tập đoàn này hiện có 20 nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô với dây chuyền hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0.

Theo Văn phòng Chính phủ, hiện nay thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh, sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do người dân có nhu cầu lớn trong việc sử dụng và sở hữu ô tô. Vì thế, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để hoàn thiện hơn các chính sách về phát triển công nghiệp ô tô.

Một số nhà máy đã áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất và bàn giao theo yêu cầu của khách hàng. Như vậy, đến nay Thaco đang sản xuất và phân phối nhiều dòng xe từ phổ thông đến cao cấp với các thương hiệu Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), BMW (Đức) cùng với xe tải, xe bus, đạt thị phần xấp xỉ 40% thị trường ô tô Việt Nam.

Còn với Vinfast, tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu Kinh tế Cát Hải - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD đang được xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 1 trong cuối năm nay, sẽ phần nào cứu ngành công nghiệp ô tô trong nước. Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế 500.000 xe/năm vào năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu này, Vinfast đã ký với Hãng Siemens (Đức)xây dựng nhà máy số hiện đại theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như các nhà máy sản xuất của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Mercedes, BMW, Maserati, Volkswagens...

Cụ thể, nhà máy Vinfast sẽ trang bị công nghệ mới nhất, có mức độ tự động hóa cao, phần mềm có khả năng quản trị và tích hợp toàn diện chuỗi giá trị (từ khâu lên ý tưởng thiết kế, thử nghiệm sản phẩm cho đến lập kế hoạch sản xuất, thiết kế dây chuyền sản xuất, điều hành sản xuất, quản trị hậu cầu, hậu mãi).

Có thể xem Thaco và Vinfast là hai DN trụ cột của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy Thaco Mazda hồi tháng ba vừa rồi, cho rằng trong thời gian qua, Việt Nam đã có các tập đoàn đầu tư bài bản vào lĩnh vực sản xuất ô tô, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô toàn cầu như Trường Hải (Thaco), Vinfast, Hyundai Thành Công, từ đó góp phần hình thành nên ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Với sự đầu tư bài bản của các DN nội địa, người tiêu dùng lại nhen nhóm hy vọng về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành công nghiệp ô tô: Trông chờ vào doanh nghiệp nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO