Đã mê xe châu Âu, không muốn “cặp” xe khác

Ngọc Dương| 26/09/2020 01:00

Trải nghiệm nhiều dòng ô tô hơn chục năm qua, ông Võ Quốc Bình (Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Bình Minh, tại TP.HCM), thấy rõ sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dòng xe châu Âu với thương hiệu còn lại. Lâu nay, ông vẫn trung thành với dòng xe Đức, như Mercedes S450, Audi A6 và BMW 5 series.

Mượt mà như “em”... S450

S450-2928-1601015476.jpg

Trước năm 2017, ông Bình trải nghiệm nhiều dòng xe châu Á như Toyota Innova, Toyota Camry, Honda Accord, Hyundai Sonata... Công việc điều hành trong ngành vận tải và bất động sản buộc ông phải đi nhiều, có khi ra Bắc về Nam liên tục. Trong những chuyến đi không quá xa, ông thường tự cầm lái để tiện công việc hoặc đổi gió cùng gia đình nên những chiếc ô tô Hàn hay Nhật đủ đáp ứng nhu cầu của ông. 

Theo ông Bình, những xe Hàn hay Nhật ông từng đi (thuộc phân khúc D) đều có chất lượng ngang nhau, ngay cả cảm giác lái. Trước đây, xe Hàn thường được đánh giá thấp hơn xe Nhật về chất lượng. Nhưng vài năm qua, xe Hàn thay đổi đáng kể để giữ vị thế ngang với đối thủ Nhật Bản, thậm chí xe Hàn còn được người dùng ưu ái hơn vì thiết kế mới lạ kèm nhiều tiện ích công nghệ. Đến nay, một số xe Hàn cùng phân khúc có giá còn cao hơn xe Nhật, như Hyundai Sonata đang cao hơn cả Mazda 6. 

Đến năm 2017, khi điều kiện tài chính được cải thiện, ông thử trải nghiệm một số dòng xe đến từ châu Âu và mê luôn từ đó. Đặc biệt, ông dành sự ưu ái cho 3 chiếc xe Đức là Mercedes S450, Audi A6 và BMW 5 series. Tuy nhiên, ông thấy thích hơn cả là chiếc Mercedes S450. S450 mang đến cảm giác lái mượt mà nhất, Audi cũng lái lả lướt do được hỗ trợ lái, còn BMW thì thích hợp cho những người trẻ thích cảm giác lái chân thực. Điểm nổi trội nhất của chiếc S450 là ổn định chất lượng, công nghệ an toàn tuyệt vời.

Về kiểu dáng, dòng Audi có thiết kế thanh lịch hơn cả, phù hợp cho nữ và điểm chung của các xe châu Âu là ít thay đổi kiểu dáng. Có khi trong 5 năm chưa thay đổi lần nào, trong khi với xe Nhật, Hàn có thể thay đổi cả chục lần. Điều này khiến người tiêu dùng nghĩ rằng các hãng xe châu Âu bảo thủ trong thiết kế. Nhưng theo ông Bình, thiết kế dù cũ nhưng đến giờ vẫn thấy đẹp, đó có thể là tầm nhìn dài hạn của các hãng xe, ngay cả với công nghệ. Nhiều công nghệ trên các dòng xe cũ của Mercedes như dòng E hay S, đến nay lại là công nghệ mới của các hãng xe khác. 

BMW-5series-9066-1601015476.jpg

Các dòng xe châu Âu thường để lại cảm giác “sướng” ngay từ khi ngồi vào. Nội thất xe sang trọng, các chi tiết tinh xảo, sắc nét, ghế da hay các điểm nhấn vân gỗ đều là hàng hiệu và xuất xứ châu Âu, tạo ra cảm giác dễ chịu cho người dùng. Bên cạnh đó, cách âm của các dòng xe này rất tốt. “Ngồi trong xe không nghe được tiếng ồn vọng lên từ mặt đường hay khoang máy. Công nghệ cách âm chủ động chỉ xuất hiện trên các dòng xe sang, có chất lượng cao như xe châu Âu”, ông Bình đánh giá. 

Ấn tượng khác với dòng xe châu Âu của ông Bình là độ an toàn rất cao. Hầu hết hệ thống điều khiển trên xe châu Âu tất cả đều tự động, chẳng hạn khi xe báo lỗi túi khí, tài xế không thể nào tắt báo động này được mà phải đem vào hãng hay ra garage để khắc phục. 

Hệ thống an toàn trên xe châu Âu là điểm khiến hầu hết người có điều kiện tài chính yên lòng. Chẳng hạn, khi gặp sự cố, túi khí trong chiếc S450 sẵn sàng kích hoạt và nổ tất cả để bảo vệ người trong xe, trong khi một số xe Nhật thậm chí không nổ túi nào vì... túi khí rất bền. Tuy nhiên, theo ông Bình, đây lại là điều ít được quan tâm với nhiều chủ xe ở Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến ông dùng 3 chiếc xe Đức nhiều hơn các xe khác. 

“Thử” một lần cho biết!

Tại Việt Nam, xe châu Âu đang được người dùng quan tâm và sử dụng khá nhiều. Nhưng vì là dòng xe sang nên không ít người dù đủ tài chính nhưng lần đầu mua xe vẫn e ngại trải nghiệm. Ngoài ra, chi phí bảo dưỡng xe châu Âu cũng chát hơn các dòng xe Nhật hay xe Hàn, khoảng 80-100 triệu mỗi năm.

Ngoài ra, phụ tùng xe châu Âu thường phải nhập về và rất khó kiếm trong nước. Ông Bình cho rằng, hiện nay hệ thống bảo dưỡng của các thương hiệu xe châu Âu đã có nhiều ở Việt Nam nên vấn đề phụ tùng cũng không khó như xưa. 

“Nếu so sánh chi phí bảo dưỡng hay sửa chữa giữa xe Nhật hay Hàn với xe châu Âu, chi phí cũng cỡ 7-10, không phải là cao lắm, nhưng chất lượng thì rất đáng đồng tiền bát gạo”, ông Bình nói. 

Trong 3 chiếc xe Đức đang sở hữu có độ ổn định cao nhất về chất lượng, dù vậy, không phải không có khuyết điểm. Theo ông Bình, xe châu Âu ở Việt Nam hay bị lỗi ở bộ tăng áp (turbo) và bộ tách nhớt. 

“Có thể do khác biệt về khí hậu nên xe châu Âu hay bị lỗi hao nhớt. Chỉ cần thay linh kiện chính hãng được sản xuất ở châu Á là xong”, ông Bình giải thích. 

Khuyết điểm nữa là xe châu Âu rất hao xăng. Chiếc S450 có công suất đến 3.5l với máy V8, còn dòng S400 có công suất 3l với máy V6. Tuy nhiên, ông Bình không cho rằng đây là khuyết điểm. Ngược lại, nếu so với các dòng xe có cùng công suất thì xe châu Âu có thể còn tiết kiệm xăng hơn. 

Nhưng với điều kiện đường xá Việt Nam, có một điểm yếu của các dòng sedan châu Âu mà ông Bình không phủ nhận là gầm xe thấp, dễ bị cà với đường không bằng phẳng. Theo kinh nghiệm, ông Bình cho rằng nếu lỡ rơi vào trường hợp bị ngập, tái xế nên tắt máy và không được khởi động lại. Nếu lỡ đề máy thì khả năng nước tràn vào máy rất cao, gặp ngay tình trạng bị thủy kích, chi phí sửa chữa sẽ rất lớn. 

Dù rất yêu thích 3 chiếc xe Đức của mình, nhưng ông Bình chia sẻ, không vì thế mà sẽ giữ đến suốt đời. Do công việc chính là kinh doanh nên nếu có người mua ông cũng sẽ bán. Chiếc Audi A6 của ông Bình đang có biển số trùng với số điện thoại. “Nếu ai mua xe tôi sẽ tặng cả sim điện thoại đi cùng cho đủ cặp”, ông Bình vui vẻ nói.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đã mê xe châu Âu, không muốn “cặp” xe khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO