Ảnh: T.Toàn |
Mở rộng sản xuất
Ngày 25/3, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã khánh thành Nhà máy Sản xuất ô tô Thaco Mazda - nhà máy sản xuất xe du lịch lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á của Mazda. Nhà máy có diện tích 30,3ha (nhà xưởng 17,3ha), công suất 100.000 xe/năm với vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng được quy hoạch trong phân khu các nhà máy lắp ráp ô tô thuộc KCN Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải. Thaco Mazda đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 50.000 xe/năm và đã giải ngân 7.000 tỷ đồng từ vốn của Thaco.
Cùng với việc khánh thành Thaco Mazda, ngày 25/3, Thaco cũng đồng thời khai trương tuyến hàng hải quốc tế Nhật Bản - Chu Lai và đón chuyến tàu đầu tiên của Hãng APL từ Hiroshima, Nhật Bản cập cảng Chu Lai. Hàng hóa tàu vận chuyển đến Chu Lai gồm linh kiện, phụ tùng các dòng xe Mazda, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và lắp ráp ô tô cho nhà máy Thaco Mazda và nguyên vật liệu phục vụ KCN Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải.
Trước Thaco Mazda, trong năm 2017, Thaco đã đưa vào hoạt động Nhà máy Bus Thaco lớn nhất trong khu vực ASEAN với công suất thiết kế 20.000 xe/năm. Song song đó, tập đoàn này cũng đầu tư nâng cấp các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng và đưa vào hoạt động thêm 2 nhà máy theo hướng tự động hóa.
Công nghệ 4.0 giải phóng sức lao động và tăng năng suất lắp ráp ô tô. Ảnh: T.Toàn |
Các nhà máy của Thaco được mở là bảo chứng cho việc thực hiện cam kết "đầu tư cho chu kỳ mới của Thaco tại Khu kinh tế mở Chu Lai" mà doanh nghiệp này đã ký với tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, Thaco sẽ đầu tư xây dựng và nâng cấp các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tải, xe buýt, xe con, xe chuyên dụng, tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa. Tất cả nhằm mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% cho xe con và hướng đến xuất khẩu sang các nước ASEAN mà ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco đặt ra trước đó.
Dây chuyền hàn bằng robot của nhà máy Thaco Mazda. Ảnh: T.Toàn |
Cũng hướng đến mục tiêu xuất khẩu ô tô sang các nước trong khu vực, Hyundai Thành Công đã thông qua kế hoạch mở nhà máy thứ hai tại Việt Nam. Nhà máy Hyundai hiện tại ở Ninh Bình có công suất 60.000 chiếc/năm, và đang sản xuất, lắp ráp các dòng xe Hyundai SantaFe, Elantra, Grand I, Tucson và New Porter 150.
Theo ông Byung Kwon Rhim - Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài của Hyundai Motor, đây là cơ sở để Hyundai Motor thúc đẩy, mở rộng hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trung tâm là Việt Nam. Đánh giá cao thị trường Việt Nam nên liên doanh Hyundai Thành Công được thành lập vào năm 2017, Hyundai Motor đã góp đến 50% cổ phần.
Đầu tư công nghệ 4.0
Đến nay, ngành ô tô Việt Nam đã hội nhập khu vực ASEAN khi từ đầu năm 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã giảm về 0%. Bên cạnh đó, những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội cũng như thách thức buộc doanh nghiệp phải đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô theo xu thế thế giới.
Nhận thức được điều này, từ nhiều năm trước, Thaco đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững theo xu hướng của ngành công nghiệp 4.0. Trong đó, đầu tư phát triển KCN Ô tô Chu Lai - Trường Hải như là trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô theo hướng hiện đại. Nhà máy Thaco Mazda mới đưa vào hoạt động được trang bị dây chuyền, thiết bị hiện đại, tự động hóa theo công nghệ mới. Trong đó, dây chuyền hàn bằng robot với công nghệ hàn laser, dây chuyền lắp ráp 80% tự động hóa.
Đặc biệt, Nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất và bàn giao theo yêu cầu của khách hàng, hướng đến mô hình nhà máy thông minh.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thaco, hiện Tập đoàn có 20 nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô với dây chuyền hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0. Thaco cam kết cung cấp các loại ô tô có công nghệ mới nhất, chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Ảnh: T.Toàn |
Một thương hiệu khác của Việt Nam đang bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0 là Vinfast của Vingroup. Tháng 9/2017, Vingroup đã khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế 500.000 xe/năm vào năm 2025.
Để thực hiện mục tiêu này, Vinfast đã ký kết với Siemens xây dựng nhà máy số hiện đại theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như các nhà máy sản xuất của các thương hiệu nổi tiếng thế giới Mercedes, BMW, Maserati, Volkswagen.
Cụ thể, nhà máy Vinfast sẽ trang bị công nghệ mới nhất, có mức độ tự động hóa cao, các phần mềm có khả năng quản trị và tích hợp toàn diện xuyên suốt chuỗi giá trị (từ khâu lên ý tưởng thiết kế, thử nghiệm sản phẩm cho đến lập kế hoạch sản xuất, thiết kế dây chuyền sản xuất, điều hành sản xuất, quản trị hậu cầu, hậu mãi).
Với những công nghệ hiện đại này, dự kiến vào cuối năm nay, Vinfast sẽ ra mắt 2 mẫu xe sedan và SUV được phát triển dựa trên thiết kế do người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất trong cuộc thi "Chọn xế yêu cùng Vinfast - 1" vừa kết thúc hồi tháng 3 vừa qua.
Ảnh: T.Toàn |
Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đã chuyển hướng sang nhập khẩu xe, vì thế, Thaco và Vinfast được xem là những doanh nghiệp trụ cột phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Và mặc dù đã có sự đầu tư rất lớn từ chính doanh nghiệp nhưng để cạnh tranh với xe nhập khẩu, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Một - Giám đốc Truyền thông Thaco cho biết, 2018 là năm đầu tiên hội nhập ASEAN hoàn toàn. Công nghiệp ô tô của Việt Nam phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Vì thế, Thaco mong muốn Chính phủ tiếp tục có các chính sách ổn định thị trường, tăng cường kiểm soát chất lượng ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện hưởng thuế suất bằng 0%. Đồng thời, có chính sách thuế cho công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ một cách hợp lý và trong thời gian nhất định để phát triển sản xuất trong nước.