Nút thắt trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp tư nhân

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH| 01/11/2017 00:30

Theo thống kê, 50% doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không tiếp cận được vốn ngân hàng. Trong thực tế, một số DNTN phải tiếp cận tín dụng đen. Để giúp DNTN tiếp cận vốn ngân hàng, trước hết phải phân loại từng loại nhóm doanh nghiệp (DN).

Nút thắt trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp tư nhân

Theo thống kê, 50% doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không tiếp cận được vốn ngân hàng. Trong thực tế, một số DNTN phải tiếp cận tín dụng đen. Để giúp DNTN tiếp cận vốn ngân hàng, trước hết phải phân loại từng loại nhóm doanh nghiệp (DN). 

Nhóm thứ nhất, những DNTN không có nhu cầu vay vốn. Phải xác định được bao nhiêu phần trăm DNTN hài lòng với quy mô vốn hiện có, không có nhu cầu tăng vốn nên không bàn đến tiếp cận vốn. Nhóm thứ hai, những DN "không muốn lớn". Thực tế, không đến một nửa DN nhỏ và siêu nhỏ "muốn lớn". DN không có nhu cầu vượt qua ranh giới của khu vực nhỏ, thậm chí siêu nhỏ thì cũng không bàn chuyện tăng vốn cũng như tiếp cận vốn.

Đang có một mâu thuẫn có thể dẫn đến rối loạn chính sách thuế. DN kêu gọi phải bình đẳng giữa DNTN và DN nhà nước nhưng vẫn đề nghị được hỗ trợ vốn với lý do là DN nhỏ và vừa, như vậy là bất bình đẳng. Cộng đồng DN kêu nhiều về mức thuế giá trị gia tăng, nhưng lại không đả động đến đề nghị giảm thuế DN từ mức 20% xuống 17% hoặc 15% cho DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, nhiều đề xuất mức thuế thu nhập DN cho DN lớn là 20%, DN nhỏ và vừa là 15% và DN siêu nhỏ 10%. Nếu như vậy sẽ có rất nhiều DN "xung phong" làm "siêu nhỏ” dù thực tế đã ở hàng "đại gia". Điều này đi ngược lại nguyên tắc quản lý thuế là phải bình đẳng và không phân biệt đối xử.

Hai sắc thuế quan trọng nhất đối với kinh tế tư nhân là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Do đó, cần được cải tiến theo hướng giảm và thống nhất thuế suất. Nên áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng chung ở mức 10%, đồng thời thống nhất một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 15% hoặc 20%.

Vấn đề tài chính và tiếp cận vốn của DNTN đã được bàn nhiều, nhưng nút thắt căn bản vẫn chưa được giải quyết. Đó là vấn đề vốn, vấn đề tài chính khi DN giải thể, dừng hoạt động và phá sản.

Trở lại vấn đề tiếp cận vốn của DNTN. Hiện nay, các ngân hàng không thiếu tiền, lãi suất không quá cao, áp lực thị phần cao, áp lực lợi nhuận rất lớn, nhưng vẫn ngần ngừ khi cho DNTN vay vốn. Câu trả lời rất đơn giản: kinh doanh tiền tệ, tín dụng ngân hàng phải theo cơ chế thị trường. Rất nhiều DN lớn vẫn được vay các khoản tiền không hề tương xứng với tài khoản đảm bảo thế chấp. DN nói nhiều đến tài sản đảm bảo khi vay vốn, thực ra đây không phải là vấn đề lớn.

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho vay và khi khoản vay bị mất? Rủi ro sẽ rất lớn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi ngân hàng để mất khoản vay. Do đó, vấn đề quan trọng nhất đối với các ngân hàng hiện nay là cho vay và khoản vay được DN trả đúng hạn. DNTN kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng, hãy đặt mình vào vị trí ngân hàng và hành xử theo thị trường chứ ngân hàng không phải gây khó dễ cho DNTN.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đã có nhiều điểm đột phá, nhấn mạnh vấn đề phát triển thị trường tài chính. Theo đó, DNTN có thể tiếp cận vốn từ ba nguồn.

Nguồn thứ nhất đến từ thị trường tài chính. DNTN có thể tham gia vào thị trường tài chính và tiếp cận vốn từ thị trường này. Đã có nhiều chủ DNTN có kinh nghiệm "kiếm ăn" rất tốt trên thị trường chứng khoán. Như vậy không có lý do gì mà người kinh doanh lại không huy động được nguồn vốn trên thị trường.

Nguồn thứ hai là từ hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng, bao gồm các loại quỹ bảo hiểm, quỹ dự phòng rủi ro và quỹ khởi nghiệp. Đã có quan ngại về lãi suất nhưng cần hiểu các quỹ này đều hoạt động theo cơ chế thị trường. Không thể có lãi suất cho một khách hàng lớn ngang với một khách hàng nhỏ, không thể có lãi suất của một khách hàng mới bằng lãi suất của một khách hàng 10 năm.

Nguồn thứ ba có thể đến từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng không nên hy vọng nhiều, bởi các quỹ tài chính từ ngân sách nhà nước là rất hạn chế. Tính đến nay, nước ta có khoảng 70 quỹ tài chính từ ngân sách nhà nước, trong đó có Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hiệu quả không cao.

Tài chính và ngân sách nhà nước đang rất khó khăn. Cân đối năm 2018, dự định thâm hụt 3,7% GDP. Nhiều người lạc quan khi thâm hụt ngân sách những năm trước đây là 5% GDP và bây giờ chỉ 3,7%. Trước đây, 5% là cách tính của Việt Nam, còn theo cách tính quốc tế chỉ dưới 3%. Bây giờ, con số 3,7% đã tương đương với gần 3% trước đây, nếu theo cách tính của Việt Nam, đã lên tới khoảng 7%. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, DN trông chờ vào hỗ trợ vốn từ Nhà nước là rất khó, nếu có cũng không nhiều.

(Thanh Huyền ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nút thắt trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO