Tối 23/4/2023, Anthony Nguyễn dẫn đoàn cầu thủ GAM chiến thắng cúp vàng trong giải Vietnam Championship Series Spring Season 2023 "đi bão" trên chiếc xe buýt hai tầng dạo quanh thành phố. Sự kiện "đi bão" quen thuộc của giới trẻ để ăn mừng mỗi khi đội bóng đá nhà chiến thắng nay đã lan sang môn thể thao điện tử. Buổi tối ấy, hàng nghìn khán giả trẻ đã được chạm vào các cầu thủ họ chỉ thấy trên màn hình game.
TK Nguyễn - ông bầu của đội game GAM, là người đồng sáng lập và CEO của NRG Asia - một công ty truyền thông sự kiện với tên đăng ký kinh doanh là Công ty TNHH CMG World Gaming cho biết, CMG World Gaming muốn thể thao điện tử ngày càng gần gũi với giới trẻ Việt Nam. NRG ra mắt thị trường game Việt Nam với thương vụ mua lại đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại - GAM Esports từ Công ty Yup.GG của Singapore vào năm 2021.
Thể thao điện tử chính thức được công nhận
Khi thể thao điện tử chính thức được công nhận, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ không còn bị bó gọn trong quán net nữa. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã định hướng phát triển thể thao điện tử theo hướng chuyên nghiệp. Chỉ riêng TP.HCM đã có hơn 40 câu lạc bộ với khoảng 600 vận động viên thể thao điện tử tham gia tập luyện, thi đấu ở các giải quốc gia cũng như đấu trường thế giới. Liên đoàn Thể thao Điện tử TP.HCM vừa thành lập, tiến hành đại hội, ra mắt nhiệm kỳ I (2021-2025).
Ở SEA Games 31, thể thao điện tử Việt Nam đoạt 4 huy chương vàng và 3 huy chương bạc. Sự cuồng nhiệt của người trẻ với game nay được chính thức công nhận, lại gián tiếp tạo ra thị trường sôi động từ những ngành nghề kinh doanh liên quan. Môn thể thao điện tử đã tạo ra mảng kinh doanh truyền thông thể thao thu hút đầu tư trong và ngoài nước, xoay quanh các nhân vật chính là cầu thủ thể thao điện tử.
Sau một năm TK Nguyễn dẫn dắt GAM Esports, đội tuyển thủ này đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì giành huy chương vàng SEA Games 31 năm 2022. Đối với giới trẻ, NRG giống như một công ty bầu sô của đội tuyển họ ưa thích, đối với các công ty truyền thông, đây là một mô hình quản lý truyền thông mới dựa trên mô hình bầu sô thể thao truyền thống.
Mô hình của NRG dựa trên hai trụ cột chính để đẩy mạnh truyền thông nội dung vào thị trường. Đội tuyển thủ sẽ là những nhân vật chia sẻ hình ảnh về cuộc sống hằng ngày lên mạng xã hội, chủ yếu là YouTube và Facebook. Khán giả sẽ thấy cầu thủ ưa thích của mình buổi sáng tập gym, giải trí, rồi ngồi vào bàn làm việc, nghĩa là streaming (phát trực tiếp nội dung) họ tập luyện thi đấu. Streaming cần có một đội tổ chức nội dung, hình ảnh là trụ cột thứ hai của công ty. Mô hình NRG Asia là nguyên mẫu của NRG từ Mỹ, đào tạo tuyển thủ game để tìm doanh thu quảng cáo liên quan đến sự kiện thể thao điện tử thông qua liên doanh, liên kết cùng các thương hiệu game và phương tiện giải trí số khác.
Các công ty truyền thông thể thao xây dựng hình ảnh cầu thủ như thần tượng trong ngành giải trí. Tuyển thủ sẽ được công ty tuyển với tiêu chí là cầu thủ ăn khách nằm ở vị trí cao trong bảng xếp hạng, được trả lương để luyện tập dưới mái nhà chung gọi là Gaming House.
Ban huấn luyện sẽ trau dồi cho họ về chuyên môn, hướng dẫn tác phong thi đấu chuyên nghiệp và cách hành xử trước công chúng để trở thành thần tượng đối với giới trẻ. Tuyển thủ có thành tích nổi bật sẽ được xây dựng fanpage cá nhân để làm cầu nối giao tiếp giữa thần tượng và người hâm mộ thông qua các trang mạng xã hội. Mô hình truyền thông thể thao "chế biến" thần tượng đang ngự trị trên mạng xã hội để nắm lấy thị phần doanh thu từ nguồn giải thưởng, quảng cáo, tài trợ và tiền bán vật phẩm lưu niệm mang logo đội tuyển, theo đại diện Team Flash thuộc Công ty TNHH Flash Entertainment.
Mang giải quốc tế về bản địa
Khi VNG Games hợp tác cùng Riot Games tái khởi động Vietnam Championship Series (VCS) đã đánh dấu một khởi đầu mới cho Liên Minh Huyền Thoại. VCS sẽ tổ chức các giải chuyên nghiệp, tạo sân chơi cho người có đam mê bộ môn này và hợp tác với các cơ sở giáo dục để tổ chức sự kiện liên quan. Tuyển thủ từ các nước sẽ đổ về thi đấu như giải chủ chốt trên toàn cầu, điều này thúc đẩy các bầu sô đổ tiền vào đội tuyển thủ để chạy nước rút tập luyện. TK Nguyễn và các nhà đầu tư vào thể thao điện tử hy vọng sân vận động VCS mới sẽ là đấu trường lớn, các đội tuyển không còn phụ thuộc vào ban tổ chức nước ngoài nữa, cũng là một động lực thúc đẩy mảng kinh doanh game phát triển.
Là nhà đầu tư đa ngành, TK Nguyễn nhìn thấy cơ hội nhiều tiềm năng từ mô hình kinh doanh sáng tạo nội dung dựa trên xu hướng chơi game của giới trẻ nay đã vươn ra thị trường quốc tế. TK Nguyễn cho biết: "Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào thể thao điện tử ở Việt Nam, mặc dù còn trong giai đoạn sơ khởi nhưng thị trường có tiềm năng mở rộng ra thế giới".
Theo dữ liệu của Statista, thị trường thể thao điện tử toàn cầu đạt giá trị 1,4 tỷ USD năm ngoái và đạt đến mức 5,5 tỷ USD vào năm 2029. TK Nguyễn đã dẫn đội tuyển GAM Esports tham gia giải Worlds 2022 (The League of Legends World Championship 2022) ở Bắc Mỹ để cọ xát với các đội quốc tế trên toàn cầu. Mặc dù GAM phải dừng chân sớm, cơ hội cọ xát tại sân vận động lớn với các đối thủ mạnh từ nhiều quốc gia cũng là cách đội tuyển tiến thêm một bước vào đấu trường quốc tế.
Thị trường thể thao điện tử không còn gói gọn trong nước nữa nên một số doanh nghiệp đã rót tiền thu hút cầu thủ Việt đang thi đấu cho tuyển nước ngoài trở về. Trường hợp của GAM Esports, theo tin "hành lang", giá của một thương vụ mang cầu thủ về nước lên tới 400.000 USD. Lượng vận động viên thể thao điện tử trong nước đã vượt ngưỡng 18 triệu, cao hơn nhiều so với Hàn Quốc, nơi được cho là có nền công nghiệp thể thao điện tử phát triển nhất thế giới với 13,5% dân số (theo "Sách trắng thể thao điện tử Việt Nam 2021" được phát hành bởi Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam - VIRESA). Vậy nên, một số vốn nước ngoài đã đổ vào thị trường thể thao điện tử ở Việt Nam. Team Flash đã gọi vốn thành công 1,5 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống sau thời điểm giành được ngôi vô địch thế giới tại AOV World Cup 2019.
Đồng sáng lập công ty tổ chức sự kiện thể thao điện tử nổi tiếng của Trung Quốc - Versus Programming Network, Danny Tang nói với Nikkei Asia rằng bà đang dòm ngó thị trường Việt Nam để cạnh tranh với Riot Games cung cấp dịch vụ tổ chức giải đấu thể thao điện tử, vận hành địa điểm, thương mại hóa, ươm tạo và quản lý tài năng cũng như sản xuất nội dung. Đại diện Team Flash cho hay, các công ty truyền thông thể thao sẽ nhắm đến mảng kinh doanh bản quyền truyền hình. Tuy kinh doanh bản quyền truyền hình không mới mẻ với thể thao truyền thống, nhưng với thể thao điện tử sẽ còn là một chặng đường dài phía trước.