![]() |
Thào A Lùng tỉ mẩn sửa soạn lại quang gánh, bao bị. Phía lưng chừng núi, trên cao độ khoảng 1.700m, sương mù chạy một vệt dài từ khe nước đổ lên ngả nghiêng theo gió. Trời mỗi lúc một lạnh nhưng nhìn ánh mắt lấp lánh của Thào A Lùng, tôi thấy tự tin hơn một chút khi nghĩ đến hành trình lên Hoàng Liên Sơn phía trước...
![]() |
Thào A Lùng kiêm luôn việc bếp núc |
Thào A Lùng là một người H’Mông khá thú vị mà tôi làm quen được khi đến vùng đất đầy sương mù này. Hắn làm nghề buôn ngựa từ hồi thanh niên. Giắt lưng một mớ tiền, hắn lang thang săn ngựa rồi lại bán ngựa, có lúc qua tận Lào rồi ngược lên Trung Quốc. Thào A Lùng lúc rảnh rỗi sau một đợt đi buôn ngựa thì làm thêm cái nghề mà dân Tây gọi là “porter”, nói nôm là cửu vạn cho dân leo núi Phansipan.
Thân là porter phải làm nhiều thứ, khuân vác là chính, sau nữa là nấu nướng, dựng trại... Thào A Lùng là một porter đặc biệt, hắn đi vì nhớ rừng như con ngựa nhớ hương cỏ chứ không phải mưu sinh kiếm đồng bạc mua gạo như bao người dân tộc khác ở Sapa này...
Ở bản Tả Van, Thào A Lùng là người giàu. Hôm đến Tả Van, tôi nhờ hắn làm người dẫn đường lên Hoàng Liên Sơn với tiền công bằng một con ngựa con. Nhưng ánh mắt lúc ấy của hắn đục ngầu, hình như hôm qua trong làng có hội và hắn đã uống nhiều rượu. Hắn lừng khừng: “Mưa quá, mưa suốt một tuần rồi, hay mày để ngớt rồi leo?”. Đến buổi trưa, mưa tạnh hẳn. Dù trời chưa quang đãng nhưng một chuyến đi rừng vào lúc này thì cũng không đến nỗi nào.
Trong lúc Thào A Lùng lui cui sửa soạn đồ nghề cho chuyến đi, tôi đứng giữa Sapa ngước nhìn về phía dãy Hoàng Liên Sơn với cảm giác thật háo hức. Thật ra tôi không có tham vọng chinh phục đỉnh trời cao chót vót trên 4.000m kia mà trong bụng nhủ thầm: đến Hoàng Liên Sơn một lần cho biết, đi được bao xa thì đi...
Mới đi được một đoạn qua khỏi thác Bạc, vừa nghênh tai lắng nghe tiếng con khướu hót líu ríu, nghe tiếng nước đổ ào ào lẫn tiếng gió rừng, tôi càng hăm hở. Ngang dọc thế nào, tôi lại vướng vào mấy bụi gai bén nhọn. Vừa thoát ra lại phải vật lộn với bùn lầy nhão nhoét. Ngược lại, tôi được tặng thưởng những khuôn hình đẹp không thể tưởng. Thật ngạc nhiên, ở độ cao 2.000m, trúc quân tử mọc ngút ngàn, cả rừng cây tăm tắp, xanh mướt lá. Trúc quân tử sống xanh tươi mãnh liệt ngay giữa lưng chừng trời cùng nắng gió, tuyết sương; sống bền chặt bên những tảng đá kỳ dị, sống ngang tàng cùng những cây tùng trăm năm xùm xòa cổ thụ.
Tôi ôm vòng từng thân cây, sờ ngón tay lên những mảnh vỏ nứt nẻ, xù xì với tầng tầng địa y, rêu cỏ mềm ướt, cảm giác như sờ vào thời gian vời vợi trăm năm, như sờ vào cái sự sống mạnh mẽ của cây qua bao cơn mưa rừng bão núi... Ngửa mặt lên vòm xanh tít, tôi sững sờ nhìn những chùm phong lan hoa nở long lanh trên thân cành đại thụ, nở sáng cả rừng già. Nghe Thào A Lùng nói rừng Hoàng Liên Sơn có cả mấy trăm loài lan quí.
Đắm say trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, buổi tối đến khá nhanh nhờ sự trợ giúp của lớp sương mù. Thật ra ở rừng Hoàng Liên Sơn, ngày và đêm không có cách biệt nhiều lắm, chỉ khi nào không thấy được bàn tay của mình thì đó mới là đêm xuống thật sự. Thào A Lùng chuẩn bị khá chu đáo, tôi thầm biết ơn hắn về chuyện này vì đêm xuống trời lạnh không chịu nổi. Đêm chui cả đầu vào trong túi ngủ, cửa lều kéo kín, khá ấm áp mà tôi vẫn không sao ngủ được.
Thào A Lùng không thích ngủ như cách của tôi, hắn nằm trên tảng đá, quấn hờ tấm áo mưa để khỏi ướt sương và ngáy ngon lành. Chỉ có những người con của núi mới ngủ với núi được như vậy thôi. Tôi mơ hồ thấy những cây cổ thụ kia đang ghé vào nhau thì thầm to nhỏ bao câu chuyện về rừng thiêng...
Sáng hôm sau, hai chúng tôi lầm lũi rẽ cây mà đi, chân ngập trong thứ bùn nâu, sẫm đậm như bã cà phê. Thào A Lùng ư ử hát trong miệng, nghe không rõ, hình như có nhắc đến hạt sương đêm, có tiếng sáo gọi người yêu bên triền đồi.
Chuyến đi của tôi kết thúc không như mong đợi vì cơn mưa rừng ập đến và dai dẳng. Thào A Lùng không có ý kiến gì nhưng tôi đành chịu thua. Trong khi tôi tìm đường thoái lui thì dòng người giàu lòng mạo hiểm vẫn không từ bỏ cơ hội thử thách khả năng của chính mình. Du lịch Sapa đang vào mùa mới, nghề porter đang thịnh hành, đòi hỏi những người vào nghề không chỉ về sức khỏe dẻo dai, đức tính cần mẫn trung thực, mà còn phải hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây để giới thiệu, quảng bá về Sapa, về Hoàng Liên Sơn với bạn bè quốc tế.
Mấy anh chàng người H’Mông, Dao đỏ... làm nghề khuân vác cũng thạo việc lắm, nói tiếng Anh rất trôi chảy. Cái nghề mới này đang được nhiều thanh niên Sapa chọn, đem lại thu nhập khá cao. Qua Thào A Lùng, tôi có cơ hội trò chuyện cùng những porter giàu kinh nghiệm như Lý Sèng Thao, Sùng Thính... Những câu chuyện của họ đủ vui buồn, sướng khổ và những trăn trở rất riêng.
Sùng Thính người Dao đỏ bảo sống cả đời trên sườn dãy Hoàng Liên Sơn, nhưng có ai vô công mà leo lên đỉnh núi quanh năm mù sương, gió và lạnh giá làm gì. Thanh niên trong bản chỉ vào rừng sâu săn thú, hay lấy rễ cây thuốc khi cần mà thôi. Nhưng khi cơn lốc du lịch tràn tới, nhu cầu khám phá thiên nhiên, phiêu lưu mạo hiểm rất lớn thì những người bản địa trở thành người dẫn đường cũng là chuyện tất yếu. Sùng Thính đi chuyến đầu tiên của mình đầy vất vả, rã rệu như mới vừa vật trâu trong ngày hội làng nhưng không ngờ được khách Tây thưởng lớn, đủ gạo cho cả nhà ăn trong một tháng. Thế là người trong bản ào ào đi làm porter.
Lúc đầu chưa biết tiếng Anh thật khó, sau những chuyến đi, học hỏi được nhiều điều, rồi thành quen, đâm ra say mê. Có tuần Sùng Thính đi liên tục, cả ngày mưa. Vào lúc thoát nước cho ruộng bậc thang, vợ cũng cằn nhằn đôi chút, nhưng là cái nhắc yêu vì cứ đi suốt tuần, không ngủ ở nhà. Cũng có lúc Sùng Thính suýt rơi xuống núi vì nhiệt tình bám theo chiếc ba lô lăn xuống. Mấy cô khách Tây trố mắt nhìn anh bám vào ngọn cây bằng một tay, tay kia đỡ cái ba lô và chân tựa vào vách đá. Họ cứ xuýt xoa sợ anh ngã, chỉ ái ngại cho anh trượt tay là rơi xuống vực. Sùng Thính là dân hướng dẫn được cấp thẻ. Hắn là người vui miệng, say cả ngày, nhưng được cái hiền, trước sau chỉ cười.
Đây là nghề cực nhọc nhưng dễ kiếm tiền hơn là trồng ngô, cấy lúa ở nhà! Mỗi ngày được trả công trên 100 nghìn, được bao ăn không mất tiền. Kết thúc mỗi chuyến đi còn được “boa”, có bận được khách du lịch tặng hẳn 50 USD. Đồ nghề không cần nhiều, nhưng phải biết liên hệ với các nhà nghỉ, các tour mới thường xuyên có việc. Đó là lời tâm sự của những chàng trai H’Mông đi làm porter. Ai kêu là đi ngay, không kể ngày mưa, ngày mùa ngô đã chín, bắp gấp xuống thân cây. Lúc đi mang vác đủ thứ cho khách và cho cả bản thân trong một, hai ngày, có khi cả tuần. Mà thường phải đi trước đến trạm, chuẩn bị nơi ăn, nghỉ cho khách.
Đến trạm rồi quay lại hàng cây số đường dốc đón khách, giúp đeo đồ, có bận phải dìu khách bị chuột rút về nơi nghỉ. Sùng Thính nói rằng, ngại nhất là dìu mấy cô người Tây. Tối đến, sau bữa ăn, phải thu dọn, giúp khách ấm nước nóng pha lá rừng ngâm chân. Để có ấm nước thuốc đơn giản ấy phải thu hái trước trên đường đi, cái gùi cứ đầy thêm... Lên độ cao trên ba ngàn mét gió núi như xô ngã cả người, khí loãng, đêm về có cái gì khang khác dưới chân đèo.
Có người mặt đỏ như say rượu, phải khuyên mãi mới chịu quay xuống núi, nếu không thì porter gặp rắc rối. Sáng ra, khi con gà rừng gáy, Sùng Thính đã dậy lo bữa sáng, thu dọn rác cho sạch sẽ để bảo vệ cảnh quan nguyên sinh. Thanh niên H’Mông, Dao, Giáy... ở các xã quanh thị trấn du lịch Sapa hôm nay nhiều người đã học xong phổ thông cơ sở, việc biết tiếng Anh đều do đi nhiều mà quen. Còn cái nghề porter hoàn toàn tự phát, chẳng học hành ở đâu, biết gì nói nấy...
Chia tay thị trấn Sapa,Thào A Lùng bảo: “Tao đi với mày là chuyến cuối đấy, cuối tháng đi buôn ngựa rồi.” Thoạt nghe, tôi hơi cau có: “Không có mày tao kêu mấy người khác, đang xếp hàng đó!”. Thào A Lùng không nói gì, ánh mắt hắn có vẻ buồn buồn: “Không có Thào A Lùng này thì thiếu gì người dẫn đường nhưng mà nghề này không no bụng được lâu, nguy hiểm lắm. Chết trên núi, ai mà biết...”. Tôi giật mình nhớ đến cú ngã suýt chết người của Sùng Thính mới vừa kể. Tôi nhìn theo bóng Thào A Lùng đang khuất dần trong sương mù mà chẳng biết mình đang nghĩ gì...