Về với đời thường, cởi bộ quân phục khoác lên mình bộ quần áo “dân thường” để “làm doanh nhân” đôi lúc bà thấy có sự trống chếnh. Vốn để mở một doanh nghiệp không có. Kinh nghiệm và sự phản ứng nhanh nhạy của kinh tế thị trường cũng không nhưng bà vẫn chọn kinh doanh vì tin rằng, với tài sản có được trong suốt 25 trong quân ngũ là “nghị lực” và là một quân nhân thì cho dù ở hoàn cảnh nào, cũng phải cố gắng hoàn thành tốt vai trò “người lính”.
Thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải đầu tiên ở Hải Phòng, lúc đầu rất khó khăn. Người ta nói: “Thương trường cũng là chiến trường” và tôi đã không ít lần hàng xuất ra nước ngoài bị khách hàng trả lại không vì thiếu kinh nghiệm".
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ tổng hợp Hàng hải (Hải Phòng), Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân thành phố Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh: “Lăn lộn với thương trường và trải qua nhiều thất bại, nhưng sự kiên trì, không sợ khó, sợ khổ của người lính đã cho tôi nghị lực. Tôi biết người châu Âu vốn đánh giá rất cao nghề thủ công, vậy là tôi tặng thuyền trưởng một chiếc nón lá Việt Nam và giới thiệu cho họ ý nghĩa của chiếc nón lá. Không ngờ, thuyền trưởng đặt mua 1.000 chiếc. Rồi tôi mang ảnh Bác Hồ đội chiếc mũ cát lên tặng thuyền trưởng, ông ta ngắm ảnh Bác rất trân trọng rồi đặt mua 1.000 chiếc mũ như Bác đội”.
Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng và cũng là một quân nhân, khi kinh doanh có lợi nhuận, điều đầu tiên bà Hà nghĩ đến là đồng đội. Bà cho biết: “Tôi không thể quên những năm tháng gian nan được sống trong vòng tay bạn bè, sự đùm bọc của nhân dân nơi đóng quân. Chính vì vậy, sau khi có được đồng tiền kinh doanh đầu tiên, tôi thuê ngay một chiếc xe và mua rất nhiều quà để đi thăm và tặng quà cho bà con - những người đã yêu thương, cưu mang tôi và những người bộ đội năm xưa ở Dốc Sàn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), ở Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh...”.
Kể lại câu chuyện thời còn ở chiến trường với đồng đội, bà Hà nói: “Khi đó, tôi mới 16 tuổi nhưng phải chứng kiến hình ảnh các anh bộ đội tuổi đời cũng còn rất trẻ nhưng bị thương, họ phải cắn răng chịu đựng trước cơn đau từ các vết thương, tôi thương lắm. Đêm nào cũng nhìn các anh và khóc”.
Bà tâm sự: "Ngày hòa bình trở về, gặp lại đồng đội, niềm vui, nỗi buồn trong trái tim người lính lại nhói lên khi nhìn thấy đồng đội năm xưa, có người đang làm chức vụ cao, người làm trợ lý cho Chủ tịch nước, nhưng cũng có nhiều anh chị em thương binh sức khỏe yếu hơn, nhiều người gặp khó khăn, cuộc sống chật vật, hay như chị Thục - cả tuổi xuân cống hiến cho cuộc chiến tranh, chỉ mong có một đứa con nhưng không gặp được người chồng yêu thương. Chị đã trở thành người mẹ đơn thân trong sự chỉ trích, dè bỉu của người thân và làng xóm nên đã phải bỏ quê hương đi biệt tích.
Lại có nhiều anh chị em bị mất giấy tờ, không có ai xác minh nên chưa được hưởng chế độ... cuộc sống khó khan, thiếu thốn... Tất cả điều đó khiến tôi vô cùng xúc động và chạnh lòng. Vì thế, với trách nhiệm của một người lính, doanh nhân, mong mỏi lớn nhất của tôi là có sức khỏe tốt để làm được nhiều việc có ích, giúp được nhiều người, nhiều đồng đội có hoàn cảnh khó khăn và tôi nguyện sẽ mãi làm việc này cho đến khi cuối đời".