Nông sản Mỹ và Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng cao. Xu hướng này nhiều khả năng không giảm do nhu cầu của thị trường và những biện pháp hỗ trợ hàng nhập khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ vào Việt Nam năm 2009 đạt hơn 1 tỷ USD, tập trung vào sản phẩm: thịt, ngũ cốc, gỗ... Kim ngạch này tiếp tục giữ đà tăng cao, đồng thời xuất hiện một số mặt hàng mới có tốc độ tăng đáng quan tâm. Tính đến cuối tháng Tám, kim ngạch nhập khẩu đậu nành và bông đã đạt 48,1 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm, táo Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam đạt 2.8 triệu USD |
Riêng các chủng loại rau, quả nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt kim ngạch 10,5 triệu USD, tăng 49,1% so với cùng kỳ 2009 và rất đa dạng về chủng loại. So sánh về giá, trái cây nhập từ Mỹ cao hơn khá nhiều so với trái cây nội nhờ độ tin cậy về không dùng chất bảo quản và hàm lượng dinh dưỡng cao.
Gây bất ngờ không kém là hàng nông sản Trung Quốc. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập từ Trung Quốc tới gần 90 triệu USD rau, củ, quả các loại.
Nấm là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm, đạt 5,5 triệu USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch rau nhập khẩu, có tốc độ tăng cao nhất trong thời gian qua, tăng 53,4% so cùng kỳ năm 2009; cà chua tươi và cà chua chế biến cũng đạt mức trên 1 triệu USD; măng tây tăng đến 26,9%, măng tre (kim ngạch 161,4 ngàn USD) tăng 21,6%...
Riêng tăm tre nhập khẩu từ Trung Quốc về TP.HCM khoảng 286 tấn, trị giá gần 40.000USD.
Mức tăng trưởng hàng nông sản Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chưa dừng lại, mà còn có thêm cơ hội mở rộng quy mô đơn hàng và có thời gian thanh toán dài hơn, thông qua chương trình bảo đảm tín dụng xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp (GSM-102).
Ông Mark Rowse, Trưởng bộ phận tín dụng thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết, chương trình tín dụng GSM-102 sẽ bảo đảm 98% giá trị hợp đồng xuất, nhập khẩu nông sản cùng một phần lãi suất, thời gian trả nợ có thể kéo dài đến 2 năm rưỡi, riêng đối với thị trường Việt Nam là 1 năm.
Ông Mark Rowse cho rằng, GSM-102 sẽ làm tăng quy mô đơn hàng, cụ thể là sản lượng nông sản nhập khẩu. Doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng, nên không phải thanh toán ngay bằng tiền mặt, thời gian thanh toán dài với chi phí thấp hơn.
Hiện ngân hàng Sacombank là một trong bốn ngân hàng trong nước tham gia chương trình này, đã chọn cấp hạn mức bảo lãnh tín dụng xuất khẩu theo chương trình GSM-102 với tổng hạn mức là 20 triệu USD.