Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh phổ biến trên thế giới gần trăm năm qua. Tuy mới chỉ đến Việt Nam hơn chục năm, nhưng đây lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất thế giới với mức 49% trong năm 2013, theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh Ða cấp toàn cầu.
Hấp dẫn là vậy, nhưng những hệ lụy phát sinh từ ngành kinh doanh này trong thời gian qua cũng không phải là ít. Chính vì vậy, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2014 thay thế Nghị định cũ từ năm 2005 với kỳ vọng sẽ lấp đầy các kẽ hở về luật và giải quyết được tình trạng vi phạm trong kinh doanh đa cấp.
Điểm mới đáng ghi nhận nhất trong Nghị định 42 vừa qua là quy định về vốn pháp định 10 tỉ đồng, doanh nghiệp kinh doanh phải ký quỹ 5% vốn điều lệ, nhưng tối thiểu là 5 tỉ đồng trong ngân hàng. Quy định này phần nào sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh hợp pháp, nhưng sẽ giảm được đáng kể các công ty bán hàng đa cấp biến tướng mọc lên như nấm sau mưa. Theo luật cũ, doanh nghiệp chỉ cần ký quỹ 1 tỉ đồng và với mức tăng gấp 5 lần này sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh bất hợp pháp phải cân nhắc vì số tiền bỏ ra lớn hơn nhiều.
Thêm vào đó, theo Nghị định cũ thì Sở Thương mại (hiện nay là Sở Công Thương) tại các tỉnh phụ trách cấp giấy phép hoạt động cho các công ty đa cấp. Vì vậy, tình trạng công ty đa cấp vi phạm và bị rút giấy phép ở tỉnh này rồi qua tỉnh khác lập công ty mới diễn ra khá phổ biến.
Chẳng hạn, tháng 6/2006, Công ty Sinh Lợi đã bị Sở Công thương TP.HCM thu hồi giấy phép vì gian lận thương mại và lừa dối người tiêu dùng. Chưa đầy ba tháng sau, công ty này lại được thành lập mới tại Hà Nội với tên gọi Thiên Ngọc Minh Uy.
Để khắc phục tình trạng các doanh nghiệp “chạy lòng vòng” giữa các tỉnh, Điều 32 trong Nghị định mới quy định Cơ quan Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương có trách nhiệm cấp, sửa đổi, gia hạn, cấp lại và thu hồi Giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Như vậy, kể từ tháng 7/2014, các công ty đã từng có hoạt động phi pháp trong quá khứ sẽ không còn dễ dàng chạy qua các tỉnh khác do tất cả đầu mối đều quy về Bộ Công Thương quản lý.
Tuy nhiên, câu chuyện về những hệ lụy từ bán hàng đa cấp vẫn có thể sẽ gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian tới, dù nhiều hình thức vi phạm đã từng được đề cập. Cụ thể, Nghị định từ năm 2005 có quy định những hành vi cấm các công ty kinh doanh đa cấp thực hiện, như hành vi ép người tham gia hệ thống phân phối phải đặt cọc một số tiền hay phải mua một số lượng sản phẩm nhất định trước khi trở thành thành viên của Công ty.
Trên thực tế, vẫn có nhiều công ty lách luật và biến những người muốn tham gia bán hàng đa cấp thành người “tự nguyện” mua hàng, đóng nhiều khoản phí phát sinh. Vì “đâm lao thì phải theo lao”, nên nhiều người bị gài vào thế đã rồi đành tiếp tục con đường rủ rê người khác để mong có thể thu lại số tiền bỏ ra trước đó. Ngày càng nhiều người hiểu, nhưng thực tế các công ty đa cấp biến tướng lại vẫn “đàng hoàng” tồn tại cho đến bây giờ và chưa bị rút giấy phép.
Sở dĩ như vậy là do người Việt Nam ít có thói quen kiện tụng, cũng như chưa biết tìm đến cơ quan nào để giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi phạm pháp do người bị lừa hầu hết là sinh viên và người có hoàn cảnh khó khăn mong đổi đời nhanh chóng. Một vấn đề cũng rất quan trọng là thời gian giải quyết tranh chấp hay tố cáo rất lâu. Những điều này khiến cho việc đứng ra làm chứng các hành vi bán hàng đa cấp bất chính trở nên hiếm hoi khi người tiêu dùng chỉ tự bảo vệ bản thân mình bằng cách tránh xa các công ty đa cấp biến tướng.
Thêm vào đó, việc giám sát và quản lý của cơ quan hữu quan có vẻ như chưa được chặt chẽ khi mà có nhiều công ty vi phạm trong thời gian nhiều năm liền mới bị phát hiện, thậm chí có công ty chưa hề đăng ký kinh doanh đa cấp. Chẳng hạn, Công ty Cộng đồng Việt khi bị phát hiện vẫn chưa hề đăng ký cung cấp sàn giao dịch điện tử cũng như chưa đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp.
Tương tự, Công ty du lịch Xuyên Việt với hình thức đăng ký ban đầu đơn thuần chỉ là công ty du lịch, hay Công ty Tâm Mặt Trời hoạt động không phép. Các công ty này đều tự phát thực hiện kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Như vậy, có thể xác định rằng lỗ hổng nghiêm trọng cần khắc phục là hệ thống quản lý thị trường đã để lọt lưới những “con sâu” có những hoạt động kinh doanh lừa đảo trong cả thời gian dài.
Đáng chú ý hơn, có một quy định trong Nghị định mới hay cũ đều bị vi phạm mà chưa có sự chấn chỉnh của cơ quan giám sát. Cụ thể, Khoản 1 Điều 5 trong Nghị định 42 (mới) đã quy định rõ rằng công ty kinh doanh đa cấp không được thu phí tham gia hội thảo giới thiệu về công ty và cơ hội làm hệ thống phân phối cũng như thông tin về hàng hoá. Tuy nhiên, rất nhiều công ty trong ngành kinh doanh đa cấp vẫn thu khoản tiền này khi khách đến tham gia hội thảo giới thiệu ngay trong ngày đầu tiên, thường là 100.000 đồng mỗi người.
Như vậy, có thể thấy những hành vi vi phạm trong thời gian qua không phải là chưa có quy định trong Nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp, mà vấn đề là cơ chế giám sát các doanh nghiệp tuân thủ quy định đó như thế nào.
Nếu quy định chi tiết, mà giám sát và chế tài không đủ mạnh, thì liệu còn bao nhiêu công ty biến tướng mọc lên và còn bao nhiêu người phải gánh chịu hậu quả? Từ đó, ánh nhìn tiêu cực lên các công ty kinh doanh đa cấp chân chính dựa trên chất lượng sản phẩm là điều khó tránh khỏi.
>Bán hàng đa cấp: Tăng vốn 10 tỷ, hoa hồng còn 40%
>Sẽ cấm bán hàng đa cấp qua gian hàng trực tuyến
>15 doanh nghiệp bán hàng đa cấp ngừng hoạt động
>Bán hàng đa cấp hết đất sống?
>Trắng tay vì bán hàng đa cấp