Đồng yên Nhật đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng qua so với USD. Ảnh: Economic Calendar |
Mức sụt giảm mạnh của đồng bạc xanh so với yên Nhật là rất đáng chú ý, khi giá trị của cặp tỷ giá USD/JPY đã rớt về mức thấp nhất tính từ tháng 11/2016 đến nay.
Dù Cục dự trữ Liên bang Mỹ vẫn duy trì chính sách thu hẹp bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất cơ bản trở lại theo lộ trình đã đặt ra, tuy nhiên điều này dường như vẫn không hỗ trợ gì nhiều cho đồng USD trong thời gian qua. Chỉ số USD Index dùng để đo sức mạnh của đồng bạc xanh tiếp tục giảm xuống nếu so từ đầu năm đến nay, dù gần đây có tăng trở lại trước thông tin Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên các sản phẩm thép và nhôm.
Về cơ bản, giới phân tích cho rằng nước Mỹ đang muốn duy trì một đồng USD yếu để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nhằm cải thiện cán cân thương mại, bên cạnh việc gia tăng hàng rào kỹ thuật và tăng thuế nhập khẩu như vừa qua. Do đó, giới đầu tư tin rằng đồng USD sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian tới. Vì vậy không có gì khó hiểu khi đồng USD có thể tiếp tục mất giá so với các ngoại tệ khác nói chung và đồng yên nói riêng trong năm nay, sau khi đã giảm mạnh trong năm 2017.
Ở góc độ riêng của đồng yên Nhật thì với việc nền kinh tế nước này tiếp tục cải thiện, lạm phát có dấu hiệu tăng cũng sẽ hỗ trợ cho đồng tiền này. Thống kê gần đây cho thấy sức chi tiêu của hộ gia đình tại Nhật Bản trong tháng 1/2018 đã tăng 2% so với 1 năm trước đó, dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ của người dân nước này đang dần hồi phục. Quý 4/2017 vừa qua nền kinh tế nước này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 0,5%, ghi dấu chuỗi tăng trưởng dài nhất tính theo quý kể từ những năm 1980.
Hôm 9/3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo sẽ giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ, cho thấy quyết tâm đạt mục tiêu lạm phát 2% trong bối cảnh kinh tế đang duy trì đà tăng trưởng lâu nhất trong 28 năm qua. Theo đó, cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%, đồng thời mua lại trái phiếu chính phủ nhằm giữ lãi suất dài hạn ở mức 0%.
Link bài viết
Việc mua lại trái phiếu sẽ giúp tăng lượng trái phiếu BOJ nắm giữ lên mức 80.000 tỷ yen/năm, tương đương 750 tỷ USD/ năm, trong khi việc duy trì lãi suất âm đối với một số tài khoản của các cơ quan tàichính thuộc BOJ nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay.
Thông tin đáng chú ý là vào tuần trước Thống đốc BOJ - Haruhiko Kuroda - từng khẳng định sẽ thảo luận về việc chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa vào năm 2019 nếu lạm phát đạt mục tiêu 2%. Điều này cho thấy có vẻ như người đứng đầu BOJ đã bắt đầu nghĩ đến chuyện thu hẹp chính sách nới lỏng. Vì vậy đồng yên tiếp tục lên giá.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mà sau đó gây ra cuộc suy thoái tồi tệ thì hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã buộc phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và cung cấp các gói nới lỏng định lượng để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, hiện tại thì những ngân hàng trung ương lớn như FED, ngân hàng trung ương Anh, ngân hàng trung ương Canada đã tăng lãi suất trở lại. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đang tranh luận về việc sớm kết thúc chương trình mua trái phiếu của mình, chỉ còn BOJ là vẫn duy trì chính sách nới lỏng.
Dù vậy, với phát biểu của ông Kuroda cho thấy ngân hàng trung ương lớn cuối cùng trên thế giới sau cùng cũng đã suy nghĩ về việc bình thường hóa chính sách hoặc làm thế nào để bắt đầu thu hẹp quá trình mua tài sản và thay đổi tình trạng lãi suất cực thấp đã kéo dài nhiều năm.
Bên cạnh đó, với rủi ro đối với nền kinh tế ngày càng tăng lên thông qua dấu hiệu thị trường chứng khoán của Mỹ cũng như các thị trường tiền số trải qua những phiên giảm mạnh thời gian qua, trong khi lợi suất trái phiếu đi lên đang gây ra những lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới, thì những đồng tiền an toàn như yên Nhật hay franc Thụy Sĩ sẽ được nhà đầu tư ưa thích như là một tài sản an toàn.
Ngoài ra, rủi ro chiến tranh thương mại tăng lên nếu các quốc gia áp dụng các biện pháp trả đũa sau khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm có thể càng làm tăng bất ổn kinh tế toàn cầu.
Ngược lại, những quốc gia vay nợ bằng đồng yên nhiều như Việt Nam qua các khoản ODA hoặc các doanh nghiệp vay đồng yên có thể bị thiệt hại lớn khi yên tăng giá. Hiện tại đồng yên Nhật cũng đã tăng 5,6% so với VNĐ trong hơn 2 tháng qua và nếu đồng yên tiếp tục đi lên trên thị trường thế giới thì rủi ro từ việc đồng yên tăng giá là cần phải tính đến.