Khó khăn thách thức chờ đợi phía trước
Dự báo năm 2023, kinh tế sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, thậm chí sâu và rộng hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy cái nhìn không mấy tích cực về tình hình chung của kinh tế thế giới. Bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc IMF nhận định, 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023 từ 2,9% xuống còn 2,7%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,1%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2022 và sẽ chậm lại ở mức 2,2% vào năm 2023.
Cũng theo IMF, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tránh được suy thoái nhưng việc suy yếu là khó tránh. Trong khi nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ rơi vào suy thoái, GDP sẽ giảm 0,5% vào năm 2023. Năm 2022, lần đầu tiên sau 40 năm, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Với kinh tế Việt Nam, mức tăng trưởng 8,02% của kinh tế Việt Nam là một kết quả đáng kinh ngạc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2022. Sau nửa đầu năm ghi nhận bức tranh tươi sáng khi hầu hết chỉ báo đều cho thấy sự tích cực, tuy nhiên 6 tháng cuối năm là một câu chuyện khác, kinh tế Việt Nam phải chống chọi với những yếu tố tiêu cực đến từ bên trong lẫn bên ngoài.
Năm 2023, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ bị chi phối bởi suy thoái của các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối.
Ngoài ra, sẽ phải chịu những tác động của thị trường vốn do bất ổn, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu xáo động đang khiến doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn thanh khoản và bế tắc vốn đầu tư kinh doanh, áp lực trả nợ trái phiếu 2023 tiếp tục nặng gánh...
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tích cực về nền kinh tế Việt Nam năm 2023, tăng trưởng có thể sẽ đạt 6,7% và sẽ là nét tươi sáng hiếm hoi trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,2%. Dù vậy, còn đó những khó khăn, thách thức mà các đối tác sẽ mang tới cho nền khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Những "cơn gió ngược" với kinh tế Việt Nam
Nhưng vẫn còn đó những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, của thị trường vốn, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng, khả năng chống chịu của nền kinh tế... và nhiều vấn đề khác đặt ra nhiệm vụ rất lớn và khó khăn cho năm 2023.
Nhận diện về những "cơn gió ngược" với nền kinh tế Việt Nam, trong phát biểu tại tọa đàm Dự báo kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, hiện nay nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. "Những gì chúng tôi lo lắng từ hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế. Nên điểm xấu của lãi suất, tín dụng cuối năm nay chúng ta lo lắng thì năm sau sẽ được tháo gỡ."
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 được xem là một hiện tượng, đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Tuy nhiên, những diễn biến tiêu cực từ nền kinh tế là thị trường chính của hàng hóa Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn.
Lạm phát toàn cầu năm 2023 được dự báo giảm nhanh nhưng lạm phát Việt Nam lại được dự báo sẽ cao trong năm 2023. Chính phủ cũng đưa ra mức lạm phát 5% năm 2023, trong khi các năm trước chỉ là 4%. Và như đã nói ở trên, có thể 1/3 nền kinh tế trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Doanh nghiệp nỗ lực vượt "cơn gió ngược" và ánh sáng cuối đường hầm
Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, ngoài việc trông chờ vào những chính sách, chủ trương từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực để "vượt cơn gió ngược". "Hiện VCCI đã có kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, mới nhất, trong văn bản góp ý nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ”, ông Thành phát biểu.
Các doanh nghiệp phải có xây dựng kịch bản sẵn sàng đối phó với những khó khăn một cách linh hoạt, thay đổi phương pháp trong tiếp cận khách hàng, bán hàng, quản trị, tìm kiếm thị trường mời...
Theo ông Lâm Minh Chánh - chuyên gia tài chính, Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni cho biết, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vấn đề lớn chưa phải là tài chính mà là marketing, bán hàng, nếu bán hàng được thì sẽ ổn định hơn. Đặc biệt, theo dõi sẽ thấy ngành xuất khẩu nông sản năm nay vẫn tốt, có một số doanh nghiệp thấy khó khăn đã chuyển lên Amazon và có thể xuất khẩu tốt. Do đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc bán hàng có chiến lược kinh doanh tốt rất quan trọng.
Về quản trị tài chính cũng là bài toán cũ, chúng ta ở thế là công ty khởi nghiệp vừa và nhỏ phải hết sức tiết kiệm, luôn phải có "lương khô” và quan trọng trong tài chính là giảm chi phí cố định, tăng chi phí biến động bởi vì khi rủi ro xảy ra thì chi phí cố định là một khoản rất lớn.
Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI TP.HCM cho rằng, các cơ quan chức năng nên có định hướng cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới có lợi thế hơn. Ngoài ra, cần tận dụng các chương trình kích cầu nội địa và xúc tiến thương mại, hướng tới thị trường nội địa bằng cách tăng cường tiếp thị quảng bá cho các hội chợ...
Trung Quốc bắt đầu cho thấy sự nới lỏng với chính sách phòng, chống Covid-19. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mới đây thông báo, nước này bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 8/1/2023. Đây có thể nói như "ánh sáng cuối đường hầm" với nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm những thị trường mới, nguồn khách hàng mới.