Nỗ lực hạ nhiệt khủng hoảng dầu bất thành của ông Biden

Tùy Phong| 19/07/2022 09:00

Đến Arab Saudi để tìm lời đáp cho bài toán khủng hoảng dầu đang khiến giá nhiên liệu tăng chóng mặt, song nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như bất thành.

Nỗ lực hạ nhiệt khủng hoảng dầu bất thành của ông Biden

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, ông Biden đã ra về "tay trắng" sau chuyến công du 4 ngày ở Trung Đông.

Theo CNN, trước chuyến công du đến Arab Saudi, Tổng thống Mỹ đã lường trước việc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bỏ qua loạt chỉ trích để đến thăm nơi mà bản thân từng tuyên bố sẽ trừng phạt vì vi phạm nhân quyền, ông Biden đặt cược rằng chuyến thăm này có thể mở đường xoa dịu các mối quan hệ căng thẳng cũng như tái khẳng định với các lãnh đạo Arab về việc Mỹ vẫn gắn bó với an ninh và ổn định khu vực.

Hơn nữa, chuyến công du Trung Đông còn là nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt khủng hoảng dầu đang khiến giá xăng dầu tại Mỹ tăng chóng mặt. Theo đó, việc tiến hành ngoại giao với Arab Saudi và các đồng minh khác ở Trung Đông được xem là một trong số ít lựa chọn mà ông Biden có thể thực hiện để giảm bớt tình trạng lạm phát.

Dù vậy, sau cuộc gặp với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đã không có bất kỳ thông báo chính thức nào về việc tăng sản lượng dầu được đưa ra. Khi được hỏi về điều này, Tổng thống Mỹ cho rằng các lãnh đạo khu vực sẽ sớm hành động khi cuộc họp tiếp theo của OPEC+ diễn ra vào tháng 8/2022.

Tuy nhiên, đây không phải là nhận định của giới quan sát. Thái tử Mohammed cách đây 3 ngày nói Arab Saudi sẽ cam kết "thực hiện vai trò của mình trong lĩnh vực" an ninh năng lượng, nhưng chỉ bổ sung hơn 1 triệu thùng dầu ra thị trường mỗi ngày và không thể vượt 13 triệu thùng/ngày, vì đây là mức tối đa có thể khai thác.

Dù cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hochstein tin rằng các nước vùng Vịnh sẽ tăng sản lượng dầu sau chuyến công du, song vị này không nêu cụ thể nước nào sẽ tăng sản lượng hay tăng bao nhiêu. Trên thực tế, chưa quốc gia vùng Vịnh nào công khai tuyên bố sẽ tăng khai thác dầu như tuyên bố của Hochstein.

Bên cạnh đó, các mục tiêu khác trong chuyến thăm dường như cũng không đạt kết quả. Trong chặng đầu chuyến công du ở Israel, ông Biden tuyên bố sẽ đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân và tin rằng ngoại giao vẫn là con đường tốt nhất để ngăn Tehran thực hiện tham vọng này.

Tổng thống Mỹ đang nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump đã rút cách đây 4 năm. Tuy nhiên, hy vọng về một thỏa thuận đang mờ dần và Tổng thống Mỹ thừa nhận "không thể chờ đợi mãi" phản ứng từ lãnh đạo Iran. Phía Israel cũng hoài nghi với chính sách ngoại giao của Mỹ.

"Lời nói sẽ không ngăn được họ. Điều duy nhất có thể ngăn chặn Iran là cho thấy nếu họ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, thế giới tự do sẽ sử dụng vũ lực. Cách duy nhất để ngăn họ là đặt một mối đe dọa quân sự đáng tin cậy lên bàn đàm phán", Thủ tướng Israel Yair Lapid nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Yair Lapid tại cuộc họp ở Jerusalem hôm 14/7. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Yair Lapid tại cuộc họp ở Jerusalem hôm 14/7. Ảnh: AFP.

Theo François Picard - bình luận viên của Daily Beast, một mục tiêu nữa mà ông Biden nhắm đến trong chuyến công du là thuyết phục Arab Saudi ủng hộ Ukraine, và tham gia với phương Tây trong nỗ lực tăng sức ép với Nga.

Trong khi đó, Zhu Weilie - Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng chuyến thăm lần này ông Biden đã không đạt kết quả nào, khi không có cam kết nào về tăng sản lượng dầu mỏ cũng như không thể thúc đẩy các nước đoàn kết để kiềm chế Iran hay đối đầu với Nga.

Trên thực tế, sau khi ông Biden liên tục chỉ trích Nga trước và trong chuyến đi, Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan ngày 16/7/2022 cho biết Riyadh sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với các bên. "Mỹ vẫn là đối tác chiến lược chính của chúng tôi, nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi không thể phát triển quan hệ mạnh mẽ với các nước khác trên thế giới. OPEC+, sẽ phản ứng theo các điều kiện thị trường và sẽ tiếp tục đánh giá tình hình", ông Farhan nói.

Theo Weilie, rất khó để gạt Nga ra khỏi Trung Đông, không chỉ bởi Moskva có hiện diện mạnh mẽ ở đó, mà còn vì nước này chia sẻ mối quan hệ năng lượng chặt chẽ với các nước trong khu vực (Nga cũng thuộc OPEC+)"Chuyến công du Trung Đông của ông Biden thậm chí còn gửi tín hiệu báo động đến các nước khu vực, khi họ lo ngại nguy cơ bị kéo vào xung đột lớn hơn giữa các cường quốc", Zhu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗ lực hạ nhiệt khủng hoảng dầu bất thành của ông Biden
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO