Nỗ lực cho những tháng cuối năm

Quốc Minh| 31/10/2019 06:00

Quốc hội khóa XIV vừa khai mạc kỳ họp thứ 8 tuần qua tại thủ đô Hà Nội, với kỳ vọng đây là năm thứ hai liên tiếp, Chính phủ thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội ước đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu chủ yếu do Quốc hội giao.

Nỗ lực cho những tháng cuối năm

Kỳ họp Quốc hội diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến khó lường, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro; ở trong nước, vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, và những tác động không thuận lợi khác... 

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm. Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp, các chỉ tiêu về KT-XH ước sẽ đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020. 

Công tác điều hành của Chính phủ được các đại biểu đánh giá tiếp tục có nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt, hiệu quả, chú trọng vào xử lý nhiều vấn đề lớn, dài hạn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản cho phát triển, khích lệ đổi mới sáng tạo trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc tại các vùng kinh tế trong cả nước, nhiều hội nghị chuyên đề lớn, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại các địa phương, ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn trong cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, đầu tư xây dựng, giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hội nhập quốc tế...

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 vẫn còn nhiều điểm nghẽn, tạo sự cản trở đối với tăng trưởng chung. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa kịp thời và đồng bộ trong khi việc thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm túc; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp... Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề...

Với nhận định trong năm 2020, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp tới việc bảo đảm bền vững của nước ta. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến do các yếu tố địa chính trị và thương mại quốc tế, thường xuyên đánh giá đầy đủ các rủi ro bên ngoài, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và đưa ra các phương án dự phòng để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, tránh gây bất ổn cho nền kinh tế.

Đi vào hai lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và thương mại, các đại biểu cho rằng, dù sản xuất công nghiệp đã đạt kết quả cao, trong đó công nghiệp ô tô có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc nội địa hóa, thực hiện liên kết sản xuất một số sản phẩm sản xuất trong nước và hỗ trợ thị trường từ các dự án lớn, còn nhiều hạn chế. Các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chậm phát triển, chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trong khi việc phát triển thương hiệu quốc gia, sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam chưa phát huy hiệu quả. Do đó, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp lớn và dài hạn để khắc phục tình trạng này.

Ở lĩnh vực thương mại, các đại biểu cho rằng, dù cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao cả về xuất khẩu và nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong kế hoạch KT-XH năm 2020, Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp tích cực vào xuất khẩu trong thời gian qua để có kế hoạch sát thực tiễn hơn.

Điều đáng mừng, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 403,05 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018. Với tổng trị giá 403,05 tỷ USD trong 9,5 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 42,43 tỷ USD. Để cán mốc 500 tỷ USD trong 2,5 tháng cuối của năm nay, cả nước cần đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 96,95 tỷ USD. Nhìn vào kết quả đã thực hiện và mục tiêu sắp tới, mục tiêu đạt kim ngạch 500 tỷ USD của Việt Nam trong năm nay hoàn toàn khả thi.

Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019. Tuần qua, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH thành phố quý IV/2019. Một số nội dung trọng tâm được đặt ra như: Tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2019 để đẩy mạnh tiến độ thực hiện 7 chương trình đột phá, 19 nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Thành ủy đang giám sát và 10 đề án trọng tâm. UBND TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu Công nghệ cao (quận 9), Thảo Cầm Viên mới (huyện Củ Chi). UBND TP.HCM cũng yêu cầu các bộ phận, cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo các báo cáo, tờ trình phục vụ các kỳ họp của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và các kỳ họp của HĐND TP.HCM trong những tháng còn lại của năm 2019.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, những năm qua tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP.HCM đã giảm từ 33% xuống còn 18% trên tổng thu ngân sách. Con số này chưa phù hợp với thực tế, khi ngân sách sử dụng cho các mục tiêu phát triển, đầu tư hạ tầng thành phố ngày càng cao. UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài chính lập đề án cụ thể, căn cứ trên những cơ sở khoa học, điều kiện thực tế để kiến nghị Trung ương phân bố lại tỷ lệ ngân sách hợp lý hơn cho TP.HCM. Vấn đề thu ngân sách năm 2019 của TP.HCM cũng được đặt ra. 9 tháng đầu năm, TP.HCM thu được 74% kế hoạch ngân sách được giao, so với cùng kỳ là tốt, nhưng chỉ tiêu thu nội địa còn nhiều vấn đề cần giải pháp mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND 24 quận, huyện bám theo chủ đề năm là cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội để đánh giá lại những vấn đề tồn tại, cần tập trung quyết liệt trong chỉ đạo điều hành trong những tháng cuối năm. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nêu quan điểm của Thành phố là không nhân nhượng, phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.

Chỉ còn hai tháng nữa là khép lại năm 2019. Đây là giai đoạn nước rút mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực, khẩn trương để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ KT-XH của năm, với niềm tin hoàn thành về đích thắng lợi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗ lực cho những tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO