Những tín hiệu thắt chặt tiền tệ đầu tiên nhằm tránh lạm phát, bong bóng tài sản

Lê Phan| 05/03/2021 06:00

Nỗi lo về nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản đã khiến động thái thắt chặt chính sách dần trở lại. Hành động rút tiền vào cuối tháng 1 vừa qua của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có lẽ chỉ là màn dạo đầu báo hiệu cho lộ trình thắt chặt sắp tới.

Trung Quốc khởi động

Giữa trung tuần tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) bất ngờ bơm vào thị trường 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 31 tỷ USD, thông qua các khoản cho vay trung hạn (MLF) với kỳ hạn 1 năm. Khoản vốn này giúp gia tăng tính thanh khoản trên thị trường, giảm bớt áp lực lên các ngân hàng thương mại. PBoC cũng bơm thêm 20 tỷ nhân dân tệ thông qua các hợp đồng Repo ngược kỳ hạn 7 ngày.

Đây là động thái đảo ngược chính sách trước đó, khi vào ngày 26/1/2021 PBoC đã đột ngột rút 12 tỷ USD khỏi thị trường thông qua các hoạt động trên thị trường mở khi lo ngại tăng cao về cơn sốt đầu tư có thể dẫn đến bong bóng trên thị trường tài chính. Ngay sau đó, lãi suất Repo qua đêm trên thị trường tại cuối tháng 1/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2015 và ghi nhận tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2010.

bai-3-bank-TQ-8888-1614309743.jpg

Động thái bơm thêm tiền vào thị trường cho thấy PBoC không vội gỡ bỏ các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù nhiều lãnh đạo nước này vẫn lo ngại về tình trạng thanh khoản quá dồi dào. Dù vậy, nỗi lo ngại về nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản dường như đã xuất hiện trong suy nghĩ của các nhà quản lý, từ đó có thể mở đường cho các động thái thắt chặt chính sách dần trở lại, mà hành động rút tiền vào cuối tháng 1 vừa qua chỉ là màn dạo đầu báo hiệu cho lộ trình thắt chặt sắp tới.

Trước đó vào giữa tháng 1/2021, PBoC cũng đã rút 40,5 tỷ nhân dân tệ khỏi hệ thống tài chính, đánh dấu lần rút tiền đầu tiên trong 6 tháng, sau khi thanh khoản dư thừa đẩy lãi suất cho vay liên ngân hàng xuống thấp kỷ lục. Động thái rút tiền này cũng cho thấy “kỷ nguyên siêu nới lỏng tiền tệ” có thể sắp kết thúc. Chính sách này giúp phục hồi tâm lý trên thị trường tín dụng và trái phiếu Chính phủ Trung Quốc nhưng lại kéo theo nhiều rủi ro, gia tăng đòn bẩy nợ trong hệ thống tài chính.

Phương Tây có tiếp bước?

Tại Mỹ, dù Ủy ban Ngân sách Hạ viện Quốc Hội Mỹ mới đây đã phê chuẩn gói 1.900 tỷ USD cứu trợ dịch bệnh Covid-19 của Tổng thống Joe Biden, yếu tố thúc đẩy giá vàng phục hồi trở lại, cho thấy chính sách tài khóa của nước này tiếp tục mở rộng, nhưng đồng thời chính sách tiền tệ cũng đang chịu những áp lực thắt chặt trở lại.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ gần đây đã tăng vọt, với kỳ hạn 10 năm tăng thêm gần 50 điểm cơ bản tính từ đầu năm đến nay, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng một năm qua. Diễn biến này khiến giới đầu tư lo ngại lãi suất trong nền kinh tế đang và sẽ từng bước tăng trở lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không tiếp tục bơm thanh khoản mạnh để hỗ trợ nền kinh tế nữa. Lợi suất trái phiếu tăng cũng có thể kéo theo lãi suất cho vay mua nhà và vay ký quỹ tăng lên tương ứng.

Trước đó vào giữa tháng 1, PBoC cũng đã rút 40,5 tỷ nhân dân tệ khỏi hệ thống tài chính, đánh dấu lần rút tiền đầu tiên trong 6 tháng, sau khi thanh khoản dư thừa đẩy lãi suất cho vay liên ngân hàng xuống thấp kỷ lục. Động thái rút tiền này cũng cho thấy “kỷ nguyên siêu nới lỏng tiền tệ” có thể sắp kết thúc.

Hiện tại FED đang chịu sức ép từ phía Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Hạ viện là không nên can thiệp quá mạnh vào thị trường trái phiếu, thậm chí có thể đối mặt với sức ép buộc phải rút tiền ra như Trung Quốc. Trong ngày 23/2/2021, Chủ tịch FED Jerome Powell có phiên điều trần trước Quốc Hội về báo cáo tiền tệ định kỳ và thị trường sẽ chú ý về quan điểm của FED liệu có tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hay sớm thắt chặt trở lại. 

Hiện cơ quan này vẫn đang duy trì lãi suất chuẩn gần bằng 0% bên cạnh chương trình mua tài sản tối thiểu ở tốc độ hiện tại là 120 tỷ USD mỗi tháng. FED từ trước đến nay vẫn cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm trong khi không có bằng chứng về áp lực lạm phát quá mức có thể khiến nhiều người dân Mỹ mất cơ hội một cách không chính đáng.

Trong khi đó bên kia Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang kêu gọi các quốc gia G20 tiếp tục duy trì chính sách tài khóa nới lỏng nhằm trợ giúp phục hồi vĩ mô, tránh kết thúc sớm chính sách trong bối cảnh nhiều rủi ro tiềm ẩn tới từ dịch bệnh. Hiện tại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn đang duy trì lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lần lượt ở mức 0,00%, 0,25% và -0,50%. 

Hồi cuối năm 2020, ECB cũng đã quyết định mở rộng chương trình kích thích tiền tệ khổng lồ của mình thêm 500 tỷ euro (605 tỷ USD), đồng thời mở rộng thời gian mua theo chương trình mua tài sản khẩn cấp vì đại dịch (PEPP) đến tháng 3/2022. Các khoản tái đầu tư vào tài sản đáo hạn từ chương trình này cũng đã được gia hạn cho đến cuối năm 2023, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng cơ quan này sẽ kết thúc chương trình mua sớm hơn thời hạn nếu nhận thấy những rủi ro lạm phát gia tăng trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những tín hiệu thắt chặt tiền tệ đầu tiên nhằm tránh lạm phát, bong bóng tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO