Những quyển sách truyền cảm hứng cho ngày 8/3

Thùy Chi| 07/03/2020 09:30

Dù bạn xem Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là một dịp để tặng quà và nói lời yêu thương với những người phụ nữ xung quanh, hay là một ngày kỷ niệm trong chuỗi ngày đấu tranh cho nữ quyền, thì chắc chắn việc chọn đọc vào dịp này ít nhất một trong 4 cuốn sách tràn đầy cảm hứng dưới đây cũng sẽ là trải nghiệm thú vị.

Những người phụ nữ thay đổi thế giới: Chân dung 25 người phụ nữ cùng đàn ông gây dựng thế giới

04-8102-1583507823.jpg

Một cuốn sách tuyệt đẹp và ngập tràn màu sắc viết về 23 người phụ nữ truyền cảm hứng trong lịch sử

Những người phụ nữ thay đổi thế giới được thực hiện bởi nhiều tác giả, trong đó có cố vấn lịch sử Lucinda Hawksley - một tác giả chuyên viết tiểu sử và là giảng viên đại học. Sách viết về 25 người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, từ nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập, Hai Bà Trưng của Việt Nam, hay Murasaki Shikibu - tác giả của Truyện kể Genji - cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới… cho đến nhà khoa học đoạt hai giải Nobel cho hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau - Marie Curie, nữ phi công đầu tiên bay vượt Thái Bình Dương một mình - Amelia Earhart, nhà đấu tranh chống phân biệt chủng tộc - Rosa Parks, nữ phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ - Valentina Tereshkova, cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ - Michelle Obama…

Cuốn sách chỉ ra rằng, không một trở ngại nào có thể ngăn phụ nữ dấn bước trên con đường của riêng họ, dẫu đó là định kiến, là sự phân biệt giới tính, bất hợp tác, hay chiến tranh, thậm chí cả những giới hạn thuộc về tự nhiên: không gian to lớn và bí hiểm ngoài vũ trụ cũng chưa bao giờ có thể gây cản trở cho phụ nữ hơn so với đàn ông, hoặc chính những người phụ nữ chưa bao giờ để cho điều đó xảy ra, bất chấp muôn vàn khó khăn mà họ phải đương đầu mỗi ngày, ở bất cứ đâu.

Chất Michelle: “Tôi là một con người bình thường tham gia vào một chuyến hành trình phi thường”

02-4831-1583507823.jpg

Một cuốn sách thể hiện rõ chân dung Michelle Obama

Chất Michelle (Becoming) là cuốn hồi ký của cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ - Michelle Obama. Trong cuốn hồi ký này, Michelle đã kể lại câu chuyện cuộc đời bà, từ khi còn là một cô bé sống cùng gia đình trong một căn nhà nhỏ ở Chicago, cho tới khi trở thành sinh viên ngành luật của đại học Havard, con đường sự nghiệp nhiều khúc quanh và 8 năm trên cương vị Đệ nhất Phu nhân.

Không chỉ cung cấp những thông tin phong phú về chính trường nước Mỹ như hồi ký của các nhân vật chính trị trước đó, những sự kiện lần đầu công bố trong 8 năm Tổng thống Barack Obama lãnh đạo đất nước, cuốn hồi ký này đặc biệt hơn thế. Bên cạnh công việc, khát vọng riêng của bản thân, Michelle cũng là một người vợ, một người mẹ với hai cô con gái tuổi vị thành niên, cũng có những trải nghiệm lần đầu, những lúng túng nhất định như bất kỳ một người vợ, người mẹ nào trên đời. Bởi vậy Chất Michelle (Becoming) thể hiện trọn vẹn con người Michelle Obama một cách chân thực nhất - một cô gái da màu với nỗ lực và ý chí không ngừng nghỉ, khát vọng vươn lên, bản lĩnh hiếm có trên hành trình khẳng định bản thân đầy cảm xúc.

Với thông điệp “thành công không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là sự khác biệt bạn tạo nên cho cuộc sống của những người khác”, Chất Michelle (Becoming) chắc chắn là cuốn sách truyền cảm hứng tuyệt vời cho mọi người phụ nữ.

Con gái bà Triệu thế kỷ 21: Chuyện về những người phụ nữ Việt Nam ghi dấu ấn

03-6452-1583507823.jpg

Cuốn sách phác họa chân dung những người phụ nữ Viêt Nam

Một cuốn sách về những người phụ nữ Việt Nam được viết bởi hai người phụ nữ, một nữ doanh nhân Việt Nam - Đỗ Thùy Dương và một phụ nữ người Áo - Irene Ohler. Cuốn sách hơn hai trăm trang này được chia làm ba phần. Phần đầu giới thiệu về sự ra đời của cuốn sách, phần tiếp theo là “tự suy ngẫm” của hai tác giả và phần quan trọng nhất là 20 câu chuyện về thành công, thử thách và bài học cuộc sống.

Ở cuốn sách này, bạn sẽ gặp những gương mặt phụ nữ nổi tiếng như nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà thiết kế thời trang Đặng Thị Minh Hạnh, ca sĩ Mỹ Linh, những doanh nhân hoặc nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội, nhà báo… như Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam - bà Đàm Bích Thủy, Tổng biên tập báo Người Lao Động - bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Điều hành Adayroi.com - bà Lê Hoàng Uyên Vy… Bạn sẽ được biết những câu chuyện của họ đã trải qua, bao gồm cả những khó khăn… trên con đường xây dựng sự nghiệp, cách họ làm được những điều đã làm, đạt được những điều họ đã đạt sẽ gây ấn tượng, không riêng phái nữ. Vậy nên, câu chuyện về họ có thể truyền cảm hứng cho bất kỳ ai.

Nhật ký Anne Frank: “Một cuốn sách thật sự đặc biệt” (The New York Times)

01-9711-1583507823.jpg

Nhật ký Anne Frank, cuốn sách vượt thời gian được viết bằng suy tư trong trẻo

“Trong số hàng triệu tiếng nói nay đã lặng câm, tiếng nói của Anne Frank không to hơn tiếng thầm thì của con trẻ… Tiếng nói ấy vang vọng lâu hơn, xa hơn tiếng la hét của lũ đồ tể và nó bay vút lên cao, vượt qua cả thời gian”, theo Lời bạt (cuối sách).

Với ước nguyện “được tiếp tục sống ngay cả sau khi đã chết đi”, Anne Frank đã viết cuốn nhật ký này để ghi lại những tháng ngày cùng gia đình và một số người thân thiết ẩn mình trốn tránh những cuộc săn lùng người Do Thái của Đức Quốc Xã. Tám con người sống im lặng trong một căn phòng bí mật ngay phía trên văn phòng làm việc của cha Anne, trong khi việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường ở văn phòng bên dưới, và ngay bên ngoài căn nhà đó, châu Âu vần vũ đảo điên trong biến động chính trị và những cuộc tắm máu.

Anne chỉ là một cô bé khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn nhật ký (và vẫn chỉ là một cô bé ngay cả vào lúc qua đời - ở tuổi mười sáu). Thật khó để nói rằng Anne và những dòng nhật ký này đại diện cho phụ nữ, hướng tới phụ nữ, hay những điều “nghe có vẻ” nữ quyền như vậy. Thế nhưng, những con chữ trong trẻo đầy suy tư, cảm động, hài hước, những miêu tả của Anne trong cuốn nhật ký này là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm, một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.

Cuốn sách được dịch từ bản tiếng Anh bởi dịch giả Đặng Kim Trâm - em gái của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, nữ bác sĩ trẻ đã hy sinh trên chiến trường Quảng Ngãi và cũng đã để lại một cuốn nhật ký “trong đó có lửa” vẫn thường được so sánh với Nhật ký Anne Frank. Với niềm cảm thương và kính phục, dịch giả đã nhắn nhủ đến người đọc: “Đó là tình yêu cuộc sống và khát vọng tự hoàn thiện mình. Bạn trẻ, bạn hãy đọc cuốn sách này đi. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại cho bạn một chút gì đó trên đường đời”.

Bốn cuốn sách, bốn phong cách viết, tác giả khác nhau, những tháng năm, thời đại khác nhau, nhưng họ đã luôn là những người phụ nữ khiến người đọc phải ngưỡng mộ. Họ đã phá bỏ mọi giới hạn để chứng minh cho tiềm năng to lớn của phụ nữ nói riêng và nhân loại nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những quyển sách truyền cảm hứng cho ngày 8/3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO