Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đánh giá của bộ này, Luật Quản lý thuế hiện hành dù đã sửa đổi và bổ sung ba lần nhưng chưa đảm bảo được cơ sở pháp lý cho việc chuyển hẳn sang áp dụng quản lý thuế điện tử.
Theo Bộ Tài chính, điểm thay đổi căn bản của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là một chương về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, bao gồm quy định cơ quan quản lý thuế phải xây dựng được trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử. Trung tâm này sẽ là nơi tiếp nhận, kiểm soát hồ sơ thuế và kiểm tra tự động, trả thông báo tự động cho người nộp thuế. Trong tờ trình này, Bộ Tài chính nêu 7 giải pháp để quản lý thu thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT).
Tuy nhiên, Dự thảo Tờ trình có một số giải pháp khó khả thi, như yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khai báo, nộp thuế nhà thầu hay yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa. Cạnh đó, giải pháp thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với hàng hóa chuyển phát nhanh qua biên giới với mỗi sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên là không khả thi.
Từ năm 2016, TMĐT của Việt Nam chuyển sang giai đoạn thứ ba với nét nổi bật là phát triển nhanh và ổn định. Trong giai đoạn này, giao dịch trực tuyến tăng cả về số lượng lẫn giá trị. Do đó, pháp lý về quản lý thuế TMĐT cần xem xét 5 nội dung.
Thứ nhất, quản lý thuế gắn với thúc đẩy phát triển TMĐT. Quy mô bán lẻ trực tuyến của Việt Nam còn rất thấp. Theo ước tính của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, năm 2016 doanh thu bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam khoảng 5 tỷ USD. Rất khó thu thuế các hộ gia đình, cá nhân bán hàng trực tuyến, và doanh thu từ đối tượng này chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến.
Đến nay, một trong các trở ngại lớn nhất của TMĐT nước ta là lòng tin của người tiêu dùng vào mua sắm trực tuyến. Việc khuyến khích những công ty kinh doanh có uy tín bán hàng trực tuyến sẽ góp phần tạo ra nhiều khách hàng hơn. Chính sách quản lý thuế không nên đặt mục tiêu tận thu, ngược lại cần thúc đẩy, tạo nguồn thu từ kinh doanh trực tuyến.
Thứ hai, quản lý thuế không gây trở ngại cho người nộp thuế. Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi riêng cho TMĐT. Do vậy, việc chậm thu thuế đối với lĩnh vực này mang lại hiệu ứng phụ, gián tiếp tạo ra ưu đãi. Dù có ưu đãi gián tiếp nhưng quy mô giao dịch còn nhỏ, chưa hình thành những công ty TMĐT lớn mạnh. Cơ quan quản lý thuế không nên thu thuế đối với TMĐT bằng các giải pháp và công cụ truyền thống, không nên gây ra những trở ngại mới làm hạn chế đà tăng trưởng của lĩnh vực này.
Việc bổ sung vào Luật Quản lý thuế một chương về giao dịch điện tử, bao gồm quy định cơ quan thuế phải xây dựng trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử là một trong những điều kiện cần để thu thuế kinh doanh trực tuyến. Khi chưa có điều kiện cần này, chưa nên triển khai đại trà thu thuế điện tử trên phạm vi cả nước.
Thứ ba, cần tính toán kỹ hiệu quả kinh tế - xã hội của việc quản lý thuế TMĐT. Chi phí bỏ ra để thu thuế phải thấp hơn đáng kể so với số thuế thu được là một trong các tiêu chí quan trọng cần tính tới khi thu thuế TMĐT. Nên rút bài học từ việc Chính phủ bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô hai bánh và ba bánh, xe gắn máy và các loại xe thô sơ vào tháng 6/2016, do cách thức thực hiện nhiều bất cập dẫn đến việc thu phí đạt hiệu quả thấp.
Thứ tư, thu thuế gắn với không thanh toán tiền mặt. Mua bán trực tuyến không dùng tiền mặt là một điều kiện cần khác đối với quản lý thu thuế. Mọi biện pháp hành chính để áp đặt giao dịch không dùng tiền mặt là không khả thi. Việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ có thể đạt được khi cả bên mua lẫn bên bán thấy thuận lợi và hiệu quả hơn khi dùng tiền mặt.
Do đó, sự phối hợp liên ngành để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý thuế. Chừng nào tỷ lệ thanh toán khi nhận hàng còn cao, việc thu thuế đối với mua bán trực tuyến còn chưa hiệu quả.
Thứ năm, việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, dù mức độ thanh toán trực tuyến của họ chưa cao là tương đối thuận lợi và minh bạch. Khi phần lớn sản phẩm được doanh nghiệp bán trực tuyến thì việc thu thuế TMĐT đối với loại hình kinh doanh hộ gia đình và cá nhân sẽ giảm đi.
(*) Tác giả là Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam