Ngày 29-6 vừa qua, khoa Thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi hội thảo mang chủ đề "Lịch sử thành công của ngành công nghiệp cá rô phi và xu hướng phát triển của thị trường thủy sản Hoa Kỳ" với phần thuyết trình chính của Giáo sư Kevin M. Fitzsimmons, Chủ tịch Hiệp hội cá rô phi thế giới, Giám đốc Chương trình hợp tác nông nghiệp quốc tế của ĐH Arizona, Mỹ (The University of Arizona).
Tham dự chương trình còn có nhiều chủ doanh nghiệp ngành thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Buổi hội thảo đã đưa ra ý tưởng và một số giải pháp để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu cá rô phi chủ lực trong tương lai.
Tiềm năng lớn từ nhu cầu trên thế giới
Theo số liệu nghiên cứu trong phần trình bày của Giáo sư Kevin M. Fitzsimmons, trong vòng 20 năm qua, sản lượng cá rô phi trên toàn thế giới đã tăng từ 500 ngàn tấn/năm lên đến 4 triệu tấn/năm vào năm 2011, trong đó phần tăng chủ yếu là đến từ cá nuôi.
Tại nước Mỹ, cá rô phi từ vị trí thứ 10 năm 2001 trên bảng xếp hạng các loại thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất đã giành được vị trí thứ 4 trong năm 2011, trong đó 98% lượng cá đến từ nhập khẩu. Năm 2011, Mỹ đã chi hơn 1 tỉ USD để mua sản phẩm thô từ các nông trại, nếu tính tất cả các giá trị gia tăng thì thị trường cá rô phi ở Mỹ trị giá khoảng 5-6 tỉ USD/năm.
Tương tự như ở Mỹ, nhu cầu tiêu thụ fillet cá rô phi tại châu Âu và nhiều nước phát triển cũng liên tục tăng, không chỉ từ các hộ gia đình mà còn từ các bếp ăn tập thể, trường học, trên máy bay, du thuyền, các chuỗi cửa hàng fastfood do loại thực phẩm này dễ chế biến, giá cả phải chăng.
Bên cạnh đó, yêu cầu và rào cản kỹ thuật không nhiều cũng là lợi thế để nghề nuôi cá rô phi phát triển. Giáo sư Kevin M. Fitzsimmons còn cho biết thêm siêu thị ở gần nhà ông có bán đến 13 loại fillet cá rô phi khác nhau. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ… và nhiều quốc gia châu Phi cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi cá rô phi.
Tại Trung Quốc, cá rô phi chiếm vị trí quan trọng trong ngành thủy sản với sản lượng mỗi năm đạt hơn 1,3 triệu tấn, chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá rô phi toàn cầu vào năm 2008. Tuy nhiên, trong năm năm liên tục gần đây, lượng cá rô phi xuất khẩu của Trung Quốc liên tục giảm sút do giá thành sản xuất tăng và nhu cầu tiêu thụ cá rô phi ở thị trường nội địa cũng tăng nhanh.
Những năm qua, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại Trung Quốc dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn ngày càng lớn, theo dự báo của nhiều chuyên gia ngành kinh tế thủy sản thì trong tương lai gần, lượng cá rô phi của nước này hầu như sẽ chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Những ưu thế của nghề nuôi cá rô phi tại Việt Nam
Cá rô phi có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở các thủy vực nước ngọt, nước lợ và cả nước mặn với nhiều hình thức nuôi như: nuôi trong ao đất, trong lồng bè, nuôi ghép với nhiều đối tượng khác…
Ở Việt Nam có nhiều diện tích đất đai, vùng cửa sông, các sông, hồ chứa có điều kiện thích hợp để phát triển loài cá này, nhất là nuôi theo hình thức tập trung, thâm canh năng suất cao phục vụ cho xuất khẩu. Công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực (loại cho năng suất cao nhất) ở nước ta cũng đã làm được và thành công với tỷ lệ đực khá cao như: công nghệ sử dụng hormone, lai xa khác loài mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ.
Các kỹ thuật nuôi, lai tạo cá hiện đại trên thế giới cũng được phổ biến rất nhiều qua internet... Cá rô phi được nuôi thâm canh sau thời gian 5-6 tháng, với điều kiện chăm sóc và phòng dịch bệnh tốt có thể đạt từ 500 - 800g/con. Thức ăn cho cá rô phi không đòi hỏi hàm lượng đạm cao, chúng sử dụng được hầu hết các loại thức ăn tự nhiên, các mùn bã hữu cơ, các chất thải trong môi trường ao nuôi, do đó khi được nuôi ghép với các loài khác sẽ giúp làm giảm sự ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Với đặc tính này, gần đây nhiều vùng nuôi tôm ở Indonesia sau khi bị dịch bệnh đã chuyển sang nuôi xen, cứ hai vụ tôm lại đến một vụ cá rô phi và hiệu quả từ việc cắt đứt mầm bệnh ở tôm đã được thấy rõ.
Theo ý kiến của Giáo sư Kevin M. Fitzsimmons thì tại Việt Nam hiện nay, nhiều ao, đầm nuôi tôm đang bị bỏ hoang do dịch bệnh có thể cải tạo lại để nuôi cá rô phi một thời gian nhằm dứt mầm bệnh và tạo thêm giá trị mới. Gần đây, nghề nuôi cá rô phi ở nước ta đã bắt đầu phát triển mạnh ở nhiều địa phương.
Nuôi nhiều và thành công loài cá này có thể kể đến tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đạt năng suất từ 10-12 tấn/ha/vụ, mức lãi ước tính khoảng 70-80 triệu đồng/ha/vụ. Trong chiến lược phát triển của thủy sản Việt Nam lâu nay, bên cạnh mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra thì cá rô phi vẫn được coi là một thế mạnh mũi nhọn cần tập trung phát triển phục vụ xuất khẩu.
Mục tiêu của ngành là năm 2015 sẽ đưa được cá rô phi trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực với giá trị đạt từ 200-300 triệu USD. Tuy nhiên, theo ý kiến của Giáo sư Kevin M. Fitzsimmons và nhiều nhà khoa học Việt Nam, sản lượng và tổng giá trị của ngành này tại nước ta vẫn còn rất thấp so với tiềm năng. Sản lượng nuôi cá rô phi toàn quốc chỉ vào khoảng xấp xỉ 100.000 tấn/năm và chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa.
Với tiềm năng mặt nước và hạ tầng kỹ thuật của nghề thủy sản hiện có, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng sản lượng nuôi cá rô phi lên gấp nhiều lần cho mục đích chế biến xuất khẩu và sẽ là một nhà xuất khẩu cá rô phi lớn trên thế giới.
Ngoài việc lấy thịt fillet, nhiều nơi có ngành nuôi cá rô phi phát triển ở Đài Loan, Brazil, Trung Quốc đại lục còn bắt đầu ngành công nghiệp sản xuất giày, ví da từ da cá rô phi, sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung collagen, Omega-3 từ da, mắt cá, vi cá rô thay cho vi cá mập cũng đang rất được ưa chuộng tại Đài Loan và mang lại giá trị lớn.
Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh hiện cũng đã thành công trong việc làm hoa giả, đồ mỹ nghệ từ vảy cá rô phi. Sản phẩm khá sắc sảo và đẹp, trong buổi hội thảo đã có doanh nghiệp nuôi cá rô phi đặt mua làm quà lưu niệm…
Trong bối cảnh ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc lựa chọn những đối tượng tiềm năng như cá rô phi để phát triển sẽ giúp mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần ngăn chặn được nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành.
Theo Giáo sư Kevin M. Fitzsimmons, với những điều kiện sẵn có, nếu tạo được sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu cá rô phi chủ lực trong tương lai.