Chuyện làm ăn

Nhiều cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp điện tử tiêu dùng

H.Nga 09/05/2024 23:34

Với tốc độ tăng trưởng 10%/năm, quy mô thị trường đồ gia dụng trong nước đạt 12,5 - 13 tỷ USD trong năm 2023 và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sang các nước trong khu vực.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, thị trường thiết bị gia dụng tại Việt Nam đạt doanh thu 8,2 tỷ USD vào năm 2023, với mức tăng trưởng hằng năm dự kiến đạt 5,15% trong giai đoạn 2023 - 2028.

hang-gia-dung.jpg

Số liệu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho thấy ngành thiết bị gia dụng tăng trưởng tốt. Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng 10%/năm, quy mô thị trường đồ gia dụng trong nước ước tính lên đến 12,5 - 13 tỷ USD trong năm 2023. Nhu cầu mua sắm các thiết bị điện gia dụng, thiết bị nhà bếp sẽ tiếp tục tăng cao cho đến năm 2025. Còn theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, mỗi hộ gia đình Việt Nam đã chi tiêu trung bình khoảng 8,4 triệu đồng cho các thiết bị gia dụng trong năm qua.

Chia sẻ tại buổi họp giới thiệu về Triển lãm quốc tế điện tử và thiết bị thông minh Việt Nam - IEAE 2024 ngày 9/5, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường đồ gia dụng tăng trưởng tốt.

Cụ thể, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, số lượng lao động trẻ (nhóm tuổi 18-45 đang chiếm 57-60% cơ cấu dân số) và tầng lớp trung lưu đang gia tăng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trưởng. Cùng với đó, các thương hiệu hàng gia dụng trong nước chiếm 80% thị phần ngành hàng gia dụng và 20% thuộc về các thương hiệu ngoại. Những yếu tố này thúc đẩy mạnh mẽ cho thị trường điện, điện tử gia dụng tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, có nhiều cơ hội phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp ngành thiết bị gia dùng tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Việt Nam nằm ở vị trí đắc địa trong khu vực Đông Nam Á, và năm 2024 là cơ hội tốt để các doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại các thị trường lân cận như Campuchia, Lào, Ấn Độ, và Indonesia.

Những thị trường này có tiềm năng lớn và đang trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng của lớp trung lưu và tầng lớp trung lưu mới nổi. Chiến lược mở rộng này có thể bao gồm việc xây dựng mạng lưới phân phối đối tác địa phương, tùy chỉnh sản phẩm để phù hợp với nhu cầu địa phương, và sử dụng các phương tiện tiếp thị địa phương.

Cùng với đó, các DN ngành điện tử tiêu dùng Việt Nam còn có cơ hội phát triển dịch vụ cho thuê sản phẩm. Việc phát triển các mô hình cho thuê sản phẩm có thể giúp nghiệp thu hút khách hàng và tạo ra nguồn lợi nhuận ổn định từ việc cho thuê. Các gói dịch vụ có thể bao gồm cho thuê các sản phẩm có giá trị lớn như máy giặt, tủ lạnh và tivi thông minh. Sự linh hoạt này có thể giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng có ngân sách hạn chế và tạo lợi nhuận từ việc cho thuê lặp đi lặp lại.

Không chỉ vậy, hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành còn được hưởng ưu đãi từ chính thuế nhập khẩu. Cụ thể, Thông tư 25/2022/TT BTTTT ngày 31/12/2022 quy định việc miễn thuế nhập nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu cho sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.

“Năm 2023 đánh dấu sự biến đổi đáng kể trong ngành điện tử tiêu dùng. Năm 2024 đang là cơ hội để các doanh nghiệp điện, điện tử tiêu dùng phát triển và tận dụng những cơ hội mới”, một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.

Từ ngày 23-25/5 tại SECC sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế điện tử và thiết bị thông minh Việt Nam (IEAE) 2024. Triển lãm quy tụ hơn 600 nhà sản xuất với hơn 800 gian hàng trưng bày các sản phẩm điện - điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng, linh kiện điện tử, thiết bị chiếu sáng…

Tại triển lãm còn diễn ra 5 hội thảo chuyên ngành như “Cơ hội mở rộng thị trường đối với công nghệ sản xuất thông minh”, “Định hình một tương lai bền vững với các nhà sản xuất điện tử”, “Cơ hội trong ngành sản xuất điện tử gắn với sự phát triển của sản phẩm gia dụng thông minh”… cùng chương trình kết nối doanh nghiệp 1-1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp điện tử tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO