Trong cuộc họp phòng đầu tháng 3-2018, Thúy Loan, nhân viên kinh doanh Công ty L.Đ (quận 1, TP HCM), bất ngờ thông báo sẽ xin nghỉ việc. Lý do mà Loan đưa ra là không chịu nổi áp lực công việc. Cô được giao quá nhiều việc ngoài nội dung hợp đồng đã giao kết. Ngay lập tức, trưởng phòng phân công người tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của Loan và đề nghị cô "suy nghĩ kỹ" trước khi chính thức nộp đơn.
Nhiều lý do để ra đi
"Sao trước đây chẳng ai chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của tôi khi thấy tôi kiệt sức vì phải làm thay công việc của người khác? Thứ bảy, chủ nhật có sự kiện, mọi người đều đẩy tôi đi làm thay với lý do chưa lập gia đình, chưa bận con mọn, trong khi tôi cũng cần phải nghỉ ngơi, chăm sóc cha mẹ già. Còn rất nhiều lý do khác mà tôi không tiện nói ra đây" - Loan rơm rớm nước mắt khi nói những điều này trong cuộc họp. Ngay hôm sau, cô nộp đơn xin nghỉ và muốn được giải quyết ngay.
Chị Nga - nhân viên lâu năm của phòng, người gần gũi Loan nhất - được phân công "tìm hiểu tâm tư nguyện vọng" của cô nhân viên trẻ. Tuy nhiên, chị lại thẳng thắn: "Tôi ủng hộ sự lựa chọn của Loan. Em còn trẻ, hãy thử sức mình ở nhiều nơi, nhiều vị trí. Tôi đề nghị mọi người hãy nhìn vấn đề cho thoáng. Khi một nhân viên không còn muốn gắn bó với nơi làm việc thì đừng cố giữ vì làm việc miễn cưỡng không bao giờ đem lại hiệu quả cao".
Thanh Hằng, nhân viên truyền thông của một công ty lớn tại TP HCM, cũng vừa nghỉ việc tại nơi cô đã gắn bó gần 5 năm. "5 năm là thời gian khá dài bởi bạn bè tôi làm việc lâu nhất ở một nơi là 2 năm. Làm việc lâu năm, mình nhận ra những điều bất hợp lý và muốn cải tổ nhưng ban giám đốc không đồng ý. Thế là mình lựa chọn ra đi để lãnh đạo có sự lựa chọn khác" - Hằng giải thích.
Biết Hằng khá lâu nên tôi rất ngạc nhiên khi hay tin cô nghỉ việc. Được lãnh đạo tin tưởng, trả lương cao; nhiều ưu đãi như hỗ trợ mua xe, mua nhà… nhưng cô nhân viên khá nổi tiếng trong giới truyền thông ấy cuối cùng cũng dứt áo ra đi.
Duy Ngọc, hồi tháng 6-2017 còn là trưởng phòng đối ngoại của một công ty lớn có chi nhánh khắp cả nước, thì tháng 3 năm nay đã phát thông báo về việc không còn đảm trách cương vị ở công ty cũ. "Chúng tôi có những bất đồng trong công việc và chia tay là lựa chọn tốt nhất" - thông báo nêu ngắn gọn.
Ai thích "nhảy việc"?
Theo một khảo sát tiến hành cuối năm 2017 của Trung tâm Tư vấn nguồn nhân lực Alpha với 500 nhân sự trong độ tuổi 25-40 thuộc 48 công ty có quy mô từ 1.000 lao động trở lên tại TP HCM, 67% cho biết sẽ "nhảy việc" khi có cơ hội; 56% cho biết từng "nhảy việc" khi làm chưa được 1 năm. Đặc biệt, chỉ 1 người làm việc 20 năm tại một doanh nghiệp dù không ít lần có ý định đổi thay.
Về trình độ của những người được khảo sát thì 70% là cán bộ quản lý cấp trung, 30% còn lại là nhân viên bình thường. Tỉ lệ "nhảy việc" của đội ngũ nhân lực quản lý ở mức cao - 88% người được hỏi cho biết đã hơn 3 lần "nhảy việc" trong thời gian 5 năm.
"Tôi không tìm được đội hình làm việc ăn ý nên rất khổ sở. Người ta nói 9 người 10 ý nhưng ở bộ phận tôi quản lý thì 9 người thì có tới mấy chục ý. Tôi đưa ra ý tưởng thì họ bàn lui, đến khi giao việc thì chây ì, kêu khó. Khi tôi trình bày khó khăn với ban giám đốc và xin được tuyển chọn người theo yêu cầu công việc thì bị từ chối. Lý do lãnh đạo nêu ra là tuyển người mới có chắc là làm được việc hay không? Nói như vậy là họ không tin mình nên tôi quyết định ra đi" - ông Lê Hồng Minh, nguyên trưởng phòng marketing Công ty T.Ng (quận 5, TP HCM), cho biết.
Đây chỉ là một trong nhiều lý do mà người lao động "nhảy việc". Ông Võ Đức Hùng, Giám đốc Công ty Nhật Tín (quận 12, TP HCM), nhận xét: "Các nhân viên, nhất là những người trẻ, rất thích trải nghiệm, thích tìm hiểu cái mới để tích lũy kinh nghiệm cho công việc của mình nên "nhảy việc". Tôi cho điều đó là bình thường. Hơn nữa, hiện nay, chất xám của người lao động cũng là một thứ hàng hóa. Nơi nào trả giá phù hợp, môi trường làm việc tốt thì họ đầu quân. Đất lành chim đậu, không nên xem "nhảy việc" là xấu".
(Theo Người Lao Động - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)