Về chơi Chuôn Ngọ

THIÊN Ý| 17/03/2019 07:00

Chuôn Ngọ - nơi thờ tự ông tổ nghề khảm trai của Việt Nam, cũng là nơi nhiều thợ làng nghề vượt khỏi ranh giới thủ công trở thành nghệ sĩ... Về chơi Chuôn Ngọ dịp đầu xuân là cơ hội khám phá những nét thú vị nơi làng quê Chuôn Ngọ.

Về chơi Chuôn Ngọ

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục trong không gian “Bụi” của riêng mình

Cách Hà Nội chừng 40 km, làng Chuôn Ngọ ở Chuyên Mỹ, Phú Xuyên tương truyền từ thời Lý đã có nghề khảm trai do Trương Công Thành - danh tướng phò Nguyên soái Lý Thường Kiệt đem quân chinh phạt giặc phương Bắc - sau khi dẹp loạn, trở về quê nhà, trong chuyến ngao du sơn thủy, phát hiện vẻ đẹp từ những mảnh vỏ sò, trai, ốc trôi dạt ven biển, cụ Trương đã nghĩ đến chuyện ghép những mảnh lấp lánh sắc màu ấy thành mảng trang trí sinh động. Nghề khảm trai ra đời, tính đến nay đã hơn ngàn năm tuổi.

Đám rước cụ tổ làng nghề khảm trai Trương Công Thành từ đình xuống miếu ở hội đình Chuôn Ngọ 2019

Đám rước cụ tổ làng nghề khảm trai Trương Công Thành từ đình xuống miếu ở hội đình Chuôn Ngọ 2019

Tìm hiểu về nghề khảm trai, vị trưởng thôn Ngọ, anh Nguyễn Đắc Luyện cho biết: “Làng mình hiện giờ còn khoảng 30% hộ dân làm nghề khảm trai, số còn lại tứ tán đi khắp các tỉnh thành và cũng theo nghề khảm trai. Mỗi năm, dịp hội làng đầu xuân là dịp dân Chuôn Ngọ từ khắp nơi về đoàn tụ, dâng hương kính nhớ người khai sinh ra nghề khảm trai”.

Về chơi Chuôn Ngọ đúng ngày hội làng, một lễ hội không xô bồ, ồn ào, không rình rang huyên náo như những lễ hội bị biến màu thương mại, thị trường khác. Lễ hội diễn ra long trọng với phần trọng tâm là đám rước cung nghênh Thành hoàng làng từ đình xuống miếu làng, rồi trở lại về đình để mọi người cùng khách mời thân hữu dự bữa tiệc vui chung trong không khí làng quê, thân tình và đầm ấm.

Các tác phẩm tranh sơn mài mang chủ đề “Bụi” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục

Tác phẩm tranh sơn mài mang chủ đề “Bụi” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục

Rời lễ hội, chúng tôi có dịp đồng hành cùng họa sĩ sơn mài Nguyễn Xuân Lục - một người dân Chuôn Ngọ, vào thăm các xưởng chế tác xà cừ làm nguyên liệu phân phối đi khắp cả nước. Khắp nơi trong làng, tiếng cưa máy cắt vỏ trai, vỏ ốc, tiếng đục đì đạch đã vang vọng khắp không gian, tạo không khí làm việc đầu xuân thật nhộn nhịp. Từ những vỏ ốc, vỏ trai thô sơ, qua bàn tay gọt đẽo, cắt xén, mài dũa tài tình của người thợ nghề, những miếng ốc trở nên bóng láng, phô diễn màu sắc lấp lánh, huyền ảo, tạo thành nguyên liệu đẳng cấp phục vụ cho việc khảm, ghép nên những tác phẩm mỹ nghệ đặc biệt, mang đậm dấu ấn riêng của làng nghề Chuôn Ngọ.

Các tác phẩm tranh sơn mài mang chủ đề “Bụi” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục

Tác phẩm tranh sơn mài mang chủ đề “Bụi” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục

Với người ngoại đạo, những xù xì, thô ráp của vỏ ốc nhìn từ bên ngoài, thật khó hình dung về vẻ đẹp tiềm ẩn của ốc, nhưng với kinh nghiệm truyền đời của làng nghề, người làng Chuôn Ngọ biết rõ cách phân biệt chất lượng, màu sắc của từng con ốc, để tạo nên những miếng xà cừ tuyệt mỹ, giá trị sánh ngang với vàng ròng.

Các tác phẩm tranh sơn mài mang chủ đề “Bụi” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục

Tác phẩm tranh sơn mài mang chủ đề “Bụi” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục

Riêng với họa sĩ sơn mài Nguyễn Xuân Lục, hiện đã thành danh với công việc giảng dạy và sáng tác tranh sơn mài ở Hà Nội, mỗi chuyến về làng là dịp để anh lọ mọ qua các nhà xưởng, tìm trong đó những nguyên liệu thích hợp từ vỏ trai, ốc, đưa nét đẹp mộc mạc, nguyên sơ ấy vào các tác phẩm do anh sáng tác. Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục cho biết: “Mình gắn bó với nghề khảm trai từ nhỏ, nên khi học mỹ thuật sơn mài, mình thường sử dụng chất liệu vỏ trai - ốc trong sáng tác. Tuy nhiên mình không quá nặng nề đến mức lạm dụng, chỉ là điểm xuyết, nhấn nhá, tạo cho tác phẩm nét thanh thoát, tự nhiên chứ không bị gượng ép, khô cứng như cách mà mọi người hay nhìn và gọi tranh có khảm xà cừ là tranh mỹ nghệ”.

Thợ nghề của làng Chuôn Ngọ đang thực hiện chạm khảm xà cừ lên nền gỗ

Thợ nghề của làng Chuôn Ngọ đang thực hiện chạm khảm xà cừ lên nền gỗ

Những người trẻ như Nguyễn Xuân Lục được coi là nhân tố mới của làng nghề khảm trai nói chung và các làng nghề thủ công nói riêng khu vực phía Bắc. Họ là thế hệ trẻ, xuất phát từ làng nghề, được tiếp cận, giao lưu, cọ xát, cảm thụ thêm với mỹ học từ chính quy, bài bản, nhờ đó tạo nên lớp nghệ sĩ vững về tay nghề thủ công, độc đáo trong tư duy sáng tác.

Những hạt mảnh li ti, tưởng như vô dụng của vỏ ốc bào ngư, người Chuôn Ngọ gọi là con cửu khẩu (9 miệng) được Lục tận dụng, phối kết tài tình vào chuỗi tác phẩm anh định danh là “Bụi”. Nhìn trong bộ tác phẩm “Bụi” của Lục (được ra mắt công chúng từ 11/3 tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam) có thể thấy rõ từng hạt bụi, vương trong không gian mênh mông bao la của vũ trụ đời người, nhưng cũng ẩn chứa trong đó là nhân sinh quan của con người, của những buồn vui thời cuộc.

Chọn ốc xà cừ để chế tác nguyên liệu cho việc chạm khảm

Chọn ốc xà cừ để chế tác nguyên liệu cho việc chạm khảm

Bộ tranh Bụi đưa người xem đến vẻ đẹp của từng hạt bụi li ti qua kỹ thuật sơn mài, rồi từ đó Nguyễn Xuân Lục hóa thân cho bụi, biến bụi thành người, rồi đưa nhỏ bé của con người vào không gian mênh mông, bao la vô tận. Một lối sáng tác bán trừu tượng, khơi gợi đầy tính triết lý của tự nhiên, của tạo hóa rằng hãy nhớ mình là cát bụi, dù mình có là ai hay là gì đi nữa, rồi cũng sẽ trở về cát bụi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về chơi Chuôn Ngọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO