Nhật Bản sẽ "thay áo" nhờ Olympic 2020?

KIM THỦY| 14/06/2017 06:18

Thế vận hội Mùa hè Olympic 2020 được kỳ vọng đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại thời kỳ hoàng kim, đồng thời giúp người dân xứ sở mặt trời mọc hòa nhập hơn với thế giới.

Nhật Bản sẽ

Thế vận hội Mùa hè Olympic 2020 được kỳ vọng đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại thời kỳ hoàng kim, đồng thời giúp người dân xứ sở mặt trời mọc hòa nhập hơn với thế giới.  

Đọc E-paper

Tăng trưởng lạc quan

Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Nhật Bản liên tục nhận được những đánh giá tích cực của báo chí phương Tây nhờ vào kết quả tăng trưởng lạc quan.

Số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố hôm thứ Tư tuần trước cho thấy, sản lượng công nghiệp trong tháng 4/2017 đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 6 năm qua. Chỉ số GDP của Nhật đã tăng trưởng quý thứ 5 liên tiếp trong quý I - 2017 - chuỗi thời gian tăng trưởng dài nhất kể từ năm 2006.

"Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang dần tăng tốc", hãng tin AFP nhận định. Thận trọng hơn, tờ New York Times hôm 22/5 mô tả, cỗ máy kinh tế Nhật Bản chưa hẳn đang "gầm lên" nhưng chắc chắn "sắp sửa có tiếng nói".

Theo AFP, triển vọng kinh tế Nhật Bản được cải thiện nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh bên cạnh các dự án đầu tư liên quan đến Olympic 2020. Báo chí Nhật Bản đưa tin, đã có 12 doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu cam kết tham gia đầu tư vào sự kiện thể thao quy mô toàn cầu này.

Ủy ban tổ chức Olympic 2020 cũng cho biết, số tiền ủng hộ từ các nhà tài trợ Nhật Bản đã lên tới 1,5 tỷ USD - mức huy động vốn cao nhất trong lịch sử thế vận hội. Cơ quan này cho hay, yếu tố giúp Olympic 2020 nhận được nguồn tài trợ cao là nhờ vào chính sách kinh tế vĩ mô Abenomics của Chính phủ Nhật Bản vốn đang phát huy hiệu quả, bên cạnh việc các doanh nghiệp được tạo điều kiện môi trường hợp tác thuận lợi.

Hai lợi ích kinh tế được nhiều quốc gia tổ chức Thế vận hội kỳ vọng nhất là gia tăng việc làm và phát triển du lịch.The Guardian tính toán, việc đăng cai Olympic 2020 sẽ đem lại khoản lợi ích kinh tế khổng lồ cho Tokyo, gồm số tiền 42 tỷ USD và tạo 150.000 công ăn việc làm cho người dân.

Ngoài ra, các công ty của Nhật sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng tăng cao cùng việc gia tăng tiêu thụ các thiết bị điện và những vật dụng khác. Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng sẽ thu hút khoảng 8,5 triệu du khách trong thời gian diễn ra Olympic.

>>Kinh tế Nhật Bản "mắc kẹt" trong vòng xoáy tăng trưởng âm

Bên cạnh những lợi ích trên, theo CNN, mặt trái của Olympic là tạo ra những khoản lỗ khổng lồ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều thành phố từ bỏ "giấc mộng" đăng cai Thế vận hội. Bởi, một thành phố muốn đăng cai Olympic phải lên kế hoạch tài chính, xây dựng hàng loạt cơ sở vật chất, cùng chi phí an ninh trong thời gian diễn ra thế vận hội - ước tính lên đến hàng tỷ đô la. Sân vận động là loại công trình tốn kém nhưng đem lại hiệu quả kinh tế thấp.

CNN dẫn chứng, những sân vận động tại Olympic Rio 2016 rất ít được sử dụng sau khi sự kiện kết thúc. Sự lãng phí trên cũng là một trong những lý do khiến các công trình này hầu như được xây dựng bằng tiền thuế thay vì được các nhà đầu tư tư nhân rót vốn.

"Các thế vận hội đều có tỷ lệ bị đội vốn là 100%. Chưa có siêu dự án nào trên thế giới đội vốn nhiều như một sân vận động Olympic", CNN dẫn một báo cáo của các chuyên gia tại Trường kinh doanh Saïd (Đại học Oxford) năm 2013.

Để tránh đi vào "vết xe đổ” trên, Nhật Bản cam kết sẽ tổ chức một kỳ Olympic kiểu "co cụm", tức phần lớn số khu vực thi đấu đều gần kề với nơi ở của vận động viên. Các trận đấu sẽ chủ yếu diễn ra ở sân vận động chính của Olympic với sức chứa 80 nghìn người. Để tiết kiệm chi phí, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 hồi đầu tháng Hai cho biết sẽ sử dụng huy chương được làm từ điện thoại tái chế.

Theo đó, người dân Nhật Bản được kêu gọi đóng góp điện thoại cũ và các loại phụ kiện nhỏ (dự kiến khoảng 2 tấn) để sản xuất 5.000 chiếc huy chương phục vụ Olympic. "Đất nước khan hiếm tài nguyên này tin rằng dự án trên sẽ mở ra hướng đi mới cho sự phát triển bền vững tương lai", BBC nhận xét.

Hãng SMBC Nikko Securities tính toán, việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất sẽ khiến Tokyo tiêu tốn khoảng 8 tỷ USD. Hiện thành phố đã có khoảng 4,5 tỷ USD trong quỹ dự trữ dành cho Olympic.

Trẻ hóa

Ngoài mục tiêu vực dậy nền kinh tế đang rệu rã, Olympic 2020 còn được kỳ vọng là cơ hội để người dân Nhật Bản cải thiện trình độ Anh ngữ. Quốc gia này xếp thứ 39 trong 46 quốc gia có điểm số đạt mức trung bình trong kỳ thi TOEIC (bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế) năm 2015.

Khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh này đã giảm từ mức "vừa phải" xuống "thấp" theo thống kê của Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First hồi năm ngoái. Đơn vị này cũng là đối tác chính thức của Nhật Bản tại kỳ đại hội Olympic 2020 với vai trò tổ chức các khóa học tiếng Anh giao tiếp cho các thành viên của Ban tổ chức và các tình nguyện viên.

Chia sẻ với tờ Straight Times, Chủ tịch EF Education First tại Nhật Bản - ông Sange Lee phân tích, trình độ tiếng Anh ngày càng kém của người Nhật trong những năm gần đây xuất phát từ nguyên nhân nhiều trường học chú trọng dạy ngữ pháp và từ vựng khiến học sinh ít có cơ hội giao tiếp tiếng Anh hằng ngày.

Điều này dễ hình thành tâm lý sợ nói tiếng Anh bởi các em cho rằng việc phát âm sai có thể khiến bản thân mất mặt. Ông Lee kỳ vọng, "Olympic có thể là một bước ngoặt đối với Nhật Bản" nếu sự kiện này có thể khiến người dân Nhật Bản quan tâm hơn đến tiếng Anh, giúp quốc gia này ít tách biệt hơn với thế giới. Chưa kể, việc giỏi ngoại ngữ còn khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh tại quốc gia phát triển này.

Ngày 7/9/2013, thế giới chứng kiến người dân Nhật Bản vỡ òa trong nước mắt khi biết đất nước được trao quyền đăng cai Olympic 2020. Sau những mất mát từ thảm họa động đất sóng thần xảy ra trước đó hai năm, quốc gia này vẫn đang bền bỉ xây dựng lại đất nước và Thế vận hội Mùa hè là cơ hội giúp xứ sở này tìm lại hào quang xưa.

>>Thương hiệu công nghệ: "Gót chân Asin" của kinh tế Nhật Bản?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản sẽ "thay áo" nhờ Olympic 2020?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO