Nhật Bản đình chỉ nhập cảnh tất cả du khách vì sợ Omicron

Anh Mi| 29/11/2021 05:30

Ngày 29/11/2021, Nhật Bản thông báo sẽ đình chỉ nhập cảnh tất cả du khách từ khắp nơi trên thế giới để đề phòng biến chủng Omicron lây lan, theo AP.

Nhật Bản đình chỉ nhập cảnh tất cả du khách vì sợ Omicron

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu với các phóng viên tại Tokyo hôm thứ Hai 29/11/2021 Nhật Bản đang xem xét tăng cường kiểm soát biên giới vì một biến thể mới của coronavirus được tìm thấy ở Nam Phi lan truyền khắp thế giới. Ảnh: Kyodo News/AP

Thủ tướng Fumio Kishida cho biết việc đình chỉ nhập cảnh này sẽ có hiệu lực vào thứ Ba 30/11/2021. Quyết định này có nghĩa là Nhật Bản sẽ khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới mà nước này đã nới lỏng hồi đầu tháng 11 đối với doanh nhân, du học sinh quốc tế và người lao động.

Một biến chủng chưa biết rõ nhưng đề phòng vẫn hơn?

Cuối tuần qua, Nhật Bản đã thắt chặt hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Nam Phi và 8 quốc gia khác, yêu cầu họ phải trải qua thời gian cách ly 10 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định, đồng thời đang xem xét tăng cường kiểm soát biên giới. Đến nay, Nhật Bản vẫn đóng cửa biên giới đối với du khách nước ngoài dù đến từ bất kỳ quốc gia nào.

Nhiều quốc gia đã tiến hành thắt chặt biên giới sau khi biến chủng Omicron mới của virus Corona được tìm thấy ở một số quốc gia. Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi đã xác định biến chủng này cách đây vài ngày và họ vẫn chưa biết nhiều về nó, bao gồm việc Omicron có dễ lây lan, tác hại có nghiêm trọng hơn Delta hay có khả năng trốn tránh sự bảo vệ của vaccine? Mặc dù vậy,  nhiều quốc gia đã vội vã hành động, phản ánh sự lo lắng về việc đại dịch đã giết chết hơn 5 triệu người trên toàn cầu sẽ kéo dài. 

Lưu ý rằng biến chủng này đã được phát hiện ở nhiều quốc gia và việc đóng cửa biên giới thường có tác dụng hạn chế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi giữ nguyên biên giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang đi ngược lại lời khuyên của WHO - tổ chức đã cảnh báo các quốc gia đừng phản ứng thái quá trước khi biến chủng mới được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Israel đã quyết định cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài và bắt buộc kiểm dịch đối với tất cả người Israel trở về từ nước ngoài. Maroc cho biết họ sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay đến quốc gia này trong 2 tuần bắt đầu từ thứ Hai, một trong những hành động quyết liệt nhất nhằm làm chậm sự lây lan của biến chủng

Bộ Ngoại giao Maroc đã đăng trên Twitter hôm 28/11 rằng tất cả các chuyến bay đến quốc gia Bắc Phi sẽ bị tạm dừng để “bảo tồn những thành tựu mà Maroc đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch và để bảo vệ sức khỏe công dân”. Maroc đã đi đầu trong việc chủng ngừa vaccine ở châu Phi và đã đóng cửa biên giới trong nhiều tháng hồi năm 2020 vì đại dịch.

Mỹ có kế hoạch cấm du khách nhập cảnh từ Nam Phi và 7 quốc gia Nam Phi khác, bắt đầu từ ngày 29/11. Tiến sĩ Anthony Fauci – chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ tại Nhà Trắng – cho biết: “Chúng tôi cần một khoảng thời gian để nâng cao khả năng chuẩn bị của mình”. Fauci cho biết sẽ mất khoảng 2 tuần nữa mới có thông tin chính xác hơn về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và các đặc điểm khác của Omicron.

Trong khi đó, Tiến sĩ Francis Collins - Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ nhấn mạnh rằng chưa có dữ liệu nào cho thấy biến chủng mới gây bệnh nghiêm trọng hơn các biến chủng Covid-19 trước đó. Ông trả lời CNN: “Tôi nghĩ Omicron dễ lây lan khi bạn nhìn vào mức độ lây lan nhanh chóng của nó qua nhiều thành phố ở Nam Phi, từ người này sang người khác. … Điều chúng tôi không biết là liệu nó có thể gây tác hại như Delta hay không?”.

Collins nhắc lại lời một số chuyên gia nói rằng sự xuất hiện của Omicron sẽ khiến mọi người tăng gấp đôi nỗ lực của họ trong việc nghiên cứu ra các giải pháp chống virus, bao gồm chủng ngừa vaccine, tiêm nhắc lại và các biện pháp khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

29-11-AP-2-5020-1638173095.jpg

Omicron được phát hiện tại Nam Phi, là biến chủng SARS-CoV-2 chứa nhiều đột biến nhất từ trước đến nay. Ảnh: Telegraph

Omicron đã “viếng thăm” một số quốc gia

Các nhà khoa học ở một số nơi - từ Hồng Kông đến châu Âu và Bắc Mỹ, đã xác nhận sự hiện diện của Omicron. Hà Lan đã báo cáo 13 trường hợp Omicron vào Chủ nhật 28/11, và cả Canada và Úc mỗi nơi đều tìm thấy 2 trường hợp.

Cơ quan Y tế Công cộng Hà Lan xác nhận rằng 13 người đến từ Nam Phi hôm 26/11 cho đến nay đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron. Họ nằm trong số 61 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sau nhập cảnh trên 2 chuyến bay cuối cùng đến sân bay Schiphol của Amsterdam, trước khi lệnh cấm bay được áp dụng. Ngay lập tức những du khách này đã được đưa đi cách ly tại một khách sạn gần sân bay. 

Vương quốc Anh hôm 27/11 đã thắt chặt các quy định về đeo khẩu trang và kiểm tra lượng khách quốc tế sau khi phát hiện 2 trường hợp Omicron, nhưng Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết chính phủ không thể đưa ra các biện pháp gây mất cân bằng xã hội nghiêm trọng như trước.

Ông nói với SkyNews: “Giờ chúng tôi biết rằng những biện pháp kiểu đó phải trả một cái giá rất đắt về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời gánh chịu hậu quả về sức khỏe không liên quan đến Covid-19, chẳng hạn như ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần”.

Tây Ban Nha thông báo họ sẽ không tiếp nhận du khách Anh chưa được chủng ngừa,  bắt đầu từ ngày 1/12. Hai tiểu bang của Đức đã báo cáo tổng cộng có 3 du khách trở về Đức vào cuối tuần đã bị nhiễm Omicron.  Ý đang xem xét danh sách các hành khách đã đến bằng đường hàng không trong 2 tuần qua. Còn Pháp đang tiếp tục đẩy mạnh việc chủng ngừa và tiêm nhắc lại.

David Hui - một chuyên gia y học đường hô hấp và cố vấn chính phủ về đại dịch ở Hồng Kông, đã đồng ý với chiến lược đó. Ông cho biết hai người có kết quả xét nghiệm dương tính với biến chủng Omicron đã được tiêm vaccine Pfizer và có các triệu chứng rất nhẹ, chẳng hạn như đau họng. Ông nói: “Dù giảm hiệu quả thì vaccine cũng có tác dụng". 

Bộ trưởng Bộ Y tế Canada cho biết 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên của đất nước được tìm thấy ở Ontario sau khi hai công dân đi Nigeria du lịch khi trở về có kết quả xét nghiệm dương tính. Các nhà chức trách Australia cho biết 2 du khách đến Sydney từ châu Phi đã trở thành hai ca đầu tiên ở nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với biến chủng mới. Tất cả hành khách đến từ 9 quốc gia châu Phi hiện được yêu cầu cách ly trong khách sạn khi nhập cảnh Úc. 

Chính phủ Nam Phi đã phản ứng một cách giận dữ trước các lệnh cấm du lịch, điều mà họ cho là “giống như trừng phạt Nam Phi vì khả năng phát hiện các biến chủng mới nhanh hơn”.

WHO đã đưa ra một tuyên bố nói rằng tổ chức này “sát cánh cùng các quốc gia châu Phi” và lưu ý rằng việc hạn chế đi lại có thể đóng “vai trò giảm nhẹ sự lây lan của Covid-19 nhưng tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế”. WHO cho biết nếu các quốc gia đưa ra các hạn chế nhập cảnh thì phải dựa trên cơ sở khoa học và không làm gián đoạn mọi hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản đình chỉ nhập cảnh tất cả du khách vì sợ Omicron
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO