Nhà nước cần ưu tiên dịch vụ công cho nông nghiệp

TRÌNH TIÊU thực hiện| 24/09/2015 04:11

Trong khi xuất khẩu nông sản sụt giảm, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, chia sẻ những quan điểm xoay quanh vấn đề này...

Nhà nước cần ưu tiên dịch vụ công cho nông nghiệp

Trong khi xuất khẩu nông sản sụt giảm, TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nói: "Tạo ra tín hiệu thị trường để người dân nhận biết và chuyển đổi cơ cấu sản xuất ra khỏi những lĩnh vực sẽ chịu thua thiệt, là những việc Nhà nước phải làm".

Đọc E-paper

* Thương mại nông sản đang gia tăng, ông nhận định thế nào về xu hướng này?

- Xu hướng này thể hiện ở hai vấn đề. Một là, sức sản xuất của nền nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Hai là, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng. Tôi nghĩ, trong một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, thương mại tăng là hợp lý, cho thấy thị trường ngày càng phát triển.

* Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2015 đạt 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014, một trong những lý do là hàng nông sản của nước ta luôn gặp khó khăn khi ra thị trường thế giới. Ông nói gì về điều này?

- Nước ta đang gặp nhiều rào cản khi chuyển từ một nền sản xuất theo chiều rộng, tức là sản xuất rẻ, cạnh tranh ở thị trường dễ tính, bằng khối lượng hơn là bằng chất lượng, sang một nền sản xuất theo chiều sâu cả về môi trường, cũng như hiệu quả kinh tế.

Trong quá trình chuyển dịch đó, hàng nông sản của nước ta gặp rất nhiều vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động...

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Về căn bản, nước ta chuyển đổi cả về cơ sở hạ tầng, hệ thống chính sách, địa bàn, về ngành hàng. Đây cũng chính điều nước ta đang gặp phải trong quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp, mà tái cơ cấu nền nông nghiệp phải đi kèm với tái cơ cấu chung của toàn bộ nền kinh tế.

* Hội nhập sâu hơn, theo ông, có cần một chính sách xuất nhập khẩu nông sản mới?

- Xu thế chung là thế giới ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn, mở cửa thị trường cho nhau rộng rãi hơn. Vì thế, chính sách thương mại phải gắn với chính sách khoa học - công nghệ, môi trường, tài chính, phúc lợi xã hội...

Bên cạnh đó, chính sách phải bảo đảm cả hai yếu tố. Một là, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, giá cả cũng như đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất trong giao dịch thương mại quốc tế để họ không bị xâm hại, không bị cạnh tranh, phá giá.

Hai là, chính sách phải điều tiết như thế nào để những đối tượng được lợi trong quá trình hội nhập, bù đắp được cho những đối tượng bị thua thiệt. Mở rộng thương mại sẽ nhiều nhóm được lợi và có nhóm chịu thiệt.

Nền kinh tế nói chung, thậm chí ở mức toàn cầu, sẽ có lợi, nhưng về cụ thể, trong những lúc, những thời điểm nhất định, sẽ có những nhóm, những ngành hàng, những đơn vị, địa phương phải chịu thua thiệt.

* Nhưng theo ông, cách nào giúp người nông dân chuyển đổi cung cách sản xuất phù hợp?

- Nông dân Việt Nam rất nhanh nhạy, sẵn sàng chặt cây nọ, trồng cây kia, đi theo tín hiệu giá cả của thị trường. Nhưng quan trọng là Nhà nước và các lực lượng xã hội phải có trách nhiệm đối với người nông dân trong chuyện này, tạo điều kiện cho người nông dân giảm bớt rủi ro, thiệt hại.

Trước hết, phải tổ chức tốt công tác nghiên cứu thị trường, thông tin thị trường và phát triển thị trường. Đó là những việc nông dân và ngay cả những doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ lẻ dù cố gắng đến đâu cũng không thể làm được. Đây là loại dịch vụ công Nhà nước cần ưu tiên cung cấp.

Dịch vụ này không nhất thiết phải do các cơ quan nhà nước thực hiện. Liên kết công - tư, thu hút đầu tư tư nhân là giải pháp các nước trên thế giới đã áp dụng tốt cho công việc này.

* Cảm ơn ông!

>8 tháng, xuất khẩu nông sản tiếp tục sụt giảm

>Xuất khẩu nông sản giảm 3,6% so với 7 tháng cùng kỳ

>Thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản Việt

>EU thiệt hại 5,5 tỷ euro vì lệnh cấm nông sản của Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà nước cần ưu tiên dịch vụ công cho nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO