Nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp lấy quỹ năm trước đắp cho năm sau để xóa lỗ lũy kế.
Những ngành gặp nhiều khó khăn nhất trong những năm qua thường đồng nghĩa với việc có nhiều khoản lỗ lũy kế nhất, chẳng hạn bất động sản, vật liệu xây dựng, vận tải biển, chứng khoán... Tính đến cuối năm 2014, đã có những doanh nghiệp (DN) xóa lỗ lũy kế thành công, nhưng cũng có những DN chỉ mới bắt đầu cho giai đoạn này.
Đầu năm 2014, VOS (Vosco) có khoản lỗ lũy kế gần 210 tỷ đồng, đến giữa năm đã tăng lên đến gần 300 tỷ đồng. Mọi chuyện chỉ bắt đầu sáng sủa kể từ nửa còn lại của năm 2014 khi tính đến hết quý III/2014, lỗ lũy kế của VOS đã giảm xuống 235 tỷ đồng, nhưng tính ra vẫn còn cao hơn đầu năm.
Tuy nhiên, nhờ vào giá nhiên liệu giảm và Công ty đang tái cấu trúc nên kỳ vọng dành cho VOS cũng đã tăng lên. Trên sàn chứng khoán, VOS cũng đã có một số phiên tăng trần. Năm 2013, 2014 được xem là dành cho những cổ phiếu (CP) vượt khó.
Năm 2015, nếu nhà đầu tư vẫn tiếp tục dành sự quan tâm cho nhóm CP này thì yêu cầu sẽ phải được đẩy lên mức cao hơn, đó là các công ty phải xóa được lỗ lũy kế. Sự khác biệt giữa một công ty vẫn còn lỗ và một công ty đã thoát lỗ là rất rõ ràng.
Trước đó, vào đầu năm 2014, trong báo cáo của Xi măng Bỉm Sơn (BCC) ghi nhận khoản lỗ lũy kế 21 tỷ đồng. Nhưng nhờ đạt được lợi nhuận 33 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2014 nên BCC đã xóa được lỗ lũy kế, chuyển thành lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giá trị 12 tỷ đồng.
Nửa cuối năm 2014, giá CP của BCC trên sàn đã tăng gấp đôi, từ mức giá 8.000 đồng có lúc lên đến 16.000 đồng. Cuối năm 2012, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) có khoản lỗ lũy kế lên đến gần 152 tỷ đồng, cả năm 2013, Công ty chỉ xóa được vỏn vẹn 2 tỷ đồng, để cuối năm vẫn còn lỗ lũy kế 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang đến năm 2014, VDS đã có những nỗ lực mạnh hơn để xóa lỗ lũy kế. Sau 9 tháng đầu năm 2014, Công ty báo lãi hơn 50 tỷ đồng, đẩy khoản lỗ lũy kế từ 150 tỷ đồng xuống còn 100 tỷ đồng. VDS không phải trường hợp cá biệt đang tiến đến việc xóa lỗ lũy kế. Tính đến quý III/2014, nhiều công ty chứng khoán cũng đã thoát được lỗ lũy kế.
Thoát lỗ lũy kế sau nhiều năm, một số công ty có thể tính đến chuyện chia cổ tức, tức là cổ đông ngoài việc hưởng chênh lệch từ giá CP còn được chính DN chia cho phần lợi nhuận. Từ chỗ thất vọng, kỳ vọng dành cho CP có thể tăng mạnh. Tuy nhiên, đó chỉ là dự tính vì những công ty này thoát lỗ chủ yếu nhờ lũy kế chứ không phải kinh doanh đạt hiệu quả tốt.
Vì vậy, một vài chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư khi đầu tư phải rất thận trọng trong việc xem xét nguồn thặng dư vốn mà các công ty có được thực chất do đâu. Nếu do làm ăn hiệu quả, tạo lợi nhuận thì chứng tỏ nền tảng của công ty đó là tốt.
Ngược lại, nếu công ty lấy nguồn quỹ năm trước đắp cho năm sau để thoát lỗ thì cần phải đặt ra câu hỏi: Khi nguồn vốn tích lũy cạn kiệt, công ty sẽ thoát lỗ bằng gì?