Sẽ "sốt" đất nền ven TP.HCM?

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 31/03/2018 03:34

Nhiều dự án hạ tầng kết nối Vùng TP.HCM bắt đầu khởi động, cộng với những tác động về mặt tâm lý sau sự cố Carina Plaza khiến hạng mục đất nền ven TP.HCM trở thành tâm điểm, được dự báo sẽ "nóng sốt" trong thời gian tới.

Sẽ

Giá đất liên tục tăng

Phân tích sức hút của hạng mục đất nền tại các vị trí có kết nối giao thông trực tiếp với TP.HCM, ông Lê Tiến Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Kinh Doanh Bất động sản Cát Tường cho rằng, bên cạnh tâm lý có "miếng đất cắm dùi", "an cư lạc nghiệp" của người Việt, thì giá cả và tiềm năng sinh lợi của đất nền vùng ven đang là những yếu tố tác động đến quyết định của người mua.

Theo ông Vũ, hiện các kênh đầu tư như ngoại tệ, vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm chưa hấp dẫn người dân tham gia vào hoạt động đầu tư trong khi số người dân có khoản tiền tích trữ từ 400 triệu đồng còn lớn nên đất nền vùng ven trở thành kênh đầu tư được lựa chọn an toàn, nhằm tìm kiếm một tỷ lệ lợi nhuận phù hợp và bảo tồn được giá trị vốn.

Thêm nữa, trong 3 năm trở lại đây, giá đất tại TP.HCM liên tục tăng, thậm chí một số quận ngoại thành như Hóc Môn, Thủ Đức, quận 9 có vị trí tương đối đẹp, giá đã ở tầm 25 - 35 triệu đồng/m2. Điều này là yếu tố thúc đẩy khách hàng về các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai tìm kiếm cơ hội đầu tư và an cư với tầm giá 6 - 9 triệu/m2 trong các dự án được đầu tư hạ tầng bài bản, pháp lý minh bạch...

Link bài viết

Ngoài ra, quỹ đất "sạch" để phát triển dự án đất nền, nhà phố của TP.HCM ngày một khan hiếm, công tác giải tỏa đền bù rất phức tạp, thời gian cho một dự án từ khi xin chủ trương đến triển khai dự án có khi chủ đầu tư phải mất từ 2 - 5 năm làm cho cơ hội kinh doanh của chủ đầu tư trôi qua, nên thực chất rất hiếm dự án "sạch" được chào bán.

Điều đáng nói là từ nửa cuối năm ngoái, thông tin về việc phân bổ vốn, triển khai hàng loạt công trình hạ tầng kết nối liên vùng đã có tác động mạnh đến thị trường đất nền vùng ven. Cụ thể như tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) đã được chấp thuận kéo dài tới chợ Sặc (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) và Thị xã Dĩ An (Bình Dương), hay việc Đồng Nai dự kiến triển khai 8 dự án hạ tầng lớn, với tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng nhằm thực hiện chủ trương xây dựng TP. Biên Hòa trở thành đô thị loại I (giai đoạn 2017 - 2020), hoặc thông tin Bộ Tài chính chuyển cho Đồng Nai 4.500 tỷ đồng để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (H.Long Thành) khiến tình hình giao dịch đất đai ở những khu vực này thêm sôi động và giá đất không ngừng tăng.

Theo đó, ở một số khu vực đất có giấy tờ, quy hoạch rõ ràng thuộc những phường rìa ngoài trung tâm TP. Biên Hòa như Tam Phước, Phước Tân..., giá đất tăng hơn 5 - 10%. Tại dự án đất nền Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, dự án ven sông Đồng Nai, liền kề với TP.HCM. Đầu năm 2017, dự án này được chào bán ra thị trường với mức giá trung bình chỉ từ 7,5 - 8 triệu đồng/m2 nhưng hiện nay, mức giá gốc do chính chủ đầu tư công bố đã lên 16,5 triệu đồng/m2.

Không chỉ Đồng Nai, các khu vực kết nối trực tiếp vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương như Bến Lức, Đức Hòa (Long An), quỹ đất sạch để phát triển dự án gần như không còn nhiều nên giá ở thị trường thứ cấp liên tục tăng. Ông Lê Tiến Vũ Cát Tường chia sẻ, biên độ tăng giá của các sản phẩm đất nền tại đây mỗi năm tăng từ 25 - 30% và tình hình này sẽ còn tiếp diễn vì ngay đợt mở bán dự án Cát Tường Golden River Residence mới đây, nhu cầu của người dân vượt hẳn so với rổ hàng chủ đầu tư chào bán.

"Hàng tồn" trở thành hàng "hot"?

Với mức độ quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với bất động sản ở các khu đô thị vệ tinh TP.HCM, nhiều nhà phát triển dự án đã thể hiện ý định "dịch chuyển" dòng đầu tư, thay vì chỉ tập trung vào TP.HCM.

Như trường hợp của Him Lam Corp., doanh nghiệp này đã đề xuất với UBND tỉnh Long An về việc thành lập Khu kinh tế mở trải dài trên 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước, với tổng diện tích 32.300ha.

Dự án này sẽ bao gồm khu nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp và cảng biển quốc tế, ở giữa lõi là khu đô thị. Về cơ cấu sử dụng, đất trong Khu kinh tế mở này phần lớn ưu tiên cho đất đô thị, với gần 15.000ha, đất công nghiệp - cảng biển gần 5.900ha, đất nông nghiệp công nghệ cao hơn 7.800ha...

Ngoài khu kinh tế mở do Him Lam đề xuất, một dự án khác với quy mô hơn 300 ha là Khu đô thị Waterpoint (H.Bến Lức), vốn chiếm khoảng 50% tổng giá trị hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) dự kiến cũng sẽ được khởi động trong năm nay.

Đại diện Nam Long tiết lộ, công ty đang đàm phán với các đối tác để triển khai những hạng mục gồm đất ở, đất thương mại, đất trường học và nếu mọi việc trơn tru, Nam Long sẽ công bố việc hợp tác phát triển Waterpoint trong khoảng quý III hoặc quý IV năm nay.

Trước đó, tại các kỳ Đại hội cổ đông, khi được cổ đông chất vất về tương lai của "siêu đô thị” Waterpoint, lãnh đạo Công ty Nam Long đều khẳng định, đây là dự án tiềm năng và công ty sẽ triển khai ngay khi các điều kiện thị trường thích hợp. Và hiện tại, ở Bến Lức, hiếm có nhà phát triển nào sở hữu quỹ đất sạch như Nam Long, vấn đề còn lại là sản phẩm công ty đưa ra có tương thích với nhu cầu thị trường hay không.

Cùng với đó, tại Đồng Nai, theo phân tích của giới đầu tư, ngay sau thông tin Bộ Tài chính chuyển 4.500 tỷ đồng để triển khai Cảng hàng không quốc tế Long Thành và việc dự án khởi động từ tháng 7 năm nay sẽ là đòn bẩy kích các dự án bất động sản lớn tại Nhơn Trạch, Long Thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sẽ "sốt" đất nền ven TP.HCM?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO