Quy hoạch không hợp lý TP.HCM ngày càng ngập

27/05/2010 00:43

Các nhà khoa học, giới quản lý cảnh báo như vậy tại hội thảo bàn về các giải pháp chống ngập do Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM tổ chức ngày 26/5.

Quy hoạch không hợp lý TP.HCM ngày càng ngập

“Quy hoạch không hợp lý, san lấp kênh rạch... khiến TP.HCM ngày càng ngập nặng hơn”, các nhà khoa học, giới quản lý cảnh báo như vậy tại hội thảo bàn về các giải pháp chống ngập do Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM tổ chức ngày 26/5.

Nước ngập trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chiều 26/5 - Ảnh: Quang Khải

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết theo quy hoạch tổng thể chống ngập cho TP (được Chính phủ phê duyệt năm 2001), năm 2010 sẽ phát triển, cải tạo 7.500km đường cống thoát nước.

Nhưng hiện nay TP mới phát triển được 1.500km đường cống thoát nước, trong khi hệ thống cống hiện hữu không còn đủ khả năng tải nước nữa. Hiện TP còn 96 điểm ngập kéo dài từ nội thành đến ngoại thành.

Triều cường cao hơn nước biển dâng

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đã nhận định tình trạng ngập tại TP chủ yếu do tác động của con người. TS Phan Văn Hoặc (Viện Khí tượng thủy văn và môi trường) cho biết qua số liệu đo đạc từ các trạm quan trắc, mực nước biển tăng không đáng kể nhưng đỉnh triều trên hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn năm sau luôn cao hơn năm trước (mức cao nhất đến nay là 1,56m), nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng san lấp sông rạch, ao hồ trên địa bàn TP thời gian qua.

Triều cường 1m, nhiều đường ngập 30cm

Chiều 26/5, triều cường tại TP.HCM chỉ đạt 1m nhưng hàng loạt tuyến đường tại quận Bình Thạnh như Nguyễn Xí, Nơ Trang Long, Chu Văn An, Bùi Đình Túy... vẫn bị ngập hơn 30cm.

Nước ngập bất ngờ không những làm nhiều xe bị chết máy mà còn tràn vào nhà người dân dọc các tuyến đường trên. Chị Nguyễn Thị Thơm, người dân trên đường Nơ Trang Long, cho biết ba năm qua khu vực này chưa từng bị ngập. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, nguyên nhân ngập do trạm kiểm soát triều Bình Triệu không hoạt động vì cúp điện.

Theo GS.TS Lê Huy Bá, trong khoảng 14 năm qua có đến 47 kênh rạch lớn nhỏ ở TP với tổng diện tích 16,4ha đã biến mất hoàn toàn do bị san lấp. Ngoài kênh rạch, PGS.TS Nguyễn Hữu Lân (Trường đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng hàng loạt ao hồ khác cũng bị san lấp một cách “không thương tiếc”, chỉ tính riêng diện tích san lấp hồ Bình Tiên (Q.6) đã lên đến 740.000m2.

Đây là hồ có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực phía tây nam TP, bao gồm các quận 6, 8, 11, một phần Q.Tân Bình và huyện Bình Chánh. Chưa kể các hồ khu vực rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7)... cũng bị bêtông hóa.

TS Lê Phu (Trường đại học Tôn Đức Thắng) cung cấp thêm: “Nếu năm 2002 thể tích chứa nước của các ao hồ, vùng trũng tại TP là 207 triệu m3 thì đến nay đã giảm khoảng 10 lần”. Theo nguyên tắc chiếm chỗ, khu vực chứa nước bị san lấp thì nước tràn sang những khu vực khác gây ngập úng.

Ông Ngô Lực Tải - nguyên giám đốc Sở Giao thông công chính TP (Sở Giao thông vận tải TP hiện nay) - cho rằng ngoài san lấp, quy hoạch đô thị không hợp lý là nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt. “Từ năm 1999 đến nay, dân số TP tăng 41% nhưng quy hoạch, hạ tầng đô thị không đáp ứng kịp thì ngập là chuyện đương nhiên.

Vì vậy việc phát triển TP đến năm 2020 là siêu đô thị với khoảng 10 triệu dân trên hạ tầng hiện nay thì tình trạng ngập sẽ trầm trọng thêm” - ông Tải cảnh báo. Thạc sĩ Bạch Anh Tuấn (Trường đại học Tôn Đức Thắng) đồng tình việc quy hoạch đô thị không hợp lý là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt.

Theo ông Tuấn, ngay từ thời Pháp thuộc đã có nhiều nhà khoa học khuyến cáo nên phát triển đô thị TP ở những khu vực cao là hướng đông và đông bắc thay vì hướng nam như hiện nay. “Khu vực phía nam là nơi chứa nước của TP. Nếu TP cứ phát triển đô thị về phía nam như Q.7, huyện Nhà Bè thì nhiều khu vực ở Q.6, Q.8 sẽ bị ngập thảm thiết trong tương lai” - ông Ngô Lực Tải cảnh báo.

Sau mỗi năm TP HCM lại ngập nặng hơn. Ảnh: Kiên Cường

Trả lại diện tích chứa nước

Để chống ngập, theo các nhà khoa học, ngoài các giải pháp làm cống thoát nước, phải trả lại diện tích chứa nước bị mất trước đây bằng cách xây dựng các hồ, đồng thời hạn chế phát triển đô thị về hướng nam, tây nam TP.

GS.TS Lê Huy Bá đề xuất: đối với những vùng thấp nên xây dựng hồ điều tiết dạng chìm để chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát hoặc có thể xây dựng các hồ điều tiết dạng nửa nổi nửa chìm tại các quận 2, 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh để tăng khả năng trữ nước.

Đồng tình với giải pháp trên nhưng ông Bạch Anh Tuấn kiến nghị phải tăng thêm cả diện tích thấm nước tự nhiên, hạn chế bêtông hóa quá trình phát triển đô thị. Theo ông Tuấn, chủ trương làm vỉa hè không bêtông (trồng cỏ, cây kiểng) mà Sở Giao thông vận tải TP đang thực hiện là một trong những hình thức tăng diện tích thấm nước tự nhiên, nhưng số lượng vỉa hè như thế hiện quá ít.

Ông Nguyễn Ngọc Công, phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết đang xây dựng đề án trình UBND TP về việc xây dựng các hồ điều tiết nước, giúp giảm ngập tại các khu vực cụ thể. Các hồ này phải chiếm diện tích 17% so với diện tích đất tự nhiên. Ngoài xây các hồ lớn, trung tâm kiến nghị trong mỗi dự án cụ thể, các chủ đầu tư phải dành một phần diện tích để phát triển cây xanh và xây dựng các hồ chứa nước tương ứng. Các hồ này có thể nối thông với hệ thống thoát nước của TP...

Những giải pháp chống ngập tại hội thảo nêu trên sẽ được tập hợp thành kiến nghị gửi UBND TP và các bộ ngành liên quan.

Các dự án chống ngập đang triển khai tại TP.HCM:

- Quy hoạch tổng thể về tiêu thoát nước TP.HCM đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2001. Dự án nhằm cải tạo, xây dựng hệ thống nước mưa kết hợp cải tạo kênh rạch hồ chứa hiện có, cải tạo, nâng cao khả năng tiêu thoát nước của kênh rạch.

- Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè nạo vét mở rộng kênh kết hợp xây dựng bờ kè, xử lý nước thải trước khi đổ ra kênh. Dự án nâng cấp đô thị thành phố lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm giải quyết ô nhiễm, thoát nước của kênh này.

- Dự án cải thiện môi trường khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, rạch Hàng Bàng nhằm cải thiện điều kiện thoát nước khu vực này. Dự án quy hoạch chống ngập úng cho thành phố được Chính phủ phê duyệt tháng 10/2008, thực hiện các giải pháp cơ bản vấn đề ngập do triều, lũ lớn, mưa to bằng cách xây dựng hệ thống đê bao và cống kiểm soát mực nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy hoạch không hợp lý TP.HCM ngày càng ngập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO