Những vướng mắc thập kỷ

THANH PHƯƠNG| 02/12/2009 08:38

Trong thu hút đầu tư bất động sản, có những trở ngại đã kéo dài hàng chục năm nhưng lại tiếp tục nổi lên trong thời gian gần đây.

Những vướng mắc thập kỷ

Trong thu hút đầu tư bất động sản (BĐS), có những trở ngại đã kéo dài hàng chục năm nhưng lại tiếp tục nổi lên trong thời gian gần đây. Các nhà đầu tư cho rằng những “vướng mắc thập kỷ” lại đang có những tác động rõ rệt hơn tới môi trường đầu tư hiện tại.

“Giữ con chim đậu”

Nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho thị trường BĐS có vẻ như đang quay trở lại trong quý này, đáng kể là một số dự án có vốn lớn, như dự án thành phố mới ở Nhơn Trạch của Tập đoàn Berjaya (Malaysia) - 2 tỷ USD; hai dự án của các tập đoàn Mỹ đầu tư gồm khu du lịch sinh thái Bãi Biền Rồng ở Quảng Nam (4,15 tỷ USD) và giai đoạn một của dự án thành phố phía nam tỉnh Phú Yên (1,68 tỷ USD trong tổng mức đầu tư của dự án dự kiến lên đến 11 tỷ USD).

Bất động sản TP.HCM còn quá nhiều vướng mắc trong thủ tục hành chính - Quý Hòa

Tuy nhiên, một số người còn lo ngại về tiến độ giải ngân của các dự án cũng như tính bền vững của những đồng vốn đầu tư. Tại một diễn đàn về đầu tư BĐS mới diễn ra ở TP.HCM, ông Martin H.Kaye, Tổng giám đốc Millennium Group nhận xét, VN có vẻ nghiêng về thu hút thêm nhà đầu tư mới mà quên chăm sóc những người đã đặt chân vào thị trường. Theo ông, có nhiều dự án đã được cấp phép hoặc được chấp thuận cho đầu tư nhưng gặp khó khăn trong triển khai, và không ít nhà đầu tư đã tốn nhiều năm theo đuổi một dự án. Ông nói: “Chim bay trên trời có thể đậu lại mảnh đất này, nhưng ngay cả khi đậu rồi nó vẫn có thể bay đi”. Nên xem sự ví von này như một lời cảnh báo! Ông Kaye cho biết, áp lực của khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và châu Âu vẫn còn nặng nề, do đó, việc xem xét lại hiệu quả những đồng vốn đầu tư ra nước ngoài đang được tính toán kỹ.

Hai nút thắt

Một nhận định đáng lưu ý của ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty Bất động sản CB Richard Ellis, là lợi thế cạnh tranh của VN đang bị giảm, mà một trong những nguyên nhân là do quy trình thủ tục đầu tư. Không quá khó để tìm thấy những ví dụ về vấn đề này. Tại diễn đàn nêu trên, một nhà đầu tư trong nước cho biết, dự án của ông được nhiều người khen là nhanh, nhưng cũng phải mất 24 tháng cho khâu xin giấy phép đầu tư. Ông nói: “Đó là người mình hiểu mình, chứ đối với các nhà đầu tư nước ngoài thiếu sự am hiểu thủ tục bản địa, tôi tin họ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn”.

Theo ông Townsend, thủ tục đầu tư ở các nước trong khu vực đơn giản và nhanh hơn nhiều, chỉ mất khoảng vài tháng. Ông cảnh báo, vốn đầu tư trên thế giới đang có dấu hiệu cạn kiệt từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư đang ở thế phải lựa chọn thị trường. Do vậy, khi nhận thấy hiệu quả đầu tư vào các dự án ở VN thấp, họ sẽ ra đi.

Một nút thắt khác là những vướng mắc trong giải tỏa đền bù. Vấn đề tuy rất cũ nhưng lại được các nhà đầu tư đề cập nhiều nhất tại các diễn đàn, với mục đích tìm kiếm những giải pháp phát triển thời kỳ hậu khủng hoảng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thắc mắc tại sao ở VN có quá ít khu đất “sạch” (đã được nhà nước thực hiện giải tỏa đền bù 100% diện tích) để đưa ra đấu giá, đấu thầu. Họ cho rằng, chủ trương để chủ đầu tư dự án phải tự thương lượng với dân trong vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng thực sự không hiệu quả. Có quá nhiều gút mắc trong việc định giá bồi thường cũng như những hạn chế trong khả năng thương lượng. Giới quan sát cho rằng, hai nút thắt trên đã làm giảm độ hứng khởi của các nhà đầu tư đối với thị trường BĐS VN.

Tiếp tục chờ...

Nhận định về nút thắt thủ tục hành chính, ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - địa phương đang rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư, thừa nhận “đây là câu chuyện đã kéo dài hơn 20 năm qua”. Theo ông, chủ trương tinh giản thủ tục đã không được các cấp thừa hành thực thi nghiêm túc.

Nhiều nhà đầu tư đã từng phản ảnh những bất cập trong xin cấp phép đầu tư, trong đó việc cán bộ công chức giấu thông tin, gây khó dễ, nhũng nhiễu, vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm... khá phổ biến. Có ý kiến cho rằng, để giải quyết rào cản thủ tục hành chính, việc tiếp tục nghiên cứu để đơn giản quy trình chỉ là một nhánh của vấn đề. Điều quan trọng hơn nằm ở quyết tâm thực thi nghiêm túc các quy định quản lý và chế tài đối với hoạt động của bộ máy công quyền. Theo đó, mỗi cán bộ gây chậm trễ quy trình đều phải bị quy trách nhiệm và bị kỷ luật.

Tại hội nghị thu hút đầu tư của các tỉnh, thành tổ chức ở TP.HCM mới đây, đại diện chính quyền các địa phương cũng đã hứa hẹn nhiều giải pháp giải quyết vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Chí Dũng đồng tình với việc chính quyền cần đồng hành với chủ đầu tư dự án, “vì nếu cứ thả nổi cho nhà đầu tư lo liệu thì e rằng họ không kham xuể”.

Đối với Kiên Giang - tỉnh đang chú trọng thu hút đầu tư vào các dự án BĐS du lịch, ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận, có nhiều dự án không giải quyết được vấn đề giải tỏa đền bù chỉ ở 10 - 20% diện tích còn lại. Ông cho biết, thực tế ở Kiên Giang, trước nay chính quyền chỉ tham gia cưỡng chế nhằm phục vụ các dự án công, chứ chưa can thiệp cho các dự án của khu vực đầu tư của tư nhân. Tuy nhiên, sắp tới tỉnh định hướng ủng hộ và hỗ trợ cho các dự án đã bồi thường, giải phóng được 90% mặt bằng, “có xem xét về mức độ thỏa đáng của giá bồi thường cũng như tính khả thi của các phương án tái định cư”. Tỷ lệ này được đại diện chính quyền thành phố Cần Thơ nêu là 80%.

Tuy nhiên, các địa phương cũng cho rằng, để việc chính quyền can thiệp vào vấn đề giải phóng mặt bằng thuộc các dự án của nhà đầu tư tư nhân được thực hiện thông suốt, cần có chủ trương thống nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những vướng mắc thập kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO