Hẹp cửa đầu tư hạ tầng

HẢI ÂU| 31/10/2012 00:35

Hạ tầng luôn được nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đánh giá là có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến hiện thực là một khoảng cách quá xa vời.

Hẹp cửa  đầu tư hạ tầng

Hạ tầng luôn được nhà đầu tư (NĐT) trong nước lẫn nước ngoài đánh giá là có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến hiện thực là một khoảng cách quá xa vời.

Đọc E-paper

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), đã từng chia sẻ "dự án thì rất nhiều nhưng không phải cái nào cũng đầu tư được". Theo đó, doanh nghiệp (DN) phải cân đối được bài toán tài chính của DN lẫn tính được đầu ra cho dự án.

Nói chuyện "đầu ra" lại nhớ đến công trình cầu Phú Mỹ của Công ty CP BOT Cầu Phú Mỹ. Hiện tại, đường Vành Đai Đông (nối từ Liên tỉnh lộ 25B, đoạn giáp đường dẫn cầu Phú Mỹ đến ngã tư Bình Thái) vẫn chưa đâu vào đâu nên việc thu phí để thu hồi vốn của chủ đầu tư chẳng phải chuyện dễ dàng.

Mới đây, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Vina Capital, cho biết, trong số 4 quỹ mà VinaCapital quản lý, quỹ hạ tầng Vietnam Infrastructure Ltd. (VNI) là gặp nhiều khó khăn nhất. Cụ thể, tỷ lệ chiết khấu của giá trị tài sản ròng (NAV)/chứng chỉ quỹ ở mức 44%.

Một phần giá trị của quỹ này đã bị mất do đầu tư vào cổ phiếu của các công ty hạ tầng trên sàn. Tuy nhiên, ông Andy Ho cũng nhấn mạnh, khoản đầu tư khó nhất là đầu tư vào công trình cầu Phú Mỹ bởi giá trị công trình đã giảm nên VNI xem như mất một khoản tiền. Hiện tại, quỹ này cũng đang tìm cách thoái vốn khỏi một số dự án để trả tiền lại cho NĐT.

Dù tham gia đầu tư trực tiếp hay gián tiếp thì các DN đầu tư hạ tầng giao thông cũng "đau đầu" không chỉ đầu ra mà còn ở khâu chuẩn bị đầu vào. Lĩnh vực này đòi hỏi lượng vốn lớn nhưng thời gian thu hồi kéo dài nên thực chất đây là sân chơi của những ai có tiềm lực.

Đa phần các DN tư nhân tham gia đầu tư đều có chiêu "lấy ngắn nuôi dài", thông qua việc đầu tư bất động sản (BĐS), khoáng sản, kinh doanh các ngành khác...

Chẳng hạn như Tập đoàn Bitexco, sau khi xây dựng quốc lộ 1A, tuyến đường tránh TP. Thanh Hóa theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) khá thành công (thu hồi vốn bằng hình thức thu phí giao thông), DN này cũng là NĐT tư nhân đầu tiên tham gia đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo mô hình PPP (hợp tác công - tư) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có mấy DN được như CII và Bitexco, một bên có lợi thế về đầu tư các công trình có nguồn thu (đặt trạm thu phí); một bên có lợi thế về vốn...?

Theo đó, nếu chọn BĐS là "đòn bẩy" mà thị trường lâm vào thế ảm đạm như hiện nay, không ít DN phải giãn tiến độ của các công trình hạ tầng.

Chẳng hạn như Công ty CP Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI), khi tiến hành niêm yết vào năm 2010, Ban lãnh đạo công ty tính toán họ sẽ tăng vốn điều lệ, huy động vốn để đầu tư các tuyến đường bằng việc khai thác quỹ đất (13 dự án, với 377ha) tại TP.HCM, Long An, Bình Dương... nhưng BĐS đang khó về đầu ra nên PPI khó để hoàn tất các kế hoạch đã nêu trước khi "chào sàn".

Thậm chí, năm 2011, khi nhận đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) dự án tỉnh lộ 830 (nối TP.HCM - Long An), PPI cũng nghĩ đến phương án là khai thác quỹ đất dọc công trình này (quy hoạch thành Khu công nghiệp, dịch vụ...) để bổ sung vốn cho dự án (với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng) nhưng với tình hình này, không phải dễ để PPI hiện thực hóa dự định.

Với những khó khăn về vốn và tìm giải pháp thu hồi vốn, hạ tầng giao thông xem ra vẫn còn hẹp cửa với khu vực tư nhân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hẹp cửa đầu tư hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO