Giá bất động sản và thông tin "khắc xuất - khắc nhập"

NGUYÊN BẢO| 10/04/2017 06:47

Việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức là vấn đề quan trọng khiến dư luận quan tâm, một phần vì nếu đề án thành hiện thực, giá trị nhà, đất ở ba quận này sẽ tăng cao.

Giá bất động sản và thông tin

Tháng 1/1997, tại TP.HCM, Chính phủ cho thành lập quận Thủ Đức, quận 2, 7, 9, 12 đã tác động ít nhiều đến thị trường bất động sản. Nhưng mãi đến năm 2001 - 2002, thị trường nhà đất mới lên "cơn sốt", nhất là tại quận 2, tình trạng phân lô bán nền diễn ra mạnh mẽ, có thể kể đến một số khu như Huy Hoàng, Phú Nhuận (phường Thạnh Mỹ Lợi), An Phú - An Khánh...  

Đọc E-paper

Tuy nhiên, đến nay, các khu này vẫn còn nhiều nền nhà chưa xây dựng, bất chấp giá đất giao dịch trên thị trường thứ cấp đã cán mức 40 triệu đến trên 100 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Cuối năm 2016, thị trường rộ lên thông tin quận 4 sáp nhập với quận 1 cũng khiến giới đầu tư bất động sản nhấp nhỏm. Thậm chí, một vài chủ đầu tư đã truyền thông về giá trị gia tăng bất động sản tại quận 4 mà khách hàng có thể nhận được khi "một mai quận 4 về chung nhà quận 1". Sự việc "nóng" đến mức, trong cuộc họp báo cuối năm (ngày 29/12), người phát ngôn của UBND TP.HCM đã phải khẳng định chính quyền thành phố không có chủ trương ấy.

Nay lại đến chuyện đề án sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức. Đây là vấn đề quan trọng khiến dư luận rất quan tâm, dĩ nhiên ở góc độ nào đó sẽ khó tránh khỏi tâm trạng mừng vui khấp khởi vì nếu đề án thành hiện thực, giá trị nhà, đất ở ba quận này sẽ tăng cao.

Nhưng có luồng ý kiến cho rằng, chuyện tách nhập địa giới hành chính khác với truyện Cây tre trăm đốt, những khúc tròn hay méo, ngắn hay dài đều có thể "khắc nhập - khắc xuất", nói thì dễ nhưng làm lại không đơn giản.

Nếu nhập quận 4 với quận 1 là rất khập khiễng bởi hạ tầng "cứng" lẫn "mềm" hoàn toàn khác nhau. Điều này tương tự với chuyện huyện Nhà Bè hay Bình Chánh lên quận, phải có sự nghiên cứu, đánh giá những tác động tốt xấu trong và sau khi diễn ra động thái "nâng cấp" hay chia tách.

Đề án Chính quyền đô thị trước đây đã đề cập đến việc TP.HCM sẽ có một trung tâm và 4 thành phố vệ tinh, ứng với 4 hướng Đông - Bắc - Tây - Nam (mô hình thành phố trong thành phố), nên việc có thành phố Thủ Đức không là chuyện lạ, nhưng không dễ ngày một ngày hai.

>>5 phương pháp tự định giá nhà đất

Trao đổi với giới truyền thông về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho rằng, tốc độ đô thị hóa tại các quận đã chia tách diễn ra nhanh chóng, cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Thành phố đã nghiên cứu, đề xuất với Trung ương về chủ trương này nhưng việc triển khai phải có lộ trình, từ xây dựng đề án cụ thể trình Thường trực UBND Thành phố và Thành ủy xem xét, có thể phải có ý kiến của Hội đồng nhân dân TP.HCM rồi mới trình Trung ương.

Nhưng những thông tin "khắc xuất - khắc nhập" như trên lại là "cơ sở" để giới bất động sản vin vào "té nước theo mưa". Giá bất động sản tại một số khu vực ở huyện Bình Chánh, quận 9, Nhà Bè có hiện tượng tăng cục bộ.

Tại quận 9, tính đến hết quý I/2017, giao dịch bất động sản trên thị trường thứ cấp đã tăng đến hơn 50%. Thậm chí, giá đất nền gần phà Bình Khánh (Nhà Bè) ở mức 25 triệu đồng/m2, cao hơn một số khu ở quận 2 nhưng khách hàng vẫn tranh nhau mua.

Diễn biến của thị trường khiến người ta nhớ đến việc bao người mang tiền đổ vào Thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) năm 2002, 2007 với tâm lý đầu tư "đi tắt đón đầu" các công trình cầu đường Nhơn Trạch nối quận 9, TP.HCM, đường sắt nối Sân bay Quốc tế Long Thành với TP.HCM. Nhưng đến nay, dân đến ở tại khu đô thị mới này vẫn thưa thớt, tính thanh khoản ở thị trường thứ cấp không như kỳ vọng, trong khi về mặt quy hoạch, tỉnh Đồng Nai đã thu hẹp quy mô dân số và diện tích của thành phố vệ tinh này.

>>Anh: Giá nhà đất đe dọa đà hồi phục kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá bất động sản và thông tin "khắc xuất - khắc nhập"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO