Buông xuôi!

XUÂN HÒA| 13/12/2012 09:33

Càng gần cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) càng thấy cơ hội về đích trở nên mịt mù.

Buông xuôi!

Càng gần cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) càng thấy cơ hội về đích trở nên mịt mù.

Đọc E-paper

Đích về xa quá

Theo ghi nhận từ các báo cáo tài chính quý III năm nay, những DN BĐS tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2012 chỉ lác đác vài đơn vị. Có thể kể ra các tên tuổi như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), Công ty CP Khang An (KAC), VinGroup (VIC), Đất Xanh (DXG)... Còn lại, hầu hết DN mới đi được một phần chặng đường vạch ra, thậm chí thua lỗ.

Ngày về đích trở nên rất xa không chỉ với những DN BĐS yếu thế mà cả với những DN có uy tín như Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH). Theo chia sẻ của lãnh đạo DN này thì TDH gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Trước tình hình BĐS ảm đạm, tiêu thụ sản phẩm của TDH bị trở ngại. Vì thế, trong quý III/2012, doanh thu bán hàng và dịch vụ của TDH chỉ đạt 73,8 tỷ đồng, ước bằng 1/10 kế hoạch doanh thu cả năm. Tình hình này cộng với sự sa sút trong các quý trước đã khiến TDH không mong gì hoàn thành kế hoạch.

Trên thực tế, TDH không chỉ gặp khó khăn trong bán hàng mà còn chịu tác động nặng nề từ biến động của thị trường chứng khoán. TDH đã phải trích dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn hơn 10 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, dù TDH đã tìm cách giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN, cũng như chi phí lãi vay nhưng trước áp lực phải trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, chi phí trong quý III/2012 vẫn vượt lãi gộp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của TDH.

Lãnh đạo TDH cho biết, Công ty đang thúc đẩy bán hàng, cắt giảm chi phí, tìm cách thoái bớt vốn ở một số khoản mục đầu tư... Mặc dù vậy, mục tiêu 59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST) năm 2012 vẫn xem ra quá sức.

Với Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC), làm sao đạt thêm 66 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT) trong quý IV còn lại là bài toán không dễ giải. Vì suốt 9 tháng trong năm, phấn đấu lắm HDC cũng chỉ đạt được 29,9 tỷ đồng LNTT.

Quan trọng hơn, gần 70% nguồn thu của HDC trông chờ vào kinh doanh BĐS. Đây là hoạt động không sinh lãi cao vì giá vốn luôn chiếm 70 - 75% doanh thu và xu hướng giá vốn trong kinh doanh BĐS của HDC lại có chiều hướng tăng.

Vừa qua, HDC mở bán đợt 1 dự án khu biệt thự Đồi Ngọc Tước II. Đây là dự án thuộc phân khúc trung cao cấp, dành cho đối tượng muốn có nơi nghỉ dưỡng, du lịch hơn là cần nơi ở.

Trong điều kiện mà tiêu thụ BĐS chỉ xuất hiện ở những dự án đáp ứng mong mỏi về nhà ở cho khách hàng thì việc tìm cách tiêu thụ 20 căn biệt thự có giá từ 4 - 9 tỷ đồng/căn, tùy diện tích và vị trí là cả áp lực cho HDC.

Kịch bản nào cho năm 2013?

Ngay những DN có kết quả kinh doanh tốt như BCI, KAC cũng không nhìn về năm 2013 với cái nhìn lạc quan. Doanh thu 9 tháng của BCI sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011và chỉ bằng 12,7% mục tiêu cả năm.

Nếu không nhờ nguồn thu đột biến từ chuyển nhượng cổ phiếu PPIP với giá trị 362,4 tỷ đồng, BCI đã lỗ chứ không phải lãi. Tương tự, KAC bị lỗ trong quý III/2012 nhưng với khoản lãi từ chuyển nhượng 80% dự án KDC-Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM) cho DacinHoldings, Singapore (diễn ra trong quý II/2012), tổng kết 9 tháng, KAC có lãi vượt xa kế hoạch.

Đa số lãnh đạo DN BĐS cho rằng, tình hình trì trệ trên thị trường BĐS vẫn còn tiếp tục không chỉ trong năm 2013 mà còn có thể kéo dài đến năm 2014. Vì thế, một giải pháp làm sao tồn tại trong suy thoái đã được các DN nghĩ tới.

Trên thực tế, BCI đã có những chiến lược đối phó với khó khăn từ các năm trước. Công ty thận trọng trong vay vốn, nên 100% nợ vay của BCI là nợ dài hạn.

Ngoài việc phân bổ lại các khoản vay, chỉ rót tiền đầu tư vào những dự án cần đảm bảo tiến độ là lựa chọn ưu tiên của nhiều DN. Thậm chí, một DN BĐS ở TP.HCM cho biết, DN này đã lên kế hoạch thoái khỏi mọi dự án mà mình "không kham nổi".

Đó là những dự án chỉ mới ở khâu thủ tục, thuộc phân khúc khó có khách hàng, hay những dự án mà DN chưa tham gia sâu. Tuy nhiên, theo thừa nhận của lãnh đạo DN này, thoái vốn trong bối cảnh DN hiện tại, thua lỗ từ thoái vốn là điều DN phải tính đến.

Ngoài ra, tìm cách chuyển hướng công năng dự án cho phù hợp với nhu cầu thị trường, gọi thêm vốn đã và sẽ là hoạt động sôi động trong năm 2013 của DN BĐS.

Trước mắt, theo thông tin từ đại hội cổ đông bất thường năm 2012, DXG đã có kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi, từ 320 tỷ đồng lên 420 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ.

Liên quan đến các chỉ tiêu cụ thể, một số DN cho biết, họ sẽ vạch mục tiêu cho năm 2013 dựa trên nền tảng kinh doanh của năm cũ. Đó là con số không khác biệt nhiều so với năm nay và chắc chắn không phải là con số sau cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Buông xuôi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO