Bỏ thu phí bảo trì 2% giao cho chủ đầu tư - Cư dân ngóng chờ

Ý Nhi| 07/06/2020 05:41

Việc thu và sử dụng quĩ bảo trì đang là vấn đề nóng tại các chung cư khi có trên 70% khiếu nại tại TP.HCM nhưng vẫn chưa có hồi kết. Dù đã có nhiều quyết định xử phạt, thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm.

Bỏ thu phí bảo trì 2% giao cho chủ đầu tư - Cư dân ngóng chờ

Đa phần các tranh chấp xoay quanh vấn đề chủ đầu tư cố tình không chịu bàn giao phí bảo trì hoặc chỉ bàn giao một phần hay là sử dụng quỹ này không minh bạch từ ban quản trị. 

Theo thống kê của Sở xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM đang có khoảng hơn 900 chung cư xây dựng sau luật nhà ở 2005 nhưng chỉ có khoảng 194 chung cư đã và đang bàn giao kinh phí bảo trì. Sở xây dựng cũng đã thống kê một loạt chung cư đang chây ỳ bàn giao khoản phí này và có tình trạng nhập nhằng thâm niên về quỹ bảo trì như Cao ốc Scres, quận 3, TP.HCM, chung cư Khang Gia Tân Hương, chung cư Trương Đình Hội, trong đó,  nhiều chủ đầu tư như: Chung cư New Town, New Sài Gòn, Hưng Ngân, Hoàng Anh River View, Trung Đông Plaza, Phú Hoàng Anh, Full House ...đã bị xử phạt hành chính. 

Để giải quyết các mâu thuẫn này, Sở xây dựng TP.HCM đã kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2%, việc thu sẽ do Ban quản trị thu trong quá trình quản lý và sử dụng theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định. Dù chỉ mới là kiến nghị nhưng thông tin này đang được cư dân rất quan tâm. 

Một cư dân cao ốc Scres, quận 3, TP.HCM cho rằng: “Hiện nhiều căn hộ tại Scres đã xuống cấp nhưng chủ đầu tư không sửa chữa. Theo tôi, quỹ bảo trì đóng hàng tháng, bỏ vào ngân hàng, khi cư dân muốn sửa chữa cái gì thì  quỹ sẽ thực hiện theo nguyện vọng, nếu thiếu bao nhiêu chúng tôi đóng thêm". 

Ý kiến trên cũng là đại diện cho nhiều cư dân mong sớm được thông qua kiến nghị. Bởi số tiền 2% trên giá trị căn nhà được bỏ ra từ túi của cư dân quả không phải là ít, trong khi phí bảo trì còn thiếu tính minh bạch, quy định xử phạt vẫn còn chưa đủ sức giải quyết triệt để. Thực tế, rất nhiều chủ đầu tư đang dùng quỹ này để gửi tiết kiệm sinh lãi".

Theo Sở xây dựng TP.HCM, với kiến nghị này sẽ giải quyết được 2 vấn đề, thứ nhất giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân lúc nhận bàn giao nhà, hai là chủ đầu tư hoặc ban quản trị cũng không thể chiếm dụng vì số tiền này sẽ thu từ từ. Khi thu như vậy, sẽ có sự kiểm soát chặt hơn và phát huy được vai trò tập trung quản lý của ban quản trị. Ông Nguyễn Thanh Hải-Trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM: “Ban quản trị mở một tài khoản và phải có đồng chủ tài khoản, thông qua phải có chữ ký của toàn bộ thành viên. Những loại chi nào thuộc kinh phí bảo trì thì ban quản trị làm dự toán, thông qua hội nghị nhà chung cư. Nộp tiền bằng chuyển khoản. 

Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương-Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam: “Tất cả dân cư tại các căn hộ đều sở hữu bất động sản hợp pháp, trường hợp này cần có sự tham gia của cơ quan Nhà nước, đặc biệt là đơn vị về kiểm toán và các cơ quan cấp cơ sở, công an phường xã…để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân”.

Theo ông Nguyễn Duy Thành-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Nhà toàn cầu (Global Home), về bản chất, việc xung đột giữa chủ đầu tư và cư dân không phải nằm ở việc thu quỹ bảo trì 2%, mà là vai trò quản lý của các cơ quan chức năng. Nếu không xử lý quyết liệt và triệt để thì các xung đột vẫn xảy ra và không có hồi kết.

Cụ thể, đến giai đoạn cuối cùng để cư dân nộp tiền nhận bàn giao căn hộ thì sẽ nộp 2% vào tài khoản ngân hàng bảo lãnh, với chương mục quỹ bảo trì chung cư. Lúc này, ngân hàng sẽ phải tách ra làm 2 luồng, tiền nào về chủ đầu tư, tiền nào vào tài khoản 2% quỹ bảo trì. Khi tiền của người dân chuyển vào mục quỹ bảo trì, thì ngân hàng sẽ phải chuyển khoản tiền đó thành khoản tiết kiệm có kỳ hạn ít nhất là một năm. Như vậy, lãi suất của người dân sẽ được tăng lên. Và đương nhiên, chủ đầu tư sẽ không được phép sử dụng hay rút số tiền quỹ bảo trì của người dân ra. Đến khi nào ban quản trị được thành lập thì chủ đầu tư gửi công văn, văn bản và các giấy tờ liên quan đến ngân hàng để làm thủ tục chuyển dịch chủ sở hữu. Từ lúc này, ban quản trị sẽ thực hiện sử dụng tiền bảo trì theo quy chế hội nghị nhà chung cư. Song, bắt buộc tất cả các giao dịch phải thông qua chuyển khoản. Như vậy, khi thay thế ban quản trị khác thì vẫn có thể truy xuất lịch sử giao dịch, sử dụng quỹ bảo trì, chỉ cần động tác sao kê ngân hàng là ra hết. Rất minh bạch và công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bỏ thu phí bảo trì 2% giao cho chủ đầu tư - Cư dân ngóng chờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO