Bloomberg: Bắt đầu hình thành bong bóng BĐS tại Việt Nam

TĂNG KHÁNH| 07/12/2015 07:16

Thị trường bất động sản (BĐS) hồi sinh nhanh chóng và cũng dần hình thành bong bóng BĐS.

Bloomberg: Bắt đầu hình thành bong bóng BĐS tại Việt Nam

Giới trẻ giàu lên, các chính sách cho vay mua nhà dễ dàng đang giúp thị trường bất động sản (BĐS) hồi sinh nhanh chóng. Đồng thời, bong bóng BĐS cũng bắt đầu thành hình ngày một rõ ràng. Đó là nhận định về thị trường BĐS Việt Nam được trang tài chính kinh doanh Bloomberg.com đăng tải.

Bài viết có nội dung như sau:

Thị trường cho vay mua nhà bùng nổ

Nhân viên văn phòng Lê Trang và chồng không nghĩ rằng họ có thể mua một căn hộ 3 phòng ngủ trên một tầng cao ở vùng ngoại ô TP.HCM. 

Bằng cách thế chấp tài sản, cặp vợ chồng trẻ đã có thể mua được căn hộ ngay sau khi cưới nhau. Các cặp vợ chồng mới cưới được đảm bảo một khoản vay kéo dài 15 năm để mua căn hộ 78m2 đã thu hút hàng chục ngàn người mua nhà lần đầu tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự bùng nổ ngành "công nghiệp" cho vay mua nhà tại Việt Nam, trị giá 40 tỷ USD.

Các khoản vay mua nhà tăng 22% kể từ tháng 8/2015, đánh dấu sự thay đổi trong truyền thống mua sắm các tài sản giá trị cao của người dân. Tại Việt Nam, mọi người thường bỏ ra một khoản tiền mặt để mua nhà, thay vì vay mượn, thế chấp.

Các khoản vay mua BĐS chiếm khoảng 8% tổng số các khoản vay của các ngân hàng. Nó góp phần vào sự phục hồi thị trường BĐS khi các doanh số đã tăng gấp đôi trong năm nay. Sự hồi sinh BĐS cũng được thúc đẩy bởi yếu tố nhân khẩu học khi có đến 60% dân số Việt Nam ở độ tuổi dưới 35 và đang có xu hướng di cư lên các thành phố lớn.

Nirukt Sapru - Giám đốc điều hành Standard Chartered Bank tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Thế hệ trẻ ngày càng giàu có hơn, chất lượng công việc tốt hơn, và họ có nhiều khả năng để có nhà riêng nhiều hơn”. Các ngân hàng ước tính, thị trường thế chấp đang tăng trưởng khoảng 3 tỷ USD/năm.

"Chỉ cách đây 6 năm, khi Indochina Land mở bán các căn hộ chung cư, người dân mang đến một bao tải tiền mặt, cùng với sự hộ tống của cảnh sát để hoàn tất việc mua nhà", ông Tony Diệp – Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư của Indochina Capital kể lại. “Bạn sẽ phải xếp thật ngay ngắn các cọc tiền trên chiếc bàn ở một căn phòng và 3 chiếc máy đếm tiền làm việc hết công suất cùng lúc”, ông kể tiếp.

Tuy nhiên, ông Diệp cũng cho biết, việc mua nhà tại Việt Nam đang dễ dàng hơn bao giờ hết. Các nhà phát triển dự án BĐS đang xây dựng những sản phẩm có giá cả phải chăng để phù hợp với các cặp vợ chồng trẻ và hợp tác với các ngân hàng để có nhiều khoản cho vay, hỗ trợ người mua nhà.

Nam Long Investment Corp. – đơn vị xây dựng nhà giá rẻ hàng đầu tại Việt Nam dự kiến bán được 80% sản phẩm, tương đương 2.450 căn hộ, thông qua các khoản vay thế chấp. Con số này tăng trưởng vượt bậc khi vài năm trước, công ty chỉ bán được 30% căn hộ theo hình thức này. 

Ngân hàng TMCP phát triển TP.HCM (HD Bank) – ngân hàng đối tác của Nam Long đã cho các nhân viên các suất vay mua nhà trong sự kiện mở bán căn hộ. Các khoản vay thế chấp tại HD Bank chiếm khoảng 40%, nhiều hơn gấp 3 lần so với năm 2012, theo Giám đốc khối khách hàng cá nhân Trần Quốc Anh. "Mục tiêu là các khoản vay thế chấp sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 3 năm tới, đạt 5.000 tỷ đồng", ông Trần Quốc Anh cho biết thêm. 

Hình thành bóng bóng BĐS

Khách hàng đến HD Bank vay thế chấp chủ yếu là những cặp vợ chồng trẻ khoảng 30 tuổi với thu nhập hàng năm 12.000-15.000 USD.

“Thị trường vay thế chấp sẽ phát triển khi số người trẻ trung lưu và thượng lưu tăng lên”, Giám đốc chiến lược Nguyễn Lê Quốc Anh tại Techcombank cho biết. Cho vay mua nhà chiếm khoảng 1/5 các khoản cho vay tại ngân hàng.

Hình thức vay thế chấp trở nên phổ biến cùng với lượng BĐS tồn kho tạo nên nguy cơ bong bóng BĐS tại thị trường Việt Nam. “Tôi thấy nhiều người hăng hái đầu cơ vào BĐS và giá cả đang bắt đầu leo thang, cao hơn giá trị thực của các sản phẩm. Và một bong bóng BĐS đang hình thành”, ông Tony Diệp nhận định.

9/2015, hơn 25.000 căn hộ đang được rao bán tại thị trường sơ cấp TP.HCM. Con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2017, theo Savills Vietnam. Tại Hà Nội, cũng có gần 25.000 căn hộ trên thị trường sơ cấp và sẽ tăng lên 28.000 căn hộ trong năm tới. Doanh số bán nhà tại Hà Nội đã tăng lên 80% trong 11 tháng qua. Còn doanh số tại TP.HCM tăng 90%, theo số liệu của Chính phủ.

Thấp thỏm nỗi lo đội giá

Trong quý 3, giá căn hộ tại TP.HCM đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tại Hà Nội là 3%. Theo Stephen Wyatt – người đứng đầu tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp lĩnh vực BĐS Jones Lang LaSalle Inc. tại Việt Nam: “Giá cả sẽ còn tiếp tục tăng 2% mỗi quý trong năm 2016”.

Theo Alan Phạm - Chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital Group Ltd TP.HCM – lãi suất cho vay ổn định ở mức 8%/năm. Chính phủ cũng có gói 30.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Trong khi đó, tháng 7/2015, sau khi người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam cũng giúp thị trường tăng thêm 400 giao dịch từ đối tượng khách hàng này. 

Các khoản vay cho người mua nhà tăng 22% trong tháng 8/2015, so với 9,4% cùng kỳ năm 2012, theo số liệu ngân hàng trung ương. “Thị trường đã trưởng thành hơn so với vài năm trước đây khi nhà đầu tư, nhà phát triển và người mua đều có sự hiểu biết thị trường sâu sắc hơn và cũng thận trọng hơn”, Richard Leech – Giám đốc điều hành CBRE tại Việt Nam cho biết.

Là lần đầu mua nhà, chị Trang cảm thấy phấn khích lẫn lo lắng. Do khoản vay lãi suất 6% sẽ có sự điều chỉnh sau năm thứ 3. Trong khi đó lãi suất cho vay tại Việt Nam đã tăng 20% kể từ năm 2012 – khi lạm phát tại Châu Á đạt đỉnh điểm.

“Chúng tôi không biết chắc rằng có biến động kinh tế nào không. Vợ chồng tôi cảm thấy rất lo lắng vì nó thực sự ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”, chị Trang nói.

>Quá nhiều người Trung Quốc mua nhà, Australia cảnh báo bong bóng BĐS

>Căn hộ cao cấp: Xả hàng mới ra giá thật

>Diễn biến bất ngờ trên thị trường căn hộ

>Vì sao người nước ngoài chưa dám mua nhà ở Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bloomberg: Bắt đầu hình thành bong bóng BĐS tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO