Bất động sản trước áp lực giảm giá

Nguồn Báo Xây dựng| 18/12/2009 06:36

Sự biến động của giá vàng khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) và chứng khoán chùng xuống. Tuy nhiên theo nhận định chung của giới đầu tư, BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay

Bất động sản trước áp lực giảm giá

Sự biến động của giá vàng khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) và chứng khoán chùng xuống. Tuy nhiên theo nhận định chung của giới đầu tư, BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay.

Nhà đầu tư "nghiên cứu" 1 dự án (ảnh minh họa).

Mặc dù có những thời điểm thị trường BĐS đóng băng, giới đầu tư gặp khó khăn về tính thanh khoản nhưng xét diễn biến quá trình từ trước đến nay thì biểu đồ của thị trường này vẫn ổn định.

Tuy nhiên do nhu cầu hiện nay của thị trường đang ở mức thấp, muốn đẩy mạnh đầu ra thì chỉ có một cách hữu hiệu là giảm giá. Vì thế không ít ý kiến cho rằng, thị trường BĐS trong thời gian tới đang phải chịu áp lực giảm giá.

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường BĐS Vietrees, phân khúc thị trường căn hộ cao cấp đang có xu hướng điều chỉnh giảm giá. Trong tháng 10/2009 có đến 37 dự án giảm giá từ 1 - 5% so với giá chào bán trong tháng 9/2009.

Bất chấp thị trường chưa khởi sắc các chủ dự án vẫn tiếp tục bung hàng trong những tháng cuối năm. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2009, số lượng căn hộ mới được tung ra thị trường lên đến trên 12 nghìn căn hộ.

Đối với phân khúc đất nền, xu hướng giảm giá đang ngày càng mạnh mẽ và lan rộng. Thống kê của Vietrees, hiện tại có khoảng 36 dự án được ghi nhận giảm giá, con số này tháng 8 có 23 dự án. Thực tế, giá đất dự án đã giảm liên tiếp từ tháng 6 đến nay, những dự án ở Nam Sài Gòn mức giảm giá 30% so với giá tháng 4/2009.

Dù vậy, thị trường có những điểm sáng nhờ vào tiềm năng và quy mô của dự án. Vẫn có khách hàng bỏ ra không dưới 3 triệu USD để mua căn hộ penthouse diện tích lên đến 600 - 700m2 dự án Sunrise City. Tháng 11 vừa qua qua, Vietcombank đã mua 5.000m2 sàn trung tâm thương mại của dự án này để làm chi nhánh giao dịch Nam Sài Gòn.

Theo TS Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TPHCM, đầu tư BĐS vẫn là sự lựa chọn của đa phần các nhà đầu tư vì mức độ rủi ro thấp hơn nhiều so với vàng và chứng khoán. Cụ thể, tốc độ tăng giá thị trường BĐS vẫn tăng mạnh hơn và vượt xa tốc độ tăng của bảng giá đất ban hành năm của TPHCM.

Theo chuyên gia Nguyễn Sơn, không thể có chuyện cả thị trường BĐS, vàng, chứng khoán cùng nóng mà chỉ có một, nếu nhà đầu tư quan tâm ở thị trường nào đó thì luồng tiền sẽ chảy vào đó.

Giá vàng hiện đang là điểm nóng của thị trường nhưng ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý thuộc Ngân hàng Agribank cảnh báo, đầu tư vàng cực kỳ nguy hiểm, vàng là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn giá vàng có thể biến động rất mạnh và khó lường. Nếu những nhà đầu tư nào có tinh thần thép hãy tham gia đầu tư vào kênh này.

Nhìn ngắn hạn, nhà đầu tư dài hạn hiện đang quay lại thị trường BĐS. Nhưng nhu cầu của thị trường này về lâu dài là cực kỳ lớn. Đặc biệt chính sách cho người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài đang sống ở Việt Nam mua nhà.

Tuy nhiên đầu tư BĐS cần khoản tiền lớn, nên phải tính toán để làm sao đi được một con đường dài, không ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác. Đầu tư BĐS là trung hạn và dài hạn nên phải có một tầm nhìn từ 3 năm, 5 năm thậm chí là 10 năm.

Ông Lê Chí Hiếu, Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cho rằng đầu tư BĐS đòi hỏi vốn lớn nên nhà đầu tư phải cân nhắc rất nhiều yếu tố: tính thanh khoản của sản phẩm trên thị trường, tình trạng pháp lý, đền bù GPMB, quy hoạch; hạ tầng, giao thông kết nối. Ngoài ra, cần xét đến những tác động của chính sách: thuế các loại, tình trạng cho vay vốn của các ngân hàng...

Nếu các chính sách về thuế sớm được tháo gỡ trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ tăng trưởng trở lại. Vì xu hướng tâm lý của người Việt là mỗi người đều mong muốn sở hữu một BĐS cho mình. Tốc độ phát triển dân số rất nhanh, nên nhu cầu sở hữu nhà rất lớn. Hơn nữa TPHCM đang phấn đấu bình quân tăng lên từ 20m2 lên 25m2/đầu người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất động sản trước áp lực giảm giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO