Bất động sản công nghiệp vẫn gặp nhiều lực cản

Hương Giang - Hồng Sơn| 18/06/2019 00:02

Vì sự chậm trễ phê duyệt bảng giá cho thuê đất của cấp có thẩm quyền, trong bốn tháng đầu năm 2019, khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) chỉ mới cấp phép được cho hai dự án với vốn đầu tư đăng ký là 5 triệu USD.

Bất động sản công nghiệp vẫn gặp nhiều lực cản

Nhiều KCN bị chậm trễ việc mở rộng do vướng khâu giải tỏa mặt bằng.

Đây là con số bất thường nếu so với cùng kỳ những năm trước. Những năm gần đây, SHTP trung bình hằng năm thu hút khoảng 500 triệu USD, nhiều dự án có quy mô đầu tư hàng tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, SHTP đã có 14 lượt nhà đầu tư, trong đó có năm nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư, hợp tác. Nguyên nhân chính khiến cho quá ít dự án được cấp phép là bởi hiện nay, cấp có thẩm quyền của TP.HCM chưa phê duyệt bảng giá cho thuê đất mới tại SHTP.

Theo quy định của Luật Đất đai, đơn giá thuê đất hằng năm được ổn định trong 5 năm. Giá cho thuê đất trên địa bàn TP.HCM, trong đó có giá cho thuê đất tại SHTP, đã hết hiệu lực từ tháng 4/2018; nhưng cho đến nay, chưa có bảng giá thuê đất mới được ban hành.

Việc chưa có bảng giá đất mới đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ năm 2017 đến nay. Nhà đầu tư chưa thể triển khai dự án, chậm tiến độ theo cam kết trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, do ban quản lý SHTP phải tạm ngưng các thủ tục ban hành quyết định cho thuê đất và nhận bàn giao đất tại hiện trường. Đồng thời, ảnh hưởng đến thu hút dự án đầu tư công nghệ cao, hoàn thành kế hoạch xúc tiến đầu tư của SHTP. 

Đầu tháng 5/2019, SHTP đã có văn bản gửi UBND Thành phố về việc tạm áp dụng mức giá cho thuê đất và tạm tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong văn bản này, đại diện của SHTP cho rằng, việc ban hành quyết định mức tạm tính tiền thuê đất hằng năm trong SHTP để nhà đầu tư có cơ sở nộp vào ngân sách nhà nước trong thời gian chờ bảng giá đất mới là cấp thiết. Ban quản lý cũng yêu cầu nhà đầu tư cam kết thanh toán số tiền thuê đất chênh lệch (nếu có) khi UBND thành phố ban hành bảng giá đất trong khu công nghệ cao giai đoạn 2020-2025.

Link bài viết

Khác với SHTP, hàng loạt khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai hiện đang gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở cho công nhân. Thời gian qua, nhiều công ty hạ tầng xin mở rộng diện tích KCN trên địa bàn Đồng Nai đã được tỉnh này và Chính phủ chấp nhận.

Thế nhưng, qua nhiều năm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong nên nhà đầu tư đành phải đợi. Do chờ đợi quá lâu, nhiều cơ hội của nhà đầu tư bị vuột mất, phía tỉnh cũng chịu tổn thất vì dự án chậm tiến độ sẽ mất đi một khoản thu ngân sách không nhỏ.

Ông Surakij Kiatthanakorn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa (chủ đầu tư hạ tầng KCN Amata, TP. Biên Hòa) - cho biết: “Diện tích toàn KCN Amata là 513ha, nhưng vẫn còn 26ha đang vướng công tác bồi thường, giải tỏa nhiều năm chưa xong. Do không có đất sạch nên công ty không thể làm đường kết nối, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa”.

Ông Thái Minh Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom), đơn vị đầu tư hạ tầng - cho hay: “Do chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong nên hơn 10 năm nay công ty chưa hoàn thành được hạ tầng của KCN giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Nhiều doanh nghiệp dự tính thuê đất mở nhà máy sản xuất không đợi được, đã chọn nơi khác để đầu tư khiến công ty mất đi nhiều cơ hội”.

Hiện diện tích cần thu hồi của KCN Hố Nai là hơn 100ha, trong đó có những khu đất đã thu hồi được nhưng theo kiểu “da beo” cũng không thể thực hiện được. KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), KCN Tam Phước (TP. Biên Hòa)… cũng đang vướng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân dẫn đến khâu giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu là do người dân chưa thống nhất với mức giá bồi thường, hỗ trợ vì cho rằng còn quá thấp so với giá sang nhượng trên thị trường. Đây chính là “nút thắt” ở nhiều dự án, không riêng các dự án làm hạ tầng KCN.

Tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, sự thay đổi của nền kinh tế, sự xuất hiện nhu cầu mới từ sự phát triển đang đòi hỏi những thay đổi trong mô hình KCN hiện hữu.

Cụ thể, các KCN thuần túy phục vụ sản xuất, thiếu các dịch vụ phục vụ cuộc sống người lao động và gia đình đã không còn phù hợp. Nhu cầu này đòi hỏi các KCN không chỉ có nhà xưởng, không chỉ có nhà ở cho công nhân mà còn có các dịch vụ đi kèm đa dạng, tạo môi trường sống cho người lao động và gia đình của họ.

Link bài viết

Bên cạnh đó, đối tượng phục vụ của các dịch vụ này còn là chuyên gia, lao động cấp cao và gia đình của họ. Điều đáng nói là cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện chính trong yêu cầu tái cơ cấu các KCN hiện tại, bên cạnh việc xây dựng các mô hình mới hoàn thiện.

Đặc biệt, mô hình phát triển KCN mới, gắn với đô thị, các dịch vụ hỗ trợ phát triển của KCN đã có chính sách mới. Đó là nghị định 82/NĐ-CP ngày 22-5-2018 quy định về KCN, khu kinh tế, khu chế xuất. 

“Tôi nhìn thấy cơ hội phát triển cho các tỉnh, địa phương thu hút được nhiều sản xuất công nghiệp, có nhiều KCN phát triển. Họ sẽ có cơ hội nâng cấp trình độ phát triển của địa phương. Vấn đề là có các chính sách phù hợp”, ông Nguyễn Đình Cung nhận xét.

Đương nhiên, cơ hội này đi kèm với yêu cầu mới về cơ chế, chính sách và đặc biệt là sự sáng tạo, đồng hành giữa chính quyền và nhà đầu tư. Theo các chuyên gia tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019, cái khó là không ít nội dung mới trong Nghị định 82/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về KCN, khu kinh tế, khu chế xuất chưa thể thực hiện ngay.

Ông Trần Minh Hoan, Trưởng ban quản lý KCN Nam Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các ban quản lý KCN, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc cho biết, các chính sách quy định của nhà nước về đất đai, môi trường, doanh nghiệp, xây dựng quy hoạch trong các KCN vẫn phải theo luật chuyên ngành.

(Theo Doanhnhanplus - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất động sản công nghiệp vẫn gặp nhiều lực cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO