Cùng với Thái Lan, Nhật Bản, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt là ngành bán lẻ đang đổ vào Việt Nam. Sau Lotte Mart, thương hiệu có độ nhận biết thứ hai tại Hàn Quốc (sau Samsung) là Emart đang tiến những bước dài đến Việt Nam.
Thương hiệu đánh bại Wal-mart xuất hiện
Theo báo cáo "Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2014" do CBRE công bố cuối năm 2014, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ.
Không những vậy, Việt Nam còn là 1 trong 3 nơi lựa chọn (hai nơi khác là Hồng Kông và Singapore) để các nhà đầu tư mở cửa hàng trong thời gian tới. Đó cũng là lý do để nhà bán lẻ số 1 Hàn Quốc là Emart (thuộc tập đoàn bán lẻ Shinsegae) đầu tư vào Việt Nam và dự kiến khai trương siêu thị đầu tiên vào cuối năm nay.
Công bố của Emart tại buổi gặp gỡ nhà cung cấp ngày 31/3, cho biết, siêu thị đầu tiên của doanh nghiệp (DN) này đặt tại Gò Vấp có diện tích tích 6.000m2 với vốn đầu tư lên đến 60 triệu USD.
Theo đại diện của Emart, siêu thị này sẽ tích hợp khu vui chơi giải trí và ẩm thực gồm các dịch vụ như nhà hàng, khu trò chơi nhằm mang lại sự tiện lợi, thoải mái cho khách hàng tại một điểm dừng chân mua sắm.
Chưa hết, bãi xe có sức chứa 1.500 xe máy, có dịch vụ rửa xe, điều mà chưa có bãi giữ xe của bất cứ thương hiệu bán lẻ nào thực hiện. Khu điện máy cũng được nhà đầu tư tiết lộ là "lần đầu tiên và tốt nhất trong các siêu thị”.
Siêu thị Emart tại Gò Vấp là kết quả của một quá trình dài trong kế hoạch mở 17 siêu thị tại Việt Nam mà nhà đầu tư này đang nhắm tới. Ông Choi Kwang Ho, Giám đốc Emart Việt Nam, chia sẻ: "Dự kiến, Emart đầu tiên sẽ khai trương tại Việt Nam vào cuối năm nay. Sự kiện này mở ra một cơ hội hợp tác kinh doanh đầy hứa hẹn giữa Emart và các DN sản xuất, phân phối hàng hóa tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng với nền tảng vững chắc là bề dày kinh nghiệm và bí quyết có được trong hơn 20 năm qua trong lĩnh vực phân phối hàng hóa tại Hàn Quốc, cùng với chính sách kinh doanh minh bạch, chúng tôi có thể thiết lập văn hóa kinh doanh cùng có lợi không chỉ cho đối tác mà còn phục vụ lợi ích cao nhất cho khách hàng Việt Nam".
Để thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, Emart đã điều nghiên rất kỹ về thị trường. Từ năm 2011, Emart đã bắt đầu khảo sát và nghiên cứu thị trường để có những hiểu biết đầy đủ về nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đây chính là cách chắc chắn nhất để giúp Emart bước đến thành công như đã thành công tại quê nhà.
Tại Hàn Quốc, chính Emart và các nhà bán lẻ trong nước với "chính sách thông hiểu khách hàng" đã khiến cho nhà bán lẻ số 1 thế là Wal-Mart phải thất thế tại thị trường này.
Sau 8 năm thâm nhập thị trường Hàn Quốc (Wal-Mart có mặt tại Hàn Quốc năm 2006), Wal-Mart chỉ chiếm 4% thị phần, xếp thứ 5 sau Shinsegae (tập đoàn mẹ của Emart) với 30% thị phần, Tesco 17% thị phần, Lotte Shopping 12% và Carrefour 8%...
Khi mới vào, Wal-Mart là nỗi lo bị thôn tính từ các nhà bán lẻ nước này. Thế nhưng, Emart với ưu thế về sự thông hiểu tập quán, sở thích tiêu dùng của người dân đã đáp ứng rất tốt nhu cầu khách hàng.
Trong đó, phong cách phục vụ (đón tiếp thân mật, vui vẻ, cúi gập người chào khách hay giúp khách chuyển hàng hóa lên xe), sự liên kết với DN sản xuất... khiến nhà bán lẻ Hàn "ghi điểm" với người tiêu dùng trong nước. Chiến lược này đã giúp Shinsegae sở hữu Wal-Mart Korea và trở thành thương hiệu số 1 Hàn Quốc.
Hiện tại, chiến lược này đang được Emart triển khai triệt để tại Việt Nam. Ông Choi Kwang Ho, cho biết, Emart cam kết kinh doanh hàng hóa đa dạng, chất lượng cao và đồng hành với các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam bằng những chính sách ưu đãi như thanh toán 3 lần/tháng (hiện các nhà bán lẻ hiện có trên thị trường chỉ áp dụng thanh toán từ 1- 2 lần/tháng), nhận chiết khấu và trả hàng theo đúng trên hợp đồng với hệ thống quản lý minh bạch, tạo môi trường kinh doanh công bằng...
Sự có mặt của Lotte Mart và giờ là Emart đang khiến các DN trong nước lo ngại. Bởi, Lotte Mart - thương hiệu có vị trí thứ 13 trong tâm trí người tiêu dùng Hàn Quốc đã bắt đầu "vươn vòi" thì giờ đây, thương hiệu đứng đầu trong lĩnh vực bán lẻ nước này đã có mặt tại Việt Nam. Theo đại diện của Lotte Việt Nam, trong bán lẻ, ai hiểu được văn hóa tiêu dùng sẽ là người chiến thắng.
"Nếu Big C, Metro mang phong cách tiêu dùng châu Âu thì Lotte mang phong cách tiêu dùng Hàn Quốc, vốn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Cách chiến thắng các tập đoàn khác sẽ là cách mà người tiêu dùng Việt Nam mong muốn bằng chất lượng, giá cả hàng hóa và thái độ phục vụ và môi trường mua sắm tiện ích nhất".
Đây hoàn toàn là thế mạnh của các nhà đầu tư Hàn Quốc và chắc chắn họ sẽ thành công. Vì ngay khi các thương hiệu bán lẻ chưa vào Việt Nam nhưng làn sóng phim ảnh và ca nhạc đã tạo thành một xu hướng tiêu dùng "hàng hóa Hàn" trong một bộ phận không nhỏ của giới trẻ.
Và sự diện hiện của các nhà bán lẻ nước này như "tiếp thêm sức mạnh" cho xu hướng ấy. Và chiến lược "bành trướng thị trường" của nhà đầu tư Hàn Quốc là áp lực rất lớn cho các DN Việt Nam. Với Lotte Mart, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 thị trường quan trọng của họ tại châu Á, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngay từ đầu, thay vì trực tiếp đầu tư vào ngành bán lẻ, Lotte đã dùng "chiến lược bàn đạp" để thâm nhập thị trường. Đầu tiên là họ mở chuỗi kinh doanh thực phẩm Loteria và sản xuất bánh kẹo. Khi đã thành công với những lĩnh vực này, Lotte mới phát triển sang mảng bán lẻ.
Khi bước chân vào Việt Nam, Lotte đã tuyên bố sẽ bỏ ra đến 5 tỷ USD để sở hữu những vị trí có thể cho phép họ triển khai nhiều loại hình kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh... Và hiện tại, chuỗi siêu thị tiêu dùng, siêu thị điện máy đã được nhà đầu tư này triển khai thành công.
Bên trong các chuỗi siêu thị của Lotte (diện tích không dưới 10.000m2) là các cụm kinh doanh liên hoàn phục vụ mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ thực phẩm, thời trang cho đến giải trí (cụm rạp chiếu Lotte)...
Tất cả những siêu thị ra sau của Lotte đều áp dụng mô hình này. Chưa dừng lại ở 10 siêu thị như hiện nay, nhà đầu tư này đặt mục tiêu mở đến 50 siêu thị tại Việt Nam đến năm 2018 và 60 siêu thị vào năm 2020 tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...
Chỉ một mình Lott Mart, DN trong nước đã khá áp lực, nay thêm Emart, chắc chắn cuộc cạnh tranh càng thêm khốc liệt. Bởi hiện tại, Emart là chuỗi đại siêu thị số 1 Hàn Quốc với 153 trung tâm trong nước và 10 trung tâm tại Trung Quốc.
Emart cũng là chuỗi cửa hàng giá rẻ lớn nhất và lâu đời nhất tại Hàn Quốc với doanh thu vượt mức 13,2 tỷ USD, tính đến năm 2014. Và tuy chưa ra mắt siêu thị đầu tiên nhưng nhà đầu tư này đã lên kế hoạch mở siêu thị thứ 2 tại quận Tân Phú, TP.HCM.
>I-Home: Đón nhà đầu tư châu Âu vào hạng mục “Đại siêu thị”
>Cuộc đổ bộ của các đại siêu thị
>Chiến lược đại siêu thị của Co.op mart
>Kinh doanh bán lẻ là phải địa phương hóa