Người vay cần làm gì nếu lãi suất tăng?

GIA LÊ| 13/09/2018 08:26

Mặt bằng lãi suất đang chịu áp lực đi lên, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đầu vào, trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ leo thang tương ứng. Với tình hình này, rủi ro lãi suất cho vay tăng trở lại cao hơn bao giờ hết.

Người vay cần làm gì nếu lãi suất tăng?

Nhiều người vẫn chưa quên lãi suất tăng vọt lên 20% trong giai đoạn 2011 - 2012, khiến bao doanh nghiệp trong nước rơi vào phá sản, nhiều người vay mất khả năng trả nợ và bị ngân hàng siết nợ. Rủi ro lãi suất chưa bao giờ là điều dễ chịu, không chỉ đối với ngành ngân hàng mà còn với cả những người vay nợ.

Trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng, tín dụng tăng trưởng và lãi suất ổn đinh ở mức thấp, nhiều khách hàng đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh với kỳ vọng suất sinh lời cao hơn. Điều này đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy thị trường chứng khoán, bất động sản duy trì đà tăng trong thời gian qua.

Link bài viết

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu thắt chặt trở lại, cùng với mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng, những người vay vốn cần phải cẩn trọng, vì có thể đối mặt với thua lỗ và mất khả năng trả nợ. Nếu ai có ý định vay vốn ngân hàng thì cần phải đánh giá lại nhu cầu đầu tư, tiêu dùng có thật sự cần thiết hay không. Nếu buộc phải vay thì cần phải lưu ý mức lãi suất mà ngân hàng dự kiến áp dụng, cũng như thời hạn, điều kiện điều chỉnh lãi suất là như thế nào.

Hiện, khá nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay tiêu dùng, mua nhà với lãi suất ưu đãi năm đầu tiên khá hấp dẫn, tuy nhiên mức lãi suất những năm tiếp theo là khá "chát". Đa số các ngân hàng thường áp dụng kỳ hạn điều chỉnh lãi suất đối với các khoản vay 1 tháng, 3 tháng, do đó một khi mặt bằng lãi suất tăng nhanh thì lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh rất nhanh và khiến người vay khó có thể trở tay kịp.

Không ít ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay theo một biên độ cụ thể dựa trên lãi suất cơ sở. Điều cần lưu ý là nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất cơ sở theo lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng, trong nhiều trường hợp ngân hàng có thể nâng cao lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn này lên cao bất thường và chỉ áp dụng với những khoản tiền gửi lớn nhằm mục đích đẩy lãi suất cho vay lên cao khiến nhiều khách hàng vay phải "ngậm đắng nuốt cay".

Đối với những khách hàng đã lỡ vay vốn, nếu là khách hàng cá nhân thì cần đánh giá lại nguồn thu nhập để tính toán xem liệu vẫn đảm bảo khả năng trả nợ và lãi theo định kỳ như trước đây hay không, tránh để rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ nếu lãi suất tăng quá nhanh. Đặc biệt với những người vay vốn để đầu tư vào thị trường bất động sản thì cần đánh giá lại triển vọng của thị trường cũng như rủi ro lãi suất để tránh rơi vào tình trạng thua lỗ, bị xiết nợ.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, việc xem xét các phương án tái cấu trúc khoản vay trong trường hợp lãi suất ngân hàng tăng là rất cần thiết. Có thể phát hành thêm cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận để tăng vốn chủ sở hữu, giảm tỷ lệ vay vốn ngân hàng, hoặc phát hành trái phiếu dài hạn đảm bảo chủ động về mặt lãi suất.

Người vay cũng cần cân nhắc đến khả năng trả trước hạn một phần hoặc tất toán nếu có điều kiện tài chính. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là hiện nay đa số các ngân hàng đã áp dụng phí phạt trả nợ trước hạn. Nếu trong trường hợp phí phạt cao hơn nhiều so với rủi ro lãi suất trong ngắn hạn thì việc trả trước có thể gây thiệt hại nhiều hơn, do đó cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định tất toán khoản vay trước hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người vay cần làm gì nếu lãi suất tăng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO