Khi mà hàng triệu giáo viên Mỹ có bằng cấp phải bỏ việc hoặc phải kiếm việc làm thêm để có thu nhập cho cuộc sống, các trường học của Trung Quốc nhanh chóng chào đón họ.
Thập niên 1980, khi cô Wu Wenhua còn nhỏ, chẳng có ai buồn học tiếng Anh. Nhưng nay khi đang nuôi con trai 11 tuổi, quan niệm của cô khác hẳn với thế hệ cha mẹ trước đây, cô hiểu rằng ngoại ngữ là chìa khóa để bước ra thế giới.
Chính vì vậy, bà mẹ 38 tuổi này đăng ký cho con theo học gói VIPKid, theo đó, con trai cô sẽ được học một thầy một trò trực tuyến với giáo viên người Mỹ hiện đang sống tại Mỹ. Nay khi con trai đang đứng đầu lớp môn tiếng Anh, cô Wu cảm thấy rất hài lòng. Thường con trai cô luôn đạt điểm 99/100 đối với môn tiếng Anh.
Những bậc cha mẹ như cô Wu đang tạo ra xu thế và nguồn thu nhập mới cho rất nhiều người trên khắp thế giới. Hàng triệu trẻ em đang đổ xô đến các lớp học tiếng Anh, toán và khoa học để giành được kỹ năng, kiến thức cần thiết trong nền kinh tế tri thức.
Các bậc cha mẹ Trung Quốc luôn vô cùng quan tâm đến kết quả học tập của con. Giờ đây, khi điều kiện kinh tế tốt hơn, họ càng đầu tư nhiều hơn nữa. Ngân hàng UBS ước tính mỗi năm người Trung Quốc đang đầu tư khoảng 80 tỷ USD cho con học, con số này ước sẽ tăng gấp đôi lên 165 tỷ USD sau năm năm nữa.
Những doanh nghiệp giáo dục hàng đầu như New Oriental Education & Technology Group và TAL Education Group giờ đã niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ, cổ phiếu của họ tăng vọt.
Thế hệ cha mẹ Trung Quốc lớn lên trong kỷ nguyên của mạng Internet, hưởng thụ ít nhiều lợi ích của công nghệ số đang không tiếc tiền chi tiêu cho con. Chính vì vậy, hàng loạt công ty công nghệ học trực tuyến đang ra đời ở Trung Quốc. Hiện nay chỉ riêng VIPKid đã có 200 nghìn học sinh và mới đây đã huy động thêm được 1,5 tỷ USD từ Sequoia Capital và Tencent Holdings.
Tập đoàn đối thủ iTutor cũng vừa nhận được đầu tư từ tập đoàn Alibaba và Qiming Venture Partners. Không chỉ “đấu” nhau trong bán hàng trực tuyến, Alibaba và Tencent cũng đang tranh giành thị phần trong cả mảng dịch vụ học tập trực tuyến tại Trung Quốc.
“Các bậc cha mẹ Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng lên con mình, ai cũng muốn con vào được đại học Thanh Hoa hay đại học Bắc Kinh”, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán UBS, ông Edwin Chen, nhận xét.
Tại phương Tây, người ta còn tranh cãi với nhau rất nhiều về lợi ích của hoạt động học trực tuyến. Nhiều người cho rằng công nghệ không đủ tốt, họ không tin lớp học trực tuyến sẽ tốt hơn các lớp học truyền thống.
Tuy nhiên tại Trung Quốc, có quá nhiều yếu tố giúp cho việc học trực tuyến phát triển bùng nổ: Việc tìm giáo viên tốt luôn khó khăn, đặc biệt với những môn như tiếng Anh. Ở các thành phố, có rất nhiều giáo viên, tuy nhiên ngoài ra còn rất nhiều thành phố nhỏ và các tỉnh thành khác không dễ để kiếm giáo viên.
Dịch vụ học trực tuyến sẽ mang đến cho các bậc cha mẹ “hổ” Trung Quốc và con cái họ nhiều lựa chọn có chất lượng. Chính các bậc cha mẹ cũng sẵn sàng chi tiêu cho con họ.
Nhiều chuyên gia giáo dục tin rằng giáo dục trực tuyến sẽ luôn chỉ giữ vị trí thế yếu trong tổng thể thị trường giáo dục.
Hiện nay, tiền chi cho học thêm của các bậc cha mẹ Trung Quốc còn thấp hơn rất nhiều so với các bậc cha mẹ tại Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2016, ước tính khoảng 37% trẻ em Trung Quốc học thêm trong khi đó tỷ lệ này tại Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc lên đến trên 70%, theo tính toán của ngân hàng UBS.
Các chuyên gia dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 50% sau 5 năm nữa. Ở thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc dự báo số lượng trẻ em Trung Quốc theo học đến hết lớp 12 sẽ lên gần mức 200 triệu.
Từ trước xu thế học trực tuyến này, các công ty giáo dục Trung Quốc với dịch vụ truyền thống vốn đã ăn nên làm ra. Công ty New Oriental được sáng lập bởi giáo sư Minhong “Michael” Yu vào năm 1993 được dự báo sẽ có doanh thu 2,2 tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại.
Công ty giáo dục TAL được thành lập sau đó một thập kỷ, hiện đang có 500 trung tâm trên khoảng hơn 50 thành phố của Trung Quốc, doanh thu năm tài khóa hiện tại ước cũng khoảng 1,7 tỷ USD.
Có những công ty giáo dục đã tự tạo ra sự khác biệt cho mình bằng cách tuyển sinh chỉ giáo viên Mỹ bản địa và cung cấp dịch vụ tương đương như các trường ở Mỹ, tất nhiên học phí không hề thấp. Một nhà sáng lập công ty giáo dục mới chỉ 34 tuổi, cô Cindy Mi, khẳng định rằng việc dậy học trực tuyến giúp cho trẻ có kỹ năng phân tích dữ liệu và khoa học có thể giúp mang đến những tiến bộ căn bản cho học sinh.
Khi mà hàng triệu giáo viên Mỹ có bằng cấp phải bỏ việc hoặc phải kiếm việc làm thêm để có thu nhập cho cuộc sống, các trường học của Trung Quốc nhanh chóng chào đón họ, vì vậy, không bao giờ cần phải lo thiếu giáo viên Mỹ dạy cho học sinh Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc thậm chí còn đang xây dựng trang web giúp các bậc cha mẹ và con cái họ xếp hạng giáo viên, về phía học sinh, họ xây dựng phần mềm giúp phân loại học sinh để cải thiện chất lượng đào tạo qua thời gian.