Tác giả chính của nghiên cứu này - TS. David Plans cho biết: “Đồng hồ sinh học của cơ thể, được gọi là nhịp sinh học, giúp điều chỉnh hoạt động thể chất và tinh thần. Do đó, đi ngủ quá sớm hoặc quá muộn có nhiều khả năng làm rối loạn nhịp sinh học, gây hậu quả bất lợi cho sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, thời gian tối ưu để đi ngủ là vào một thời điểm cụ thể trong chu kỳ 24 giờ, nếu sai lệch có thể gây hại cho sức khỏe. Thời gian rủi ro nhất là đi ngủ sau nửa đêm, có khả năng là vì nó làm giảm khả năng nhìn thấy ánh sáng ban mai, buộc cơ thể phải chỉnh lại đồng hồ sinh học”.
Nghiên cứu trên còn cho thấy, mối liên hệ giữa giờ đi ngủ và nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ cao hơn nam giới, có thể là do sự khác biệt về nội tiết tố và thời kỳ mãn kinh.
Regina Giblin - chuyên gia tim mạch tại Quỹ Tim mạch Anh cho biết: “Nghiên cứu của Đại học Exeter cho thấy, đi ngủ từ 22-23 giờ có thể là thời điểm tuyệt vời cho hầu hết mọi người để giữ trái tim khỏe mạnh lâu dài. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là nghiên cứu này chỉ có thể chỉ ra mối liên hệ chứ chưa chứng minh nguyên nhân thật chính xác. Cần có thêm nghiên cứu về thời gian và thời lượng ngủ như một yếu tố nguy cơ đối với các bệnh tim mạch.
Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe chung cũng như sức khỏe tim mạch của con người. Người lớn nên đặt mục tiêu ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Nhưng giấc ngủ không phải là yếu tố duy nhất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Điều quan trọng nữa là lối sống và kiểm soát được huyết áp, mức cholesterol, tập thể dục thường xuyên, cắt giảm lượng muối và rượu, chế độ ăn uống cân bằng cũng giúp giữ cho trái tim khỏe mạnh”.