David De Gea. Ảnh: 101 Great Goals |
Cánh cửa tứ kết Giải Vô địch các câu lạc bộ Châu Âu (Champions League) chứng kiến hai đội bóng nước Anh là Manchester United (M.U) và Chelsea "ngã ngựa". Một cách trùng hợp, cả David De Gea (M.U) lẫn Thibaut Courtois (Chelsea) đều có một trận lượt về đáng quên, trong khi cả hai thủ môn này đều được đánh giá là nằm ở tầm đẳng cấp thế giới, là niềm tự hào của Giải Ngoại hạng Anh (Premier League) lúc này.
Sai lầm, không sao?
Khi đã được xem là "báu vật" tại câu lạc bộ (CLB), De Gea hay Courtois sẽ không dễ dàng bị hất khỏi đội hình xuất phát chỉ sau một trận đấu thảm hại. Đơn giản vì họ đã tạo dựng sự tin tưởng lâu dài, đã thể hiện đẳng cấp khác biệt, dù quả bóng lúc này tiếp tục ở trong tay những người dự bị như Sergio Romero hay Willy Caballero.
Không giống các vị trí còn lại, thủ môn là vai trò duy nhất trên sân không thể hoán đổi với bất kỳ ai khác. Một khi anh ta chấn thương thì một thủ môn dự bị, kiểu như Romero hay Caballero sẽ vào sân. Đây là điểm khác biệt so với việc một cầu thủ tấn công bên cánh trái vẫn có thể đá cánh phải, một hậu vệ vẫn có thể đá tiền vệ.
Link bài viết
Thủ môn dự bị không hẳn chỉ là một khái niệm. Ở một số đội bóng lớn, nó được xem như một nghề, nghề... thủ môn dự bị. Họ hầu như đóng vai phụ năm này sang năm khác, và một số ít cảm thấy không nhất thiết phải đổi CLB.
Ví dụ vào năm 2006, Chelsea với huấn luyện viên Jose Mourinho đã có Petr Cech đỉnh cao phong độ, và một Carlo Cudicini từng nhiều năm liền bắt chính ở các thời huấn luyện viên trước, nhưng Mourinho vẫn đưa về Henrique Hilario - cái tên không mấy người nhớ. Năm 2013, lại là Chelsea đưa về Mark Schwarzer - một thủ môn người Úc kỳ cựu nhưng năm ấy đã 41 tuổi. Đó chính là những người chuyên trách... dự bị!
Theo thống kê của Opta năm 2014, một thủ môn dự bị chỉ được dùng 9 lần trong 380 trận đấu Premier League. Tính ra các thủ môn này chỉ có 2,3% cơ hội xuất hiện trước khán giả. Thủ môn Richard Lee của đội Brentford - người chỉ được chơi ba trận rưỡi trong 14 mùa giải liên tục, nói với BBC: "Đó là một vai trò lớn, nhưng bạn gần như lúc nào cũng thấy có lỗi, vì mình không đóng góp được gì cả”.
Hãy nỗ lực, thời cơ sẽ đến
Nếu không kể những "dự bị chuyên nghiệp" như Hillario hay Caballero, các thủ môn cũng như nhiều đồng nghiệp ở vị trí khác luôn muốn được chơi bóng để phát triển sự nghiệp. Như Richard Lee nói, không mấy thủ môn dự bị thấy yêu đời, thậm chí ngược lại, thường xuyên tức giận, thiếu tự tin và nghi ngờ bản thân.
Cái khó, như đã nói, là thủ môn dự bị rất ít cơ hội được thi đấu nên một khi đã chứng tỏ được bản thân, họ cũng rất khó bị thay thế. Đó chính xác là những gì mà De Gea đã trải qua. Thủ môn này cũng là trường hợp điển hình cho thành quả của sự kiên trì, thái độ lao động nghiêm túc, nỗ lực không mệt mỏi.
De Gea được M.U đưa về từ năm 19 tuổi. Những năm đầu, chàng trai này còn phải cạnh tranh từng trận với Anders Lindegaard. Có lúc De Gea bị đẩy hẳn ra ghế dự bị, và đó là thời gian tăm tối cho một tài năng mà Atletico Madrid đã phát triển tại Tây Ban Nha.
Link bài viết
Chật vật với người ít tên tuổi như Lindegaard, làm sao De Gea nghĩ tới việc khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha? Những năm De Gea nổi lên là lúc bóng đá Tây Ban Nha bá chủ thế giới. Trong khung thành của họ có Iker Casillas - người đã đánh bật Santiago Canizares những năm 1990, khi ở tuổi của De Gea.
Với Casillas, Tây Ban Nha đành chấp nhận không tạo điều kiện cho Pepe Reina (Liverpool) hay Victor Valdes (Barcelona). Cần biết, Reina và Valdes đã cùng hai đội bóng vào chung kết Champions League liên tục từ năm 2005 tới 2009, trừ năm 2008.
Nhưng may mắn cho De Gea, anh không ý thức mình "sinh nhầm thời". Khi thế hệ thủ môn kỳ cựu lần lượt chịu gánh nặng tuổi tác, De Gea bắt đầu "hái quả ngọt". Giờ đây, anh không chỉ là số 1 tại M.U mà còn là đội tuyển. Và dĩ nhiên, vì vậy, cơ hội cho Romero gần như bằng 0.