Ngáy và ngưng thở khi ngủ là hiện tượng rối loạn giấc ngủ thường gặp, chiếm tỷ lệ 4% ở nam giới, 2% ở nữ giới. Tình trạng này có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không điều trị sớm.
Đọc E-paper
Hiện tượng
Theo các nhà nghiên cứu, người bị ngưng thở lúc ngủ đều ngáy mỗi đêm, kèm theo các triệu chứng như thở phì phò, dồn dập, ngắt quãng, hay thức, sáng dậy mệt mỏi, khô họng, nhức đầu, làm việc thiếu tập trung, dễ cáu gắt, hay buồn ngủ vào ban ngày.
Não bị thiếu ô xy do ngưng thở sẽ "đánh thức" người ngủ để thở, cứ vậy lặp lại nhiều lần trong đêm nên không có giấc ngủ sâu, không phục hồi thể chất, giảm sút trí nhớ, giảm hiệu quả công việc.
Triệu chứng
Chia làm hai nhóm: Triệu chứng ban đêm do tắc nghẽn đường thở và triệu chứng ban ngày do hậu quả của việc mất ngủ ban đêm.
Các triệu chứng ban đêm bao gồm ngáy to làm phiền người ngủ bên cạnh, có những cơn ngưng thở được người thân chứng kiến, có những cơn nghẹt thở hay thở một cách khó nhọc, cảm giác trằn trọc khó ngủ và tiểu đêm.
Triệu chứng vào ban ngày là những biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu buổi sáng, kém tập trung, dễ cáu gắt, ngủ gật khi đọc báo, xem tivi, lái xe, ngồi một mình.
Hiện tượng ngáy và ngưng thở khi ngủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tim vì phải bơm máu lên não nhiều hơn khi thức. Về lâu dài, bị hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có nguy cơ cao huyết áp, lên cơn đột quỵ hay suy tim.
Nguyên nhân Máy thở gắn với mặt nạ mũi hoặc mặt nạ miệng
Tổng hợp từ ý kiến chuyên gia và các trang thông tin chuyên về sức khỏe thì thấy các nguyên nhân:
* Khi đã qua tuổi trung niên, vùng cổ họng trở nên hẹp hơn do sự đàn hồi các cơ vùng cổ giảm.
* Tình trạng béo phì làm tăng lượng các mô mỡ vùng cổ và có thể làm giảm trương lực cơ vùng hầu họng góp phần tạo nên tình trạng ngủ ngáy.
* Uống rượu, hút thuốc và sử dụng một số thuốc có tác dụng giãn cơ (như thuốc an thần, thuốc chống dị ứng) làm các cơ vùng cổ trở nên kém đàn hồi làm phát sinh tiếng ngáy.
* Ngủ ở tư thế nằm ngửa dễ có xu hướng ngáy hơn do lưỡi gà và các cơ màng hầu bị kéo chùng, dễ gây hẹp đường thở và tạo ra tiếng ngáy.
Còn có một số nguyên nhân thực thể khác do bất thường vùng mũi - hầu - họng như phì đại các mô trong mũi, miệng hoặc họng (amidan to là một nguyên nhân thường gây ngáy ở trẻ em), tắc nghẽn ở mũi (có thể do nhiễm trùng đường hô hấp trên, dị ứng, polyp mũi), lệch vách ngăn mũi.
Hậu quả
Ngưng thở khi ngủ gây giảm oxy máu và tăng khí CO2 trong máu. Tình trạng này sẽ hoạt hóa thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, suy tim xung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não.
Các nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ tử vong, tăng huyết áp gia tăng khi tổng số đợt ngưng thở khi ngủ trong 1 giờ càng gia tăng. Có nghĩa là số lần ngưng thở khi ngủ càng cao thì tỷ lệ bệnh tim mạch càng cao.
Điều trịNên gặp bác sĩ khám và tư vấn
Điều trị hội chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ tùy thuộc vào mức độ nhẹ, trung bình hay nặng.
Mức độ nhẹ: Chủ yếu thay đổi lối sống như giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ tư thế nghiêng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần.
Mức độ trung bình: Một số người được điều trị theo phương pháp phẫu thuật tạo hình vòm miệng hầu lưỡi gà nếu nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ là do bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng (cắt amidan, lưỡi gà và vòm khẩu cái sau).
Mức độ nặng: Thở áp lực dương liên tục trong lúc ngủ với máy thở CPAP, gắn với mặt nạ mũi hoặc mặt nạ miệng, được chỉ định đối với các trường hợp hội chứng ngưng thở khi ngủ mức độ trung bình và nặng. Máy thở CPAP có tác dụng giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp trên, giảm buồn ngủ vào ban ngày, cải thiện huyết áp, tiểu đêm.
Khi bị rơi vào triệu chứng của bệnh, nên tạo cuộc sống lành mạnh khỏe cả về tinh thần và thể chất; thể dục đều đặn, giảm sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, hạn chế dùng thuốc ngủ; chế độ ăn phù hợp để giữ trọng lượng cơ thể ổn định, chống béo phì; chống bệnh trào ngược dạ dày thực quản; điều trị viêm mũi dị ứng chống nghẹt mũi.
Khi nghi ngờ có hội chứng ngưng thở khi ngủ cần khám tại chuyên khoa tai - mũi - họng hay bác sĩ chuyên gia về ngủ ngáy để được nội soi và đánh giá tổng quát. Trong trường hợp cần thiết thì cần làm đa ký giấc ngủ (PSG: Polysomnography) để chẩn đoán chính xác, tìm nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân.