Ngành nhựa Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu nhựa tái chế

N.M| 15/08/2018 06:05

Sáng ngày 14/8, thông tin tại buổi họp với chủ đề “Tái chế nhựa phế liệu, cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam” ở TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì thiếu nguyên liệu nhựa tái chế.

Ngành nhựa Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu nhựa tái chế

Từ ngày 1/1/2018, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập 24 loại phế liệu thì lượng nhựa phế liệu nhập vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017. Thực chất năm 2017, tổng lượng nhựa phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam vào khoảng 90.000 tấn. So với lượng nhựa phế liệu xuất khẩu toàn thế giới 15,5 triệu tấn/năm thì lượng nhựa phế liệu đã nhập khẩu vào Việt Nam hằng năm là không đáng kể.

ngành nhựa việt nam nhựa phế liệu nhựa tái chế doanhnhansaigon

Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) xác nhận, hiện có khoảng 5.000 container nhựa phế liệu tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái. Trong đó, riêng cảng Cát Lái, tính đến ngày 26/8, lượng hàng tồn cảng là 4.480 container, tương đương với khoảng 70.000 tấn. 

VPA cho biết, việc tồn đọng đang gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp vì không đủ nguyên liệu để sản xuất và chi phí lưu container phải trả cho hãng tàu đã vượt quá tiền hàng, doanh nghiệp không dám đến nhận hàng.

Hiệp hội nhìn nhận và phân tích nguyên nhân xuất phát từ những chồng chéo văn bản hiện hành, khó khăn nằm ở quy định tiêu chuẩn nhựa phế liệu nhập khẩu QCVM32 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt hàng nguyên liệu nhựa là hàng phi tiêu chuẩn, doanh nghiệp có cố gắng đến đâu cũng khó đạt được quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chỉ cần 2 tiêu chí của QCVN32 là nhựa phế liệu phải sạch và tạp chất không quá 2% đã làm khổ doanh nghiệp. Vì "sạch" là một khái niệm ước lệ khó đo đếm, con số 2% cũng là "con số đánh đố".

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành các văn bản quản lý số 3738 ban hành ngày 26/6 và công văn 4202 (ngày 17/7) nhằm siết chặt việc kiểm soát hàng phế liệu, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể làm thủ tục thông quan mặt hàng nhựa đã qua sử dụng, càng làm cho tình trạng hàng hóa ách tắc thêm trầm trọng.

Nhằm giải quyết khó khăn tình hình hiện tại, VPA kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét mở rộng quy chuẩn VNQC32, đưa tất cả các loại nhựa có thể tái chế không lẫn tạp chất nguy hại vào danh mục nhựa phế liệu được phép nhập khẩu. Đồng thời, đơn vị cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan hủy bỏ văn bản số 4202 đã ban hành và không ban hành thêm các văn bản quản lý chồng chéo, khiến tình trạng hàng tồn cảng thêm trầm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành nhựa Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu nhựa tái chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO