Ngành da giày Việt Nam: Nhiều tín hiệu lạc quan

DUY KHUÊ| 22/03/2017 00:08

Nếu như năm 2016 số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp ngành da giày có phần giảm sút vì nguồn cầu bị phân tán do phải chia sẻ với các nước khác, thì năm 2017, nhiều khả năng đơn hàng sẽ ổn định trở lại.

Ngành da giày Việt Nam: Nhiều tín hiệu lạc quan

Nếu như năm 2016 số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) ngành da giày có phần giảm sút vì nguồn cầu bị phân tán do phải chia sẻ với các nước khác, thì năm 2017, nhiều khả năng đơn hàng sẽ ổn định trở lại. 

Đọc E-paper

Nhận định khả quan trên đã được các chuyên gia ngành da giày Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam năm 2017 diễn ra tuần qua.

Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, thị trường tiêu thụ của ngành da giày đang ổn định, mức độ tăng trưởng ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa vẫn khả quan dù năm vừa qua sản lượng xuất khẩu có sụt giảm hơn mục tiêu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của ngành đạt trên 13 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Trong hai tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu da giày cũng tăng gần 11%, với 2,1 tỷ USD. Nhìn chung, các thị trường xuất khẩu lớn vẫn đạt được như kỳ vọng.

Theo đó, tính đến nay, Việt Nam vẫn đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ, với mức tăng trưởng kim ngạch 14,2% trong năm 2016. Riêng tại thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ giày dép cũng tăng đáng kể.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, hiện nay có dưới 5% dân số có cuộc sống dưới mức nghèo và Việt Nam đang trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM hiện có 50% dân số có thu nhập trung bình, đây là yếu tố quan trọng quyết định sức mua của thị trường.

Song hành cùng các hoạt động kinh doanh là những chuyển biến tích cực của các DN sản xuất giày dép Việt Nam khi đã đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm tiêu thụ trong nước. Nhu cầu sử dụng giày, dép của người dân cũng đa dạng hơn. Ngoài giày, dép da, giày vải cũng được giới trẻ chọn sử dụng trong vài năm gần đây. Các sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung được đón nhận bởi phù hợp với túi tiền người dân.

Lefaso nhận định, hoạt động sản xuất của ngành da giày năm 2017 đang có dấu hiệu khởi sắc. Nếu như năm 2016 số lượng đơn hàng của các DN có phần giảm sút vì nguồn cầu bị phân tán do phải chia sẻ với các nước khác, thì năm 2017 nhiều khả năng đơn hàng sẽ ổn định trở lại. Nguyên do là Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư cho các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn. Vì vậy, có khả năng một số đơn hàng gia công sẽ chuyển dịch sang Việt Nam.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, chi phí lao động, chính sách kinh tế của Việt Nam hiện cũng đang tạo điều kiện cho xuất khẩu tăng trưởng, do vậy, khả năng cạnh tranh của ngành da giày trong thời gian tới vẫn được đảm bảo. Ngành da giày Việt Nam còn cạnh tranh với Trung Quốc về chi phí lao động đến tận năm 2030, bởi hiện tại GDP đầu người và mức lương nhân công tại Trung Quốc đã cao hơn Việt Nam rất nhiều.

Chính phủ Việt Nam vẫn đang xúc tiến đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do để tìm cơ hội xuất khẩu tốt hơn cho các ngành hàng, trong đó có da giày. Thêm vào đó, tình hình sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu cũng đã được cải thiện.

Trong 5 năm qua, công suất sản xuất da thuộc của các DN trong nước đã tăng lên gấp 15 lần so với công suất trước đó. Hiện, các chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đang được chú trọng, và đó là tiền đề để nâng cao năng lực sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày trong thời gian tới.

Theo Lefaso, dù ngành da giày rất kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng nếu không có TPP, ngành da giày vẫn có thể hoạt động tốt. Với các lợi thế cạnh tranh, ngành da giày Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 2 về xuất khẩu giày trên thế giới và thị trường Mỹ vẫn chiếm trên 30% tổng sản lượng xuất khẩu của ngành.

Nói về thị trường bán lẻ quốc tế, ông Matt Priest - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ cho biết, năm 2016, các nhà nhập khẩu của Mỹ đã mua 1,2 tỷ USD giày dép từ Việt Nam. Tiếp đó, tại thị trường châu Âu, dù có nhiều biến động ở nền kinh tế khu vực này qua việc nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu nhưng ngành vẫn giữ được sự tăng trưởng.

Các thị trường như Canada, Úc, Nhật, Chile, Nga, Mexico, Argentina, Hà Lan, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc, Ấn Độ... vẫn đạt mức tăng trưởng kim ngạch trên 10%. Điều này cho thấy nhận định của các chuyên gia ngành da giày Việt Nam là có cơ sở.

>>Để dệt may – da giày thoát “kiếp gia công”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành da giày Việt Nam: Nhiều tín hiệu lạc quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO