Ngành chế biến gỗ Việt Nam hướng đến sản xuất có bản quyền

XUÂN THU| 21/08/2018 03:36

Mục tiêu trong 10 năm tới của ngành chế biến gỗ là 80% doanh thu phải đến từ hoạt động sản xuất có bản quyền (ODM).

Ngành chế biến gỗ Việt Nam hướng đến sản xuất có bản quyền

“Hiện nay, khoảng 80% doanh thu ngành chế biến gỗ Việt Nam đến từ hoạt động gia công (OEM). Mục tiêu trong 10 năm tới của ngành chế biến gỗ là 80% doanh thu phải đến từ hoạt động sản xuất có bản quyền (ODM)”. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu tổ chức tại TP.HCM ngày 8/8 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo ý kiến của ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) thì Việt Nam đang đứng trước cơ hội ít có: Các cường quốc sản xuất đồ gỗ như Trung Quốc đang trên đà suy giảm do chi phí nhân công tăng và nhà nước bắt đầu đánh thuế xuất khẩu. Mặt khác Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ làm cho đồ nội thất của nước này giảm sức cạnh tranh, tỷ lệ xuất khẩu trong 2 năm qua đã giảm. Các nước Đức, Ý do kinh tế châu Âu suy thoái nên phải giảm sản xuất vì chi phí đầu vào tăng, sức cạnh tranh đi xuống… Malaysia mặc dù có chiến lược rõ ràng nhưng bị hạn chế về sự thiếu hụt lao động.

Link bài viết

"Nhu cầu thị trường đồ nội thất trên thế giới tăng không ngừng. Sản xuất đồ nội thất là thế mạnh của Việt Nam, là nghề truyền thống, là động lực phát triển nông thôn thông qua kinh tế lâm nghiệp. Chúng ta nên nắm bắt cơ hội này để phát triển ngành. Nếu bỏ lỡ, các nước láng giềng như Indonesia và Malaysia có thể sẽ vượt qua Việt Nam để giành lấy thị trường và ngôi quán quân trong ASEAN", ông Huỳnh Văn Hạnh phân tích.

Tại hội nghị, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản (Viforest) cho rằng đã đến lúc ngành gỗ phải bắt tay vào tái cấu trúc, bao gồm cả tái cấu trúc nguồn nguyên liệu đầu vào. Xuất khẩu dăm gỗ và bột giấy là một minh chứng về sự cần thiết phải chuyển dịch và tái cấu trúc ngành gỗ. Hiện nay dăm gỗ là mặt hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu nhất, chiếm khoảng một nửa nguyên liệu ngành gỗ Việt Nam sử dụng. Với chu kỳ trồng rừng chỉ 5 - 6 năm thậm chí 4 - 5 năm như hiện nay, Việt Nam đang trồng để bán rừng non, giống như bán lúa non chứ không phải làm lâm nghiệp. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu nguyên liệu giấy không tăng, thậm chí còn giảm, nếu tiếp tục xuất khẩu nhiều dăm gỗ thì Việt Nam sẽ tự làm khó mình.

Ông Ngô Sỹ Hoài cũng cho biết thêm: Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua có điều khoản về cho thuê rừng và môi trường rừng để kinh doanh lâm sản và dịch vụ sinh thái rừng. Do đó, Viforest kiến nghị Chính phủ mạnh dạn thí điểm giao một phần diện tích rừng tự nhiên cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý theo hình thức đặc nhượng rừng như các nước Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác đang làm và đã có những thành công nhất định. Chúng ta có thể xem xét cho người nước ngoài thuê đất lâu dài thì tại sao lại không thể cho phép doanh nhân Việt Nam thuê rừng tự nhiên được quy hoạch cho mục tiêu sản xuất gỗ một cách lâu dài để phát huy chức năng sản xuất lâm sản của loại rừng này?

Theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản, nếu thành công theo hướng này, và nếu mỗi năm chỉ cần khai thác 1m3 gỗ từ mỗi ha rừng thì cả nước sẽ có 4 triệu m3 gỗ đáp ứng yêu cầu ưa chuộng đồ gỗ từ rừng tự nhiên của thị trường nội địa và một phần cho chế biến xuất khẩu sang các thị trường châu Á. Bởi theo lý thuyết, rừng tự nhiên dù là rừng nghèo cũng có thể cho tăng trưởng 2m3 gỗ/ha/năm nếu được điều tiết bài bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành chế biến gỗ Việt Nam hướng đến sản xuất có bản quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO